LIMA (NV) – Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, lập lại lời kêu gọi Việt Nam và Philippines đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Tân Hoa Xã hôm Thứ Bảy 19 tháng 11, 2016 đưa tin Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang gặp mặt Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC tổ chức tại Lima, Peru, ngày Thứ Bảy 19 tháng 11, 2016.
“Đối với vấn đề Biển Đông, Tập thúc giục hai nước láng giềng (Việt Nam và Philippines) giải quyết tranh chấp xuyên quan đàm phán song phương và đối thoại, trung thành với đường hướng hợp tác “gác qua một bên các dị biệt và gặp nhau trong phối hợp phát triển, cũng như đối phó các rắc rối đúng cách để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.”
Bản tin Tân Hoa Xã viết như vậy về cuộc gặp gỡ bên lề của ông Tập Cận Bình với Chủ Tịch Nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte.
Nói riêng về cuộc gặp bên lề với ông Trần Đại Quang, Tân Hoa Xã viết về lời dỗ ngọt của Tập Cận Bình rằng ông ta “kêu gọi hai bên duy trì chiều hướng đúng cách, thi hành sự đồng thuận đã đạt được trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, thực hiện các dự án đã thỏa thuận, nhờ vậy bảo đảm phát triển mối quan hệ song phương bền vững, tốt đẹp, mang lợi ích cho cả hai dân tộc.”
Ông ta kêu gọi hai bên tiếp tục các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước cũng như trao đổi song phương về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Ông ta còn kêu gọi hai bên nâng tầm hợp tác cả về phẩm chất và tiêu chuẩn, tăng tốc các khu vực hợp tác kinh tế biên giới và thực hiện các dự án hạ tầng vùng biên…”
Cách dùng từ của Tân Hoa Xã luôn luôn gọi các lãnh tụ Trung Quốc bằng họ (ông Tập như Tây phương) trong khi gọi chủ tịch nước và các lãnh tụ CSVN khác bằng tên tục, như trường hợp này, chỉ gọi chủ tịch nước CSVN là Quang.
Thông tấn xã của Việt Nam loan tin “Hoạt động song phương của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tại Peru” khi gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập gì tới lời dụ dỗ thảo luận song phương về tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
TTXVN chỉ viết: “hai nhà lãnh đạo cho rằng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực; việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa hai đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.”
“Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, hai bên cần thường xuyên trao đổi chiến lược, giải quyết ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.”
Mới đây, khi Trương Đức Giang, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc tới Hà Nội vào dịp nước Mỹ vừa có kết quả bầu cử tổng thống, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy TTXVN thuật lời nói với ông ta rằng “Hai bên cần tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển,” tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với Công Ước Luật Biển 1982.”
Không thấy TTXVN lập lại điều này khi Trần Đại Quang gặp ông Tập Cận Bình ở Lima.
Dù Tập Cận Bình kêu gọi “gác qua một bên các dị biệt” về tuyên bố chủ quyền, các ngư dân Việt Nam tới khai thác thủy sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa luôn luôn bị tàu tuần của Trung Quốc đuổi bắt, đâm chìm. Lập trường của Bắc Kinh là sau khi đã cướp được trọn quần đảo Hoàng Sa, bây giờ không có chuyện gì gọi là tranh chấp nữa. Tất cả mợi lời tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi với các bằng chứng lịch sử của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều bị Bắc Kinh bác bỏ. Nhiều lắm, chỉ còn tranh cãi về quần đảo Trường Sa vì Bắc kinh mới chỉ cướp được 6 bãi đá ngầm tại Trường Sa, đang ráo riết biến các nơi này thành 6 đảo nhân tạo và căn cứ quân sự khổng lồ trên biển nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông. (TN)
No comments:
Post a Comment