Saturday, October 1, 2016

Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện Formosa của ngư dân?

Một cựu thẩm phán, hiện là luật sư đã nói rằng: “Một khi đã có "quyết định bồi thường" của Chính phủ thì tòa án huyện Kỳ Anh sẽ trả lại đơn khởi kiện hàng loạt cho các nguyên đơn, vì không còn thuộc thẩm quyền của tòa án nữa”.
Như vậy có phải là "Binh Nhì Formosa" đã được giải cứu ngoạn mục?.
Câu trả lời là KHÔNG.
Cam kết bồi thường cần được hợp pháp hóa dưới hình thức một thỏa thuận (hợp đồng) bồi thường với chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Nó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tiền bồi thường và quy định các hệ quả pháp lý.
Thông thường, một thỏa thuận như vậy ít nhất cũng phải xác định rõ ý nghĩa và mục đích của khoản tiền; phạm vi, đối tượng những người được nhận tiền; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của bên trả tiền cũng như của bên nhận tiền sau khi nhận tiền.
Đặc biệt phải quy định cụ thể, với việc trả bồi thường, bên trả tiền sẽ được loại trừ, giải phóng khỏi những nghĩa vụ, trách nhiệm nào; người nhận tiền sẽ không còn các quyền nào.
Tất cả các yêu cầu nói trên, cho đến nay vẫn chưa được chính phủ Việt Nam công bố. Chính phủ Việt Nam cần phải công bố toàn văn thỏa thuận đó cho công luận biết.
Theo thông lệ quốc tế, các khoản tiền được gọi là tiền bồi thường không phải là tiền nhằm hỗ trợ những người thiệt hại để họ có tương lai tốt hơn, hay phát triển kinh tế ở những địa phương bị thiệt hại; cũng không phải là khoản tiền đã bao gồm chi phí tái tạo môi trường.
Chính quyền địa phương nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại cho địa phương mình như: thất thu thuế (đánh bắt và tiêu thụ hải sản giảm, dân cư chuyển đến sinh sống ở địa phương khác); doanh thu của các ngành kinh doanh khác như du lịch giảm; do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên địa bàn; cũng như yêu cầu Formosa chịu chi phí chuyển đổi ngành nghề cho những ngư dân nào bị thiệt hại do Formosa gây nên đến mức không muốn tiếp tục đánh bắt hải sản nữa,...
Các hiệp hội nghề nghiệp có quyền khởi kiện buộc Formosa bồi thường tổn thất do giảm tiền hội phí vì hội viên giảm thu nhập; tổn thất do bảo lãnh vay vốn cho hội viên là ngư dân, v.v..
Các cá nhân có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại vật chất, tính mạng và sức khỏe do Formosa gây ra cho bản thân. Hiện nay, do Formosa đã thừa nhận mình gây ra ô nhiễm, nên việc khởi kiện của các cá nhân rất thuận lợi.
Chính phủ Việt Nam thông báo rằng đã nhận bồi thường của Formosa, thì đây cũng chỉ là khoản tiền đáp ứng các yêu cầu bồi thường mà chính phủ có quyền yêu cầu mà thôi.
Trong vụ việc của Formosa Hà Tĩnh, rất có khả năng là Formosa đã yêu cầu chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm đảm bảo cho họ không bị những cá nhân chịu thiệt hại khởi kiện dân sự.
Tuy nhiên, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, chính phủ không có quyền tổng quát thay mặt các cá nhân bị thiệt hại nói chung, mà phải được sự ủy quyền của riêng từng người.
Nói một cách khác, dù trong thỏa thuận có điều khoản buộc chính phủ Việt Nam bảo đảm như vậy, nó cũng không giúp được gì cho Formosa khi có tranh chấp về thẩm quyền tại một tòa án ở Đài Loan.
Ngay cả khi thỏa thuận bồi thường buộc chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Formosa không bị các cá nhân khởi kiện chăng nữa, họ vẫn có thể kiện Formosa tại một tòa án có thẩm quyền của Đài Loan, nếu thấy mình không được bồi thường thỏa đáng.
Tòa án Đài Loan sẽ quyết định người khởi kiện cá nhân có bị ràng buộc bởi thỏa thuận giữa Formosa và Chính phủ Việt Nam hay không. Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Không!
Như vậy, người dân một mặt vẫn có thể nhận tiền bồi thường, mặt khác vẫn có quyền yêu cầu Formosa trả lại môi trường biển trong sạch. Vì trước hết, Formosa có cả hai nghĩa vụ: bồi thường thiệt hại cho ngư dân, và đưa môi trường biển trở lại như khi chưa bị ô nhiễm.
Sau nữa, mỗi người dân đều có quyền nhận bồi thường theo từng phần, từng giai đoạn cho đến khi được bồi thường đầy đủ.
Muốn vậy thì khi ký nhận bồi thường, người dân phải được sự tư vấn của luật sư giỏi về nội dung ký nhận; và phải được một cơ quan có thẩm quyền xác nhận tổng giá trị thiệt hại theo đúng yêu cầu của họ.
Khi cần thiết, người dân được quyền yêu cầu tòa án công nhận giá trị thiệt hại này.
Nguyễn Gia Định
Nguồn: Sài Gòn Báo
(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

No comments:

Post a Comment