Đây là yêu cầu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch hội đồng nhân dân TP.HCM tại thảo luận ngày 31-10, về dự án luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng tòa nhà Petro Vietnam Tower gần Thảo Cầm Viên Sài Gòn, vốn là tòa nhà được xây dựng nhằm tập trung cho các cơ quan đại diện của Hà Nội tại Sài Gòn. Nhưng không cơ quan của Hà Nội nào muốn vào, mà họ chỉ muốn có trụ sở riêng. Có những dinh thự bị bỏ không cả 20 năm nay, nhưng những cơ quan này vẫn không chịu trả. Hầu hết những dinh thự này bị những cơ quan ở miền Bắc vào chiếm giữ từ sau tháng 4-1975.
“Hội đồng nhân dân đi giám sát thấy thực tế này, và đề nghị thu hồi để làm bệnh viện, trường học nhưng không được. Kể cả khi chúng tôi đưa đất, ứng vốn để xây dựng, nhưng sau đó đề nghị giao lại trụ sở cũng không được”, bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, các trụ sở công của cơ quan Hà Nội tại Sài Gòn sử dụng rất lãng phí, trong khi có những trường học gần đó thì xuống cấp. Tuy nhiên các vị bộ trưởng lại không đồng ý việc trả lại các dinh thự đã bị chiếm làm trụ sở này.
“Trong khi địa phương thì thiếu đất để phát triển các mục tiêu công ích, nhưng lâu lâu lại thấy một trung tâm tiệc cưới mọc lên trong đất gọi là đất quốc phòng, rất khó giải thích với dân, cần có đánh giá để làm sao trong tổng thể chung chúng ta sử dụng hiệu quả đất công!”, bà Văn Thị Bạch Tuyết, một dân biểu, nói.
Trong khu vực thuộc phi trường Tân Sơn Nhất, sau tháng 4-1975 đã bị Bộ Quốc Phòng CSVN chiếm đoạt rất nhiều diện tích. Chỉ riêng phần bị chiếm để làm sân golf có diện tích đến 156 ha; trong đó khu biệt thự có diện tích khoảng 14 ha, bao gồm chung cư cao tầng, trung tâm thương mại và khu biệt thự. Bộ Quốc phòng CSVN cũng đã bán cho công ty cổ phần đầu tư Long Biên để xây dựng 54 căn biệt thự, 8 lô chung cư với 1,000 căn nhà, 1 khách sạn 5 sao trong phần diện tích 156 ha này. Tuy vậy vẫn còn 40 ha đang được bộ này bỏ trống tại phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng không chịu trả lại.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment