Monday, October 31, 2016

‘Tự do báo chí’ là tự do đình bản

(Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (VN) – Một thứ trưởng của Bộ Thông Tin-Truyền Thông Việt Nam vừa giới thiệu Luật Báo Chí mới, kèm khẳng định, luật mới là nền tảng vững chắc cho tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Luật Báo Chí mới vừa được Bộ Thông Tin-Truyền Thông giới thiệu với các cơ quan truyền thông ở miền Nam Việt Nam, sau khi riêng trong tháng này, bộ đình bản hai báo điện tử (Petrotimes và Tầm Nhìn). Cũng trong tháng này, có một tổng biên tập bị cách chức (Petrotimes), một tổng biên tập và một phó tổng biên tập bị đình chỉ công tác (Infonet), một tổng biên tập (Lao Động Xã Hội) bị bắt. Riêng tổng biên tập báo Lao Động Xã Hội được thông báo là bị bắt do “đánh bài.” Những trường hợp khác như đã kể chỉ được loan báo chung chung là có “sai phạm” nên phải kỷ luật hoặc “làm rõ.”
Trong cuộc gặp đại diện 250 cơ quan truyền thông ở miền Nam vào cuối tuần vừa qua, ông Hoàng Vĩnh Bảo, thứ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông, nói với báo giới là Luật Báo Chí mới nhằm “khắc phục những những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn” của luật được ban hành năm 2010.
Ngoài chuyện ông Bảo quảng cáo cho Luật Báo Chí mới, báo chí Việt Nam không nói gì thêm về nội dung của luật này.
Luật Báo Chí mới được Quốc Hội Việt Nam thông qua hồi Tháng Tư. Trước đó một tháng, khi Luật Báo Chí mới còn là dự luật, giới làm báo ở Sài Gòn đã góp nhiều ý kiến cho đoàn đại biểu Quốc Hội của Sài Gòn.
Chẳng hạn khi đó, ông Đỗ Danh Phương, tổng biên tập báo Người Lao Động, nói rằng, việc soạn thảo luật báo chí mới thực ra “chỉ nhằm quản lý và siết báo chí.” Một phó tổng biên tập của báo Pháp Luật TP.HCM tên là Hoàng Chương gọi các qui định của dự luật báo chí mới là “quản lý sát sàn sạt.”
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam lúc đó thì ông Chương thắc mắc đối với cả ý định quản lý về phương thức hoạt động của báo chí lẫn ý định quản lý báo chí về nội dung. Khi đặt định quản lý về nội dung thì các cơ quan quản lý của chính quyền Việt Nam có thấu hiểu tình cảnh của dân chúng không (?), nội dung được quản lý có giúp gì cho quốc gia không?
Ngay cả Sài Gòn Giải Phóng, tờ báo của Thành Ủy Sài Gòn, cũng không đồng tình với việc gom các cơ quan báo chí về một mối để quản lý.
Đại diện các tờ báo ở Sài Gòn than thở rằng báo in đang chết vì báo điện tử còn báo điện tử thì lao đao do bị mạng xã hội cạnh tranh. Bất lực trong việc siết mạng xã hội nhưng vẫn siết báo chí là không thỏa đáng.
Ông Đỗ Văn Dũng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đề nghị các cơ quan quản lý của chính quyền Việt Nam “cần phải thấu hiểu để tạo sự thông thoáng, năng động và tự chủ cho các cơ quan báo chí.”
Đại diện các cơ quan báo chí hy vọng các cơ quan quản lý báo chí của chính quyền Việt Nam có viễn kiến, nếu không luật mới sẽ lạc hậu ngay vào lúc ban hành. Thậm chí, nếu nội dung chỉ như dự luật, thì không cần phải có Luật Báo Chí vì hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo đã được các luật khác điều chỉnh.
Đối chiếu dự luật được góp ý hồi Tháng Ba với Luật Báo Chí mới được thông qua hồi Tháng Tư, người ta thấy từ giới soạn thảo tới giới làm luật không thèm đếm xỉa gì đến các góp ý của báo giới. Chưa kể mới đây, thay mặt Bộ Thông Tin-Truyền Thông, ông Bảo còn mạnh miệng tuyên bố như đã kể. Không phải ông Bảo dũng cảm mà vì ông biết bản chất của báo giới thuộc chính quyền ra sao. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment