Việt Hà, phóng viên RFA 2016-09-20
Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh Courtesy vnn
Vài ngày qua, trên trang mạng xã hội đồng loạt xuất hiện một số những bài viết tiết lộ những thông tin liên quan đến hai lãnh đạo đảng của tỉnh Thanh Hóa và Hà Giang cho thấy hai vị bí thư đảng cấp tỉnh đã lợi dụng chức quyền để làm lợi cho gia đình và tham nhũng. Tuy nhiên, ngay sau đó, cả hai vị bí thư này đã đồng loạt lên báo chí chính thống để bác bỏ các thông tin cáo buộc. Phản ứng này hoàn toàn khác so với những gì đã diễn ra trước kia khi các trang mạng xã hội cũng loan tin về đời tư các quan chức đảng và nhà nước mà không ai lên tiếng thanh minh chính thức. Có ý kiến cho rằng đây là một dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng trong đảng nhưng cũng có người cho rằng đây là một dấu hiệu tốt của minh bạch thông tin.
Một dấu hiệu tốt?
Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh và Bí thư tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến hôm 17 và 18 tháng 9 đã đồng loạt lên các trang báo chính thống để phản bác những thông tin loan truyền trên mạng xã hội cuối tuần qua về việc các ông đã lợi dụng chức quyền để làm lợi cho gia đình và tham nhũng.
Theo các trang mạng xã hội, Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh có vợ, em trai, em gái đều là những người nắm các chức vụ quan trọng trong tỉnh. Trong khi đó, Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến bị cáo buộc là có bồ nhí, và tham nhũng mua nhà cửa cho bồ nhí, bổ nhiệm cô này lên các chức vụ cao trong tỉnh.
Những thông tin đó là thông tin trên mạng mà hai ông bí thư lên đính chính như vậy là một dấu hiệu tích cực, tốt. Thông thường trước đây các tin trên mạng được coi là tin ảo, không đáng trả lời. Giờ họ chịu trả lời…
-LS Trần Quốc Thuận
Nói với báo vnexpress hôm 17 tháng 9, ông Triệu Tài Vinh cho biết quy trình bổ nhiệm những người trong gia đình ông đều tuân thủ đúng quy định của đảng, nhà nước. Ông còn nói thêm là ông không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo.
Báo Dân Trí hôm 18 tháng 9 trích lời Bí thư Trịnh Văn Chiến cho biết những thông tin trên trang mạng xã hội là hoàn toàn bịa đặt, bôi nhọ cán bộ. Ông cũng cho biết là tỉnh đã giao cho cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Báo vnexpress hôm 19 tháng 9 trích lời ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết tỉnh đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo và Bộ thông tin truyền thông đề nghị chỉ đạo, xử lý việc đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật về Thanh hóa của một số blog, mạng xã hội.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ Sài gòn nhận định những thông tin trên mạng xã hội trong hai trường hợp này đã có tác dụng nhất định:
“Về thông tin về mạng xã hội thì cần chú ý thế này là những thông tin hết sức cụ thể về con người, về thời gian, địa điểm, tài sản, về hình ảnh và về giá trị và cả về dư luận. Trên mạng xã hội đã xuất hiện hai bài dài của một tác giả tên là Trịnh Văn Duy, cùng họ với ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa. Tác giả này viết hai bài dài đưa ra những dẫn chứng, dữ liệu và minh họa rất cụ thể, thậm chí còn cụ thể hơn cả mạng chân dung quyền lực nêu về các nhân vật của Bộ Chính trị. Xét về mặt hiệu ứng truyền thông thì tính cụ thể như vậy dễ thuyết phục người đọc. Điểm thứ hai là phản hồi. Điều đó cho thấy mạng xã hội bây giờ lan tỏa rất rộng rãi và phần lớn quan chức việt Nam bây giờ đặc biệt quan tâm đến mạng xã hội và họ phải phản ứng ngay.”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì nhận định đây là một dấu hiệu tốt:
“Những thông tin đó là thông tin trên mạng mà hai ông bí thư lên đính chính như vậy là một dấu hiệu tích cực, tốt. Thông thường trước đây các tin trên mạng được coi là tin ảo, không đáng trả lời. Giờ họ chịu trả lời… nó đưa ra một vấn đề là các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để thẩm tra thẩm định. Nếu đúng như vậy thì sẽ có biện pháp phản ứng….(1m48) trước đây thì họ khinh không trả lời nhưng giờ thì họ có phản ứng thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy họ tôn trọng mạng xã hội.”
Vừa đánh vừa lợi dụng
Đây không phải là lần đầu tiên, các trang mạng xã hội đưa các bài viết chứa đựng những thông tin và hình ảnh cáo buộc các quan chức của đảng và nhà nước các tội tham nhũng hay lợi dụng chức quyền. Hồi năm 2012, trước hội nghị trung ương 6, trên mạng internet đã xuất hiện trang mạng quan làm báo được cho là có nhiều thông tin tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình ông. Năm 2015, trước đại hội đảng 12, trên internet cũng xuất hiện trang mạng chân dung quyền lực với nhiều bài viết về nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và gia đình, cùng các bài viết và hình ảnh về đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên không có một quan chức nào bị tố cáo trên các trang mạng xã hội sau đó đã lên tiếng đính chính trên báo chí chính thống.
Nhiều người quan tâm đến tin chính trường Việt Nam nhận định, các trang mạng xã hội này là nơi các quan chức Việt Nam sử dụng để công kích lẫn nhau vì các trang này hoàn toàn không bị tấn công hay cấm truy cập như các trang mạng xã hội lề trái khác. Các trang mạng này lại thường xuất hiện vào những thời gian quan trọng khi sắp xảy ra các sự kiện liên quan đến sắp xếp nhân sự trong đảng và nhà nước. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, điều này đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến:
“Nếu như trước đây nội bộ đảng muốn triệt tiêu mạng xã hội và họ dựng ra nghị định 72 vào tháng 7 năm 2013 nhưng đã không làm được. Sau đó nó có một hiệu ứng như thế này là dường như các quan chức đảng nhận thấy mạng xã hội có tác động quá, hấp dẫn quá. Từ việc triệt tiêu mạng xã hội thì một số người trong nội bộ đảng lại quay qua lại vận dụng mạng xã hội để thanh toán nhau. Xu hướng sắp tới là càng phát triển của mạng xã hội và càng phát triển hơn nữa việc các quan chức lợi dụng, sử dụng mạng xã hội để đấu đá với nhau. Trong điều kiện đó, thông tin trong nội bộ đảng càng ngày càng bùng nổ trên mạng xã hội. Và người dân càng biết được nhiều những chân tơ kẽ tóc, những điều cực kỳ thiếu minh bạch mà trước đây họ không thể biết được về nội bộ đảng cộng sản.”
Giáo sư Zachary Abuza thuộc trường đại học về chiến tranh của Hoa Kỳ, người đã có nhiều các bài viết về chính trị Việt Nam nhận định về xu hướng này như sau:
Dường như có một dấu hiệu gì đó không bình thường trong nội bộ đảng cộng sản đều liên quan đến Bí thư tỉnh ủy hai tỉnh. Nó có thể có liên quan tới một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ đảng nhưng không diễn ra ở cấp trung ương mà ở cấp địa phương.
-TS Phạm Chí Dũng
“Chúng ta đang thấy sự bùng nổ của truyền thông, nghĩa là người dân đói thông tin truyền thông. Chúng ta cũng thấy sự biến chuyển trên mạng từ các blog sang các diễn đàn, trang web với nhiều người viết, được biên tập một cách chuyên nghiệp. Điều này rất quan trọng vì nhiều người Việt Nam bây giờ nhận được các thông tin trên mạng qua truyền thông mạng xã hội.”
Theo giáo sư Abuza, mặc dù chính phủ đang cố gắng hết sức để kiểm soát mạng xã hội nhưng dường như họ đang tham gia một cuộc chiến mà họ khó thắng.
Báo hiệu khủng hoảng
Câu chuyện của hai bí thư tỉnh ủy và các trang mạng xã hội mới đây dường như cũng đang cho thấy một cuộc khủng hoảng khác trong nội bộ đảng theo nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng:
“Dường như có một dấu hiệu gì đó không bình thường trong nội bộ đảng cộng sản đều liên quan đến Bí thư tỉnh ủy hai tỉnh. Nó có thể có liên quan tới một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ đảng nhưng không diễn ra ở cấp trung ương mà ở cấp địa phương. Trước đây đã từng có một số chuyên gia dự báo là chiến dịch được coi là chống tham nhũng hay còn gọi là đả hổ diệt ruồi của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ làm phát sinh một hệ lụy là sẽ diễn ra một làn sóng thanh trừng quyền lực từ trung ương đến địa phương và có những nhân vật, nơi, địa phương không liên quan đến chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Trọng cũng sẽ bị rơi vào tầm ảnh hưởng của việc thanh trừng dữa nhóm lợi ích và nhóm quyền lực mới với nhóm quyền lực và nhóm lợi ích cũ.”
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đang phát động một phong trào chống tham nhũng rầm rộ hay còn gọi là đả hổ diệt ruồi. Đã có quan chức địa phương đầu tiên bị điều tra là trường hợp của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, người đang bị phát lệnh truy nã. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì ông Thanh có thể đã tẩu thoát thành công vì ông đã được giúp đỡ bởi những thế lực ngay trong đảng.
No comments:
Post a Comment