Tuesday, September 20, 2016

Nhiều loại hải sản ở 4 tỉnh miền Trung có độc chất

Theo kết luận của Bộ Y Tế, các loại cá biển tầng nổi đã “đủ an toàn để dùng làm thực phẩm.” (Hình: báo Người Lao động)
HÀ NỘI (NV) – Bộ Y Tế Việt Nam cho hay đã kiểm tra và phát hiện 132 trên 1040 mẫu hải sản sống như: ghẹ, tôm, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá… của bốn tỉnh miền Trung có chất phenol, đồng thời cảnh báo là “không ăn các loại trên trong vòng 25 hải lý gần bờ.”
Truyền thông Việt Nam loan tin, tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên Giáo Trung Ương sáng 20 tháng 9, các bộ: Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp đã công bố kết quả xét nghiệm 1,340 mẫu hải sản thuộc 4 vùng biển chịu ảnh hưởng chất thải độc hại do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra và 3 vùng biển của các tỉnh không chịu ảnh hưởng của sự vụ này để so sánh.
Cả 4 tỉnh này là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nằm trong vùng biển chịu ảnh hưởng chất thải độc hại do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y Tế khẳng định, các loại hải sản sống ở tầng nổi hay các loại cá như: cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hay nuôi trong đầm của 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế không có chất Cyanua hay chất Phenol.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đối với các loài hải sản khác sống ở tầng đáy như: tôm, ghẹ, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá… trong vòng 25 cây số đã phát hiện 132 trong tổng số 1,040 mẫu tại 4 tỉnh trên có chất chất Phenol và nơi nhiễm cao nhất là tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại Thừa Thiên Huế.
Tin cho biết, mặc dù công bố khá chi tiết, song dư luận cho rằng, với kết luận này, làm sao biết cá nào sống ở tầng nổi và cá nào sống ở tầng đáy, cũng như ghẹ, cua, mực… nào không phải nằm trong vùng cấm để người dân sử dụng.
Một người tên Tuấn Hồ, bình luận vui trên Facebook rằng, “Trước khi ăn hải sản, cần hỏi nó nguyên quán, thường trú, tạm trú ở đâu, sau đó chờ nghe câu trả lời rồi mới tiến hành bước tiếp theo ăn hoặc không.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment