BÌNH PHƯỚC (NV) – “Ðúng một cách đáng ngờ.” Ðó là nhận định của nhiều người sau khi Cục Thi Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Bình Phước công bố kết quả kiểm tra vụ cưỡng chế khiến cả dân lẫn công an cùng đổ máu ở Phú Riềng.
Ngày 15 tháng 9, các lực lượng hữu trách ở huyện Phú Riềng đã tổ chức cưỡng chế, tịch thu vườn điều diện tích 4,500 mét vuông tọa lạc tại xã Long Bình của bà Lý Thị Luân để giao cho người đã mua đấu giá mảnh vườn này.
Cả bà Luân lẫn thân nhân cùng kháng cự vụ cưỡng chế này. Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì lực lượng công an tháp tùng các viên chức của Chi Cục Thi Hành Án dân sự huyện Phú Riềng “đã dùng súng, dùi cui điện trấn áp thân nhân của gia đình bị cưỡng chế và bị chống trả quyết liệt khiến xung đột bị đẩy đến đỉnh.”
“Do bị công an dùng dùi cui điện dí vào người nên Dũng Văn Hai (29 tuổi) đã dùng dao nhọn đâm thủng bụng Thượng Úy Lê Xuân Mạnh (32 tuổi) làm việc tại công an huyện Phú Riềng. Trước hành vi quá manh động, một chiến sĩ công an đã dùng súng bắn vào người Dũng Văn Quang (31 tuổi – không phải là người đâm viên thượng úy), đồng thời ra đòn trấn áp với những người còn lại.”
“Sau khi bị đâm thủng bụng, Thượng Úy Mạnh đã được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, thương tích không ảnh hưởng đến tính mạng. Còn Dũng Văn Quang cũng được người thân đưa đi cấp cứu.”
Hai ngày sau, công an tỉnh Bình Phước khởi tố bảy người tuổi từ 25 đến 46 và cùng là thân nhân của bà Lý Thanh Luân để điều tra hành vi “chống người thi hành công vụ.” Trong bảy người này có cả ông Dũng Văn Quang – người đã bị công an bắn trọng thương.
Vụ cưỡng chế bắt nguồn từ việc bà Luân vay của hàng xóm là ông Phạm Tiến Sáng một khoản tiền. Vì bà Luân không trả nợ nên ông Sáng kiện bà ra Tòa án huyện Phú Riềng. Do bà Luân không phủ nhận chuyện vay mượn và vẫn khẳng định sẽ trả cả vốn lẫn lãi nên tòa không xử mà chỉ làm thủ tục hòa giải. Quyết định công nhận thỏa thuận giữa hai bên (có giá trị như một bản án) xác định bà Luân phải trả cho ông Sáng 50.2 triệu đồng.
Có một điểm đáng chú ý nhưng trước đây không được làm rõ là tại sao bà Luân đã thừa nhận và khẳng định sẽ trả nợ nhưng Chi Cục Thi Hành Án dân sự huyện Phú Riềng lại tổ chức đấu giá vườn điều có diện tích 4,500 mét vuông của bà Luân để thu… 50.2 triệu trả cho ông Sáng (?).
Tờ Tuổi Trẻ chỉ cho biết vụ đấu giá đã diễn ra cách nay hai năm một cách suôn sẻ nhưng cũng chưa rõ vườn điều của bà Luân đã được ai mua và mua với giá bao nhiêu (?). Bởi bà Luân không chịu bàn giao vườn điều cho người trúng đấu giá nên mới xảy ra vụ cưỡng chế ngày 15 tháng 9.
Hôm 20 tháng 9, Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Bình Phước cho biết đã kiểm tra vụ cưỡng chế thi hành án đối với bà Luân. Những thắc mắc vừa kể đều được giải đáp song cách giải đáp còn khiến người ta… thắc mắc nhiều hơn!
Theo đó, sở dĩ Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Phú Riềng tổ chức đấu giá vườn điều của bà Luân để thu 50.2 triệu trả cho ông Sáng vì “cho rằng bà Luân không tự nguyện thi hành án.” Lúc đầu, mảnh vườn được một công ty chuyên thẩm định giá xác định giá trị là 197.75 triệu đồng. Tuy nhiên “Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Phú Riềng ‘cho rằng’ không có ai tham gia đấu giá nên phải giảm giá đến… 13 lần. Cuối cùng có một người chịu mua với giá chỉ có… 69.5 triệu đồng.”
Cũng theo Cục Thi Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Bình Phước thì hiện giờ, ngoài khoản tiền 50.2 triệu đồng thiếu ông Sáng, bà Luân còn thiếu tiền lãi của khoản nợ này trong sáu năm kèm với chi phí đấu giá, chi phí cưỡng chế. Tổng số nợ lên tới 119 triệu đồng. Ðã mất mảnh vườn, bảy người thân bị tống giam, bà Luân còn ôm thêm món nợ 49.5 triệu đồng!
Không thấy báo chí Việt Nam hỏi ý kiến bà Luân xem bà nghĩ thế nào về vụ cưỡng chế này. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment