Saturday, October 1, 2016

Mưa ngập, cống tắc và một số thứ “qui ra thóc”

 Trận mưa ở Sài Gòn hay cơn lũ Hà Nội, xét về mặt nào đó là sự “trừng phạt” tất cả: dù bạn là ai.

Nhà tôi ở trong “rốn lụt” của Hà Nội trong trận lụt lịch sử 2008. Gọi là “rốn lụt”, bởi nước ngập đến hơn nửa căn nhà trong gần một tuần lễ, trong khi các khu vực khác của thủ đô nước rút đi chỉ sau 2 – 3 ngày. Lúc đó còn là sinh viên, tôi vui vì được nghỉ học dài hạn, lại được ngày ngày chèo bè chuối tự tạo đi bắt cá ở những khu vườn giờ mênh mông nước.
Nhưng khi nước rút đi, di sản để lại khiến người lạc quan nhất cũng phải rầu lòng. Nhà ít thì đồ đạc mục nát, xe cộ hư hỏng, nhà nhiều thì hỏng mái bục tường, phải tốn bao nhiêu tiền của để làm lại. Có đến hơn 20 người thiệt mạng trong trận lũ mà một lãnh đạo Hà Nội bấy giờ gọi là “tổng diễn tập”. Người thì do cây đổ, người thì rơi xuống cống thoát nước. Có cả những em học sinh ra đi khi trên cổ vẫn đeo khăn quàng đỏ, bị lũ cuốn ngay giữa đường phố thủ đô.
Tám năm trôi qua, trận “mưa cực đoan” ở Tp. Hồ Chí Minh lặp lại gần như y nguyên thảm hoạ đó, dẫu xét về thiệt hại có thể không lớn bằng. Như cơn hồng thuỷ trước, nó cũng mang đến nhiều điều đáng suy nghĩ.
Tân Sơn Nhất bị lụt, Sài Gòn vỡ trận, Sài Gòn lụt sau cơn mưa, tắc đường
Đường tắc chỉ sau một cơn mưa. Ảnh: Zing
Mưa lũ trong huyền thoại được coi là một cách để cào bằng bất công. Theo Kinh thánh, Chúa trời nổi cơn thịnh nộ và tạo ra trận đại hồng thuỷ để huỷ diệt loài người, duy chỉ để lại gia đình ông Noah, là những người sống lương thiện hơn tất cả.
Trận mưa ở Sài Gòn hay cơn lũ Hà Nội, xét về mặt nào đó, còn “cực đoan” hơn thế, bởi nó “trừng phạt” tất cả: dù bạn là ai, lương thiện hay bất lương, giàu hay nghèo, trí thức hay vô sản, thì cũng đều phải chịu cảnh như nhau giữa biển nước.
Sự “trừng phạt” này là đáng suy ngẫm, bởi từ sau khi chúng bước vào nền kinh tế thị trường với Đổi mới 30 năm trước, nhiều người có xu hướng khoác lên mình tấm áo cá nhân để phủ kín giá trị cộng đồng. Chúng ta đánh đồng chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản với việc theo đuổi lợi ích cá nhân tuyệt đối, không quan tâm đến cuộc đời kẻ khác. Ngoài những thứ “quy ra thóc”, người ta có thể để mặc ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, tệ nạn xã hội, kẹt xe, tham nhũng,…cho những người khác lo.
Thị dân an phận với văn phòng máy lạnh, nông dân an phận với đồng xanh, ngư dân an phận với biển cả, chúng ta luôn muốn an phận với những gì mình có và hạn chế tối đa việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chúng ta nghĩ vậy là khôn ngoan. Nhưng liệu có phải vậy?
Khi biển nhiễm độc, không chỉ ngư dân thiệt hại. Khi nông dân mất đất phải bỏ xứ mà đi, không phải chỉ mình họ chịu thiệt. Thực phẩm bẩn không chỉ tấn công người thành phố. Khi truy ra tận gốc rễ, chúng ta sẽ thấy mọi vấn đề đều có mối tương quan nhất định với nhau, và gắn liền với cái chúng ta quen gọi là “lỗi hệ thống”. Giải quyết lỗi “hệ thống” đó cần nhiều hơn một cánh én nhỏ.
Số phận đặt chúng ta vào chung một cộng đồng, gắn liền vận mệnh với nhau, bởi không phải ai cũng có đủ khả năng để tị nạn sang những xã hội khác có vẻ ít vấn đề hơn.
Một cộng đồng, một số phận. Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, khi ra ngoài đường vẫn có thể bị thanh xà gồ từ công trình đường sắt đô thị rơi vào đầu. Dù bạn có đi chiếc xe siêu sang, vẫn phải chờ dài trong tuyệt vọng giữa những ngã ba tắc nghẽn, len lỏi giữa phố xá đầy khói bụi, và có thể là nạn nhân của nạn “mãi lộ” bất cứ lúc nào. Dù bạn có yên vị ở những căn biệt thự xa hoa, vẫn có thể có ngày nước ngập đầy nhà và cướp ghé thăm.
Điều ít nhất mà chúng ta có thể làm là lên tiếng. Im lặng trước cái đẹp là gián tiếp phủ nhận nó. Im lặng trước điều xấu là ngấm ngầm cho phép nó lộng hành. Và bạn sẽ không biết đến lúc nào vị thần bất công gõ cửa nhà mình.  Biết đâu, những trận lũ lịch sử đã không diễn ra nếu chúng ta từng lên tiếng về những công trình xây dựng gây tranh cãi, về hệ thống thoát nước ngàn tỷ không hiệu quả, hay một chính sách đô thị hoá sai lầm?
Một cơn mưa đi qua, để lại nỗi bức xúc. Nhưng nói như tên một cuốn sách của TS. Đặng Hoàng Giang, “bức xúc không làm ta vô can”. Cuộc sống không tự dưng tốt đẹp lên, và nếu chỉ biết vun vén cho riêng mình, cố làm ngơ trước những vấn đề chung, chúng ta đang tự xây toà lâu đài của mình trên cát.
Một cơn mưa đi qua, vì thế, biết đâu lại là một dịp tốt để tất cả mọi người dừng lại và cùng suy ngẫm về việc chúng ta có vô can với những bức xúc đối diện mỗi ngày hay không?
01/10/2016  05:00
Khắc Giang

No comments:

Post a Comment