BẠC LIÊU (NV) – Bãi thị kèm với biểu tình cùng quan tài của tiểu thương chợ Gành Hào đã bước sang ngày thứ ba. Chính quyền huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, dọa rằng công an sẽ mời một số người “làm việc.”
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, từ 28 Tháng Mười đến nay, ngày nào, hàng trăm tiểu thương chợ Gành Hào cũng khiêng quan tài đi quanh thị trấn rồi vòng về đặt quan tài tại trung tâm thị trấn, tọa kháng ở đó để phản đối việc chính quyền đập bỏ chợ Gành Hào, ép họ vào trung tâm thương mại Gành Hào.
Ông Bùi Minh Túy, chủ tịch huyện Đông Hải, phân bua rằng, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại nhiều lần để vận động tiểu thương rời chợ vào trung tâm thương mại và các tiểu thương đã đồng ý. Việc bãi thị, khiêng quan tài biểu tình trong vài ngày vừa qua chỉ vì tiểu thương bị “kẻ xấu lôi kéo, gây rối trật tự công cộng.” Ông Túy dọa là công an đang phân loại và sẽ mời một số người đến “làm việc” về vụ khiêng quan tài đi biểu tình, phản đối đập bỏ chợ Gành Hào.
Dù ông Túy và các viên chức địa phương liên tục khẳng định, chợ Gành Hào đã xuống cấp, không an toàn, không hợp vệ sinh, ảnh hưởng tới mỹ quan, trong khi trung tâm thương mại là nơi buôn bán tốt hơn, các tiểu thương không ngừng nhấn mạnh là họ không tin điều đó. Họ yêu cầu chính quyền địa phương để họ tự do lựa chọn nơi buôn bán, nhưng yêu cầu này bị bác bỏ.
Cần nhắc lại rằng, trong hai thập niên vừa qua, chính quyền các địa phương khắp Việt Nam từng thi nhau xây dựng chợ mới và sau đó, đa số chợ mới bị bỏ hoang. Bị dân chúng chỉ trích kịch liệt vì lãng phí công quỹ, chính quyền các địa phương chuyển sang thi nhau giao đất cho các công ty xây dựng những trung tâm thương mại rồi phá bỏ chợ cũ, ép tiểu thương vào buôn bán trong các trung tâm thương mại.
Trước thực trạng những tiểu thương chấp nhận rời chợ vào trung tâm thương mại phá sản vì giá cho thuê kiosque trong trung tâm thương mại quá cao, trong khi khách liên tục sụt giảm, các cuộc bãi thị phản đối việc giải tỏa chợ cũ, ép vào các trung tâm thương mại bùng phát khắp Việt Nam.
Năm 2012, Sở Công Thương Hà Nội chính thức thú nhận, “hiệu quả của kế hoạch chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại không cao” và sở này đã xin ngưng thực hiện “đề án chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại.”
Tuy nhiên, phong trào đập bỏ chợ, xây và ép tiểu thương vào các trung tâm thương mại không xẹp xuống. Chính quyền nhiều địa phương vẫn khăng khăng thực thi việc cưỡng ép tiểu thương.
Tại Bạc Liêu, công ty bất động sản Bạc Liêu vẫn tiếp tục đầu tư vào trung tâm thương mại Gành Hào. Ý tưởng đập bỏ chợ Gành Hào, thay bằng trung tâm thương mại được giới thiệu từ giữa năm 2011, nhưng bị tiểu thương chợ phản đối kịch liệt. Chính quyền huyện Đông Hải và chính quyền tỉnh Bạc Liêu chỉ nhượng bộ bằng cách đặt ra thời hạn hai năm đề các tiểu thương suy nghĩ và lựa chọn. Từ đó đến nay, không có tiểu thương nào trong số 200 tiểu thương kinh doanh ở chợ Gành Hào tự nguyện rời nơi buôn bán quen thuộc của họ để chuyển vào trung tâm mới, trong khi công ty bất động sản Bạc Liêu cần sớm thu hồi vốn đầu tư.
Đó cũng là lý do chính quyền huyện Đông Hải cương quyết đập bỏ chợ Gành Hào chứ không nhượng bộ tiểu thương nữa. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment