Tuesday, September 13, 2016

Vụ án “Đảng bắn nhau” ở Yên Bái và những hệ lụy tiếp nối

Hàn Giang-13-09-2016

(VNTB) - "Một khi Đảng bắn nhau mà không xử lý rốt ráo thì Đảng bắn Dân, rồi Dân bắn lại Đảng là chuyện có thể biết trước. Nếu Đảng để tình trạng này xảy ra dần dần trên diện rộng thì đất nước sẽ hỗn loạn, vô pháp luật, và Tàu sẽ hưởng lợi.", nhà báo Nguyễn An Dân.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh đại hội đảng

Mặc dù đã công bố quyết định khởi tố vụ án “thảm sát ở Yên Bái” vào ngày 18/8/2016, kết luận ban đầu như báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin thì hung thủ vẫn là ông Đỗ Cường Minh-Chi cục trưởng kiểm lâm đã nổ súng giết chết Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường và ông Ngô Ngọc Tuấn- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, kiêm Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái rồi sau đó tự sát. Song với những gì mà ông thiếu tướng Đặng Trần Chiêu-Giám đốc Công an tỉnh và bà Phan Thị Thanh Trà- Chủ tịch Ủy ban tỉnh thông tin ở buổi họp báo ngay sau thảm sát xảy ra khiến cho dư luận thấy có quá nhiều tình tiết chưa rõ ràng cần phải làm rõ.
Một khía cạnh khác cũng cần phải làm rõ và tìm hiểu là tại sao lại có hiện tượng người dân tỏ ra vui mừng khi hay tin ba quan chức này chết? Và cuối cùng là vụ án này sẽ kéo theo những hệ lụy gì?...

Nhiều tình tiết chưa rõ ràng trong vụ án

Tại buổi họp báo chiều ngày 18/8/2016, bà Phan Thị Thanh Trà- Chủ tịch Ủy ban tỉnh Yên Bái nhận xét hung thủ Đỗ Cường Minh là một người hiền lành, có cố gắng hoàn thành công việc, được tín nhiệm giữ chức Chi cục trưởng kiểm lâm. Bà Trà đưa ra nhận định, có thể vì một vấn đề gì đó khiến ông Minh một phút bộc phát, không kiềm chế bản thân. Còn ông Đặng Trần Chiêu- Giám đốc công an tỉnh thì tiết lộ vài thông tin ban đầu của vụ án, sau khi ông Minh giết ông Bí thư Cường xong, có chào hỏi các cán bộ ở phòng ban Tổ chức Tỉnh ủy rồi sau đó mới vào phòng ông Tuấn để giết ông Tuấn. Dư luận đánh giá rằng: Khoan xét đến hành động tự sát của ông Minh, chỉ cần qua lời của ông Giám đốc công an Chiêu cũng đủ thấy ông Minh rất bình tĩnh trong lúc gây án nên nhận xét của bà Trà nhiều khả năng là không đúng.

Người dân chưa thể biết được liệu giữa ông Minh và các ông Cường bí thư, ông Tuấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân có mâu thuẫn gì không? Một điểm đáng chú ý khác là theo như mô tả thì ông Minh với khẩu súng K59 đã bắn 4 phát đạn vào người ông Cường bí Thư tỉnh ngay tại thời điểm sắp có buổi họp Hội đồng nhân dân tỉnh mà không ai nghe tiếng súng nổ?

Và cuối cùng là lời kết luận của ông Vàng À Sàng-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Bái cho biết, nạn nhân Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn đều bị bắn 3 phát vào bụng và ngực, tử vong trước khi nhập viện. Riêng ông Đỗ Cường Minh bị một viên đạn xuyên từ sau gáy ra trước, nhập viện trong tình trạng tim ngừng đập.”, ở điểm này dư luận đặt câu hỏi nếu ông Minh đã quyết định tự sát sao lại phải chọn tư thế đưa súng ra sau gáy, một tư thế khá khó để nổ súng?

Rõ ràng vụ án có quá nhiều điểm còn chưa được làm rõ ngoại trừ hiện trường vụ án thu được những vỏ đạn và ba xác người để rồi ông Chiêu-Giám đốc công an đưa ra khẳng định hung thủ là ông Minh đã chết nên Cơ quan công an không khởi tố vụ án nhưng khoảng vài giờ sau thì công bố quyết định khởi tố vụ án.

Vụ án diễn ra với những gì báo đài đã đưa tin cho thấy nó diễn ra rất nhanh, bất ngờ, ít thông tin trong khi người được cho là hung thủ chính là ông Minh đã chết. Cũng khó khẳng định vụ án này có liên quan đến việc đấu đá quyền lực trong nội bộ chính quyền Việt Nam, mọi việc bây giờ phải đợi cơ quan điều tra kết luận. Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì mà chính quyền tỉnh Yên Bái lại quyết định cho thân nhân của ba quan chức đem xác về tổ chức tang lễ rất vội vã?

Người dân vui mừng khi quan chức chết và những hệ lụy tiếp theo

Ngay sau khi vụ thảm sát được báo đài lan tải dồn dập, nạn nhân là ông Cường bí thư và ông Tuấn chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng với hung thủ là ông Minh đã chết. Có một nghịch lý nhưng lại rất thật đang diễn ra trong lòng người dân Việt Nam, câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận” hay “chết là hết”, chia buồn cảnh tang tóc bỗng nhiên biến mất. Thay vào đó là việc đông đảo người dân biểu lộ sự vui mừng, hả hê thậm chí đọc những dòng chia sẻ trên cộng đồng mạng, Việt Nam Thời Báo còn thấy có người mong ngày càng nhiều quan chức như các vị trong vụ án thảm sát ở Yên Bái chết càng nhiều càng tốt. Tại sao người dân Việt Nam giờ lại có những biểu hiện trái với truyền thống hiền lành, nhân đạo vốn có từ ngàn xưa? Trả lời câu hỏi này của Việt Nam Thời Báo, một bạn trẻ tên Từ Anh Tú cho biết có lẽ do sống nhiều năm dưới chế độ cộng sản toàn trị, người dân Việt Nam đã quá hiểu bản chất xấu xa của quan chức và bản thân người dân bị ức hiếp quá nhiều. Anh Tú nói:

Quan chức bây giờ không khác gì cường hào ác bá. Chúng sống trên xương máu đồng bào, bán rẻ tài nguyên, tàn phá đất nước, luồn cúi, nịnh bợ để thăng quan. Bởi vậy trong mắt người dân, họ là những kẻ đáng chết và họ (người dân) vui mừng khi thấy những tên quan Yên Bái vừa rồi bị giết.”

Chia sẻ của anh Tú cũng là chia sẻ của số đông người dân khi được Việt Nam Thời Báo hỏi. Người dân còn nói thêm rằng, với hơn 40 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đất nước và người dân Việt Nam từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng có tiếng ta thán, tiếng nấc nghẹn, đâu đâu cũng có tiếng rền vang oan khuất, rồi bất công cường quyền, tham nhũng tràn lan, xã hội xuống cấp, đạo đức suy đồi, sưu cao thuế nặng, dân càng thống khổ quan càng sung sướng, tượng đài nghìn tỷ mọc khắp nơi. Chưa hết, cảnh cướp, hiếp, giết, ô nhiễm môi trường là câu chuyện diễn ra hằng ngày ở Việt Nam nhưng gánh hậu quả hết thẩy là ở dân thử hỏi làm sao dân không vui mừng khi hay tin các quan chức lãnh đạo chết vì nó như một sự trút bớt gánh khổ. Anh Tú cho rằng, sự vui mừng của người dân trước cái chết của các quan chức ở Yên Bái chứng tỏ sự căm phẫn của người dân trước tội lỗi của những quan chức Việt Nam gần như lên đến đỉnh điểm. Anh Tú nói:

Người dân luôn có cái nhìn rất công bằng, họ đã từng xót thương chú chó bị buộc mõm và đi tìm để chữa trị, đã từng khóc về vụ hai máy bay rơi khiến 10 quân nhân thiệt mạng vậy thì không thể nói là họ (người dân) bất lương. Có trách thì trách quan chức tham lam, chỉ lo vơ vét, ức hiếp dân lành, tàn phá đất nước khiến người dân căm ghét. Lẽ thường, nghĩa tử là nghĩa tận, bất kể ai chết thì người ta vẫn động lòng nhưng quan chức chết dân lại vui mừng, chứng tỏ sự căm phẫn gần như lên đến đỉnh điểm.”

Tiếng súng ở Yên Bái và niềm vui mừng, hả hê của người dân đã cho thấy một ý thức hệ mới đang dần thay thế chính sách bạo lực chuyên chính vô sản khi đã áp đặt người dân như những thân phận nô lệ và quan chức lãnh đạo là những chủ nô. Thêm nữa, việc quan chức chết với nhau bằng súng đạn ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là một điều không đến nỗi đáng nói nhưng ở Việt Nam là một điều chấn động. Liệu vụ án này có để lại những hệ lụy gì tiếp theo? Với câu hỏi này, nhà báo Nguyễn An Dân đáp:

"Một khi Đảng bắn nhau mà không xử lý rốt ráo thì Đảng bắn Dân, rồi Dân bắn lại Đảng là chuyện có thể biết trước. Nếu Đảng để tình trạng này xảy ra dần dần trên diện rộng thì đất nước sẽ hỗn loạn, vô pháp luật, và Tàu sẽ hưởng lợi."

Theo nhà báo Nguyễn An Dân, với cục diện chính sự Việt Nam hiện tại, dự đoán sẽ khó có thêm nhiều vụ án như ở Yên Bái tiếp diễn ở tương lai vì Đảng đã cảnh giác và đang có sự điều chỉnh. Trong khi đó, từng làm nghiên cứu tại Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Mạc Văn Trang có quan tâm đến vụ án này đã chia sẻ ý kiến cá nhân rằng:

"Nó chỉ kích thích hành xử theo bạo lực để giải quyết xung đột thôi, báo hiệu mâu thuẫn, xung đột xã hội lên cao, không chỉ giữa dân và chính quyền mà cả giữa các nhóm lợi ích quan chức với nhau."

Vậy có một lối mở nào để chính quyền Việt Nam ổn định tình hình, tránh những cái chết của các quan chức tiếp diễn tương tự trong tương lai hay không?

Giáo sư Trang đáp:

"Hiện giờ tôi chưa thấy có nhân vật nào đủ tầm cỡ dám thay đổi, mở con đường mới cho Việt Nam như Myanmar"


Rõ ràng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, ý Đảng và lòng Dân đang có dấu hiệu ngày càng xa rời niềm tin một cách nghiêm trọng, lợi ích nhóm, mâu thuẫn quyền lợi đến hồi không thể che đậy thêm được thì một lối hành xử ngoài vòng pháp luật là điều khó tránh khỏi. Một hệ lụy đang diễn ra và sẽ tiếp nối đằng sau vụ án thảm sát ba quan chức Yên Bái sẽ như thế nào đang đặt ra bài toán cho Đảng và Chính quyền Nhà nước Việt Nam tìm lối giải quyết. Bản thân người dân chắc không ai muốn vui mừng trước cảnh tang thương, chết chóc nhưng cũng thật khó để hy vọng có một sự thay đổi tốt đẹp ở hiện tại hoặc ở một tương lai gần khi mà xung quanh cái ác đang lên ngôi, bạo lực đang lộng hành và pháp luật đang bị lạm dụng, xem thường.

No comments:

Post a Comment