Trần Trung Đạo (Danlambao) - Suốt
sáu tháng qua, nhất là từ cuối tháng Bảy đến đầu tháng Mười, phong trào
chống Formosa bùng nổ lớn bằng các cuộc biểu tình với sự tham gia của
nhiều ngàn đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng.
So với các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng biển đảo trước đây,
các cuộc biểu tình tại Quảng Bình, Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh là những cuộc
biểu tình đông đảo nhất trong suốt 41 năm qua. Sở dĩ phong trào phát
triển nhanh và đông đảo như vậy là nhờ được sự ủng hộ tinh thần của các
vị lãnh đạo Công Giáo thuộc các giáo phận tại miền Trung. Đồng thời, các
mục tiêu tranh đấu cũng cụ thể và rõ ràng hơn.
Tại sao phải chống Formosa? Như Đức Cha Nguyễn Thái Hợp nhận định: “Nếu
nhà nước là đại diện của dân, theo đúng nguyên tắc nhiều nơi làm thì
trước khi đòi Formosa bồi thường bao nhiêu thì phải đi nghiên cứu lại và
xem dân thiệt hại bao nhiêu. Trong khi đó nhà nước lại đi đêm với
Formosa và nhận như vậy thì điều đó trong thế giới hôm nay người ta
không thể công nhận việc đó được.”
Số tiền gọi là bồi thường của Formosa với thỏa thuận của nhà cầm quyền
CSVN dù lên tới bao nhiêu tỉ đô la cũng chỉ là một loại tiền bố thí.
Nhân dân Việt Nam không cần ai bố thí. Nước Việt là của người Việt. Việt
Nam cần một môi trường sạch không chỉ cho hôm nay mà cả nhiều trăm năm,
nhiều thế hệ về sau. Do đó, yêu cầu chung của người dân là Formosa phải
đóng cửa.
Tinh thần của đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước chưa bao giờ
lên cao hơn. Chế độ CS vẫn còn mạnh và còn đang cai trị nhưng chưa bao
giờ ở trong tình thế bị bao vây, nao núng hơn.
Người viết và có thể nói hầu hết các nhà phân tích tình hình đất nước,
đã tự đặt cho mình câu hỏi, liệu CSVN sẽ phải làm gì để thoát vòng vây?
Trong hai bài viết liên quan đến sự kiện Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt,
người viết cho rằng CSVN sẽ cố gắng cô lập các cuộc biểu tình để không
phát triển thành một làn sóng chống đối có tầm vóc quốc gia, chặt các
chiếc cầu nối kết giữa phong trào chống Formosa sang các phong trào đòi
tự do dân chủ và cuối cùng thỏa hiệp với từng thành phần có liên hệ.
Cho đến nay, dù đông đảo, các cuộc biểu tình vẫn còn giới hạn trong
khuôn khổ tôn giáo. CS có đàn áp nhưng không dám nặng tay như trường hợp
các chế độ độc tài Bắc Phi hay quân phiệt Miến Điện đã làm tại nước họ
trước đây và kết quả đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng.
Để ngăn chận phong trào vượt qua khỏi giới hạn tôn giáo và phát triển
thành một phong trào của quần chúng, CSVN phải bắt những thành phần có
khả năng tạo sự nối kết giữa Công Giáo với các thành phần đấu tranh
thuộc nhiều tầng lớp xã hội và thuộc nhiều tôn giáo ngoài ảnh hưởng của
giáo hội Công Giáo. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ngoài uy tín, phương pháp đấu
tranh ôn hòa còn là một tín đồ Công Giáo thuần thành, có khả năng làm
chiếc cầu nối kết giữa các phong trào trong và ngoài Công Giáo. Ngoài
ra, trong số các lãnh đạo phong trào xã hội tại Việt Nam hiện nay,
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là khuôn mặt nổi bật nhất. Giới cầm quyền CS nghĩ
rằng chưa cần phải bắt nhiều, chỉ một Như Quỳnh đủ để đe dọa các phong
trào xã hội.
Ngoài việc giới hạn sự lan rộng của phong trào và bắt bớ, CSVN tiến hành thỏa hiệp.
Thỏa hiệp là một sách lược chính trị được áp dụng rộng rãi từ Đông sang
Tây, tuy nhiên có thể nói, nguyên tắc thỏa hiệp với bên mạnh và tiêu
diệt bên yếu trước là một trong những chủ trương có tính kinh điển của
CS, không chỉ riêng CS Việt Nam mà cả phong trào CS quốc tế trước đây.
Gọi là kinh điển bởi vì Lenin đã nhiều lần nhấn mạnh đến chiến lược này
trong các tác phẩm của ông ta. Trong tuyển tập Lenin, chính y thừa nhận
lịch sử của Bolshevism cả trước và sau “Cách mạng tháng Mười” là lịch sử
của những thỏa hiệp, không những với các đảng phái không CS mà còn cả
với các thành phần tư sản.
Hôm 26 tháng 10, CSVN tìm cách lấy lòng Tòa Thánh qua chuyến viếng thăm
của phái đoàn do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu và được Đức
Giáo Hoàng tiếp. Trong dịp này, Bùi Thanh Sơn “khẳng định các cấp
chính quyền Việt Nam luôn quan tâm đến các nhu cầu của Giáo hội Công
giáo, tạo thuận lợi cho các hoạt động mục vụ của Công giáo, quan tâm cải
thiện, nâng cao đời sống giáo dân, nhất là tại các địa phương khó khăn…
Thứ trưởng đề nghị Tòa thánh và Đặc phái viên không thường trú của Toà
thánh quan tâm, khuyến khích Giáo hội Công giáo Việt Nam sống tốt đời
đẹp đạo, động viên chức sắc và giáo dân Công giáo tại các giáo phận đồng
hành cùng đất nước, tham gia đóng góp một cách tích cực vào công cuộc
phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và ở từng địa phương.”
Không cần phải nói thẳng ra hay dịch cho rõ nghĩa những lời đường mật
của Bùi Thanh Sơn, ai cũng biết, CSVN muốn Tòa Thánh giúp làm lắng dịu
cuộc đấu tranh chống Formosa hiện nay.
Như đã phân tích, bài học cách mạng dân chủ tại Rumani, Ba Lan,
Philippines, Haiti cho thấy một khi lời kêu gọi của các lãnh đạo tôn
giáo được mọi thành phần quần chúng lắng nghe và hưởng ứng, đó cũng là
ngày chế độ độc tài sắp sửa cáo chung. Những ngày tháng tới là thời gian
đầy thách thức và chọn lựa không phải chỉ đối với ngư dân Quảng Bình,
Vinh, Hà Tĩnh, Nghệ An, không phải chỉ của riêng các lãnh đạo tôn giáo
mà của cả dân tộc.
Giáo hội luôn có sự cảm thông sâu xa đối với sự chịu đựng của dân tộc và
có cảm tình đối với các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nhưng
cảm thông hay cảm tình chưa đủ mà chỉ có sự chọn lựa dứt khoát mới thay
đổi được hoàn cảnh đất nước.
Người viết không dám lạm bàn hay võ đoán các quyết định của Tòa Thánh và
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, chỉ cầu mong quyết định của quý ngài phù
hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, góp phần xoa dịu vết thương
của dân tộc đã và đang chịu đựng quá nhiều, quá lâu dưới chế độ CS và mở
ra cánh cửa mới bằng tin mừng, hy vọng và hòa bình thật sự cho dân tộc
Việt Nam.
Một mai, nếu đất nước Việt Nam bị họa Đại Hán tàn phá thành tro bụi rồi
thì không chỉ tôn giáo thôi mà tất cả đều trở thành vô nghĩa. Do đó,
phục vụ tôn giáo là một trách vụ thiêng liêng nhưng phục vụ tổ quốc cũng
thiêng liêng không kém.
1.11.2016
No comments:
Post a Comment