QUẢNG NAM (NV) – Người dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng rất lo lắng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng xấu khi chính quyền tỉnh này đồng ý cho xây nhà máy thép trên thượng nguồn sông Vu Gia.
Báo Người Lao Động loan tin, ngày 29 tháng 9, tỉnh Quảng Nam đã có thông cáo về việc thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, thượng nguồn của sông Vu Gia – Thu Bồn, nơi cấp nước sinh hoạt cho người dân ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Theo thỏa thuận, diện tích mà ủy ban tỉnh Quảng Nam cấp cho công ty thép Việt Pháp để xây dựng nhà máy khoảng 17 ha, có ranh giới liền với nghĩa trang thị trấn Thạnh Mỹ và hành lang an toàn quốc lộ 14B.
Điều đáng nói, công ty thép Việt Pháp, chủ đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp, đang hoạt động tại phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, đã nhiều lần gây ô nhiễm làm người dân nơi đây bất an. Cũng chính vì gây ô nhiễm nên tỉnh Quảng Nam yêu cầu công ty này phải di dời trước năm 2017.
Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Trương Quang Dũng, phó giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Quảng Nam, cho biết, quan điểm của sở là phản đối đầu tư xây dựng dự án này, nhưng ủy ban tỉnh lại cho phép xây dựng. Đồng thời, chính phủ cũng đã chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để lấy môi trường bị hủy hoại từ các nhà máy thép.
Dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp dự kiến sẽ được đầu tư 975 tỷ đồng nhưng chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Ngay việc đóng góp cho ngân sách của công ty thép Việt Pháp đang hoạt động cũng không đáng kể, chỉ 12.6 triệu đồng (khoảng $550) trong năm 2015.
Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Ka Phu Tân, chủ tịch thị trấn Thạnh Mỹ, cho biết, người dân địa phương “cơ bản đồng tình,” nhưng vẫn lo ngại ô nhiễm môi trường nên yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết. Phía công ty thì cho rằng, lò luyện thép này không có nước thải vì chỉ luyện cán thép từ… sắt vụn, phế liệu nên sẽ không gây ô nhiễm môi trường,” ông Tân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Ảnh, giám đốc công ty cấp nước Đà Nẵng, cho biết khi nghe thông tin về việc xây dựng nhà máy thép ở khu vực thượng nguồn sông Vu Gia, ông đã giật mình. Theo ông, cần phải xem xét về công nghệ cũng như mức độ tác động môi trường của nhà máy như thế nào. Những nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng xây dựng ở thượng nguồn thì rất nguy hiểm.
Để trấn an dư luận, ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương di dời nhà máy từ thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang. Việc có thực hiện dự án hay không phải qua các bước như đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của người dân… (Tr.N)
No comments:
Post a Comment