Tuesday, September 13, 2016

Bài bị gỡ: Dân khát nước, Bộ Công Thương và Ninh Thuận vẫn quyết chọn thép?

Việt Hoài-13-9-2016
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Ảnh: internet

Bộ Công Thương, tỉnh Ninh Thuận quyết chọn thép dù dân Ninh Thuận thiếu nước uống, thiếu nước sản xuất.
Trước thắc mắc của dư luận, vì sao Bộ Công Thương lại đưa dự án Hoa Sen-Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư vào quy hoạch giai đoạn 2020-2025, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương)trả lời báo giới rằng: Dự án tổ hợp thép tại Cà Ná đã được Thủ tướng phê duyệt cách đây 8 năm. Chủ đầu tư là Vinashin-Lion, tuy nhiên do Vinashin làm ăn thua lỗ nên không thực hiện được. Bộ Công Thương quyết định tạm rút ra khỏi quy hoạch.
Ông Hoài khẳng định, việc bổ sung dự án Hoa Sen-Cà Ná vào quy hoạch giai đoạn 2020-2025 không “đốt cháy giai đoạn”, không vội vàng, làm đúng thẩm quyền, trên đề xuất của UBND tỉnh.
Ông Hoài cũng cho hay, việc chọn Cà Ná để xây dựng tổ hợp thép là dựa trên tiềm năng của khu vực.
Tháng 7/2016, tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất dự án Hoa Sen-Cà Ná. Bộ nhận thấy, vị trí Cà Ná cũng phù hợp với nghiên cứu từ trước của bộ, nên đã bổ sung vào quy hoạch giai đạn 2020-2025.
Ông Hoài nói rằng, dự án Hoa Sen-Cà Ná kế thừa dự án Vinashin-Lion mà thôi, theo kiểu “bình cũ, rượu mới”.
Tuy nhiên cũng xin nhắc lại, tại báo cáo số 9644 ngày 24/10/2013 Bộ Công Thương gửi các đại biểu Quốc hội, về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, có nêu về quy hoạch ngành thép: Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối giai đoạn 2020, có xét đến 2025, tại Quyết định số 604 ngày 31/1/2013, nhằm siết chặt kiểm tra đầu tư các nhà máy thép.
Vậy vì sao chỉ mới 3 năm 6 tháng sau, Bộ Công Thương lại đưa tổ hợp thép Hoa Sen-Cà Ná bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2020-2025? Vì sao Bộ Công Thương không cho đầu tư vào các dự án thép đang dở dang để tránh lãng phí?
Chắc hẳn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khó tránh khỏi luồng dư luận đồn thổi nguyên nhân Tập đoàn Hoa Sen – Chủ tịch là ông Lê Phước Vũ lại được ưu ái bổ sung dự án tổ hợp thép?
Không thể nói dự án Hoa Sen-Cà Ná là không “đốt cháy giai đoạn” như khẳng định của ông Hoài.
Ngày 28/6/2016, Ban Thường vụ tỉnh ủy ra thông báo thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná.
Ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương ký quyết định số 3516 bổ sung dự án Hòa Sen – Cà Ná vào quy hoạch giai đoạn 2020-2025.
Ngày 27/8/2016, tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tập đoàn Hoa Sen công bố dự án Hoa Sen-Cà Ná.
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, tròn 2 tháng tính từ ngày Tỉnh ủy Ninh Thuận ra chủ trương đầu tư dự án đến khi Bộ Công Thương ký bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kịp đàm phán với Tập đoàn Hoa Sen để có biên bản làm việc giữa hai bên.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã cam kết với Tập đoàn Hoa Sen, với những cam kết, ưu đãi lớn khiến nhiều người phải giật mình.
Như thế có thể nói dự án Hoa Sen-Cà Ná “đốt cháy giai đoạn” không?
Tạm không bàn đến thiết bị công nghệ mà Tập đoàn Hoa Sen dự kiến đầu tư tổ hợp thép tại Cà Ná, vì ông Lê Phước Vũ cũng mới chỉ manh nha lựa chọn đối tác, chưa ký quyết định hợp tác đầu tư. Nhưng với những gì ông Lê Phước Vũ trình bày tại đại hội cổ đông bất thường ngày 6/9, thì quả là ông Vũ đã thể hiện mâu thuẫn giữa Hoa Sen và tỉnh Ninh Thuận.
Cả nước ai cũng biết, tỉnh Ninh Thuận là địa phương đứng mũi chịu sào về hạn hán. Thế nên, ông Lê Phước Vũ quả quyết là dùng nước biển thay nước ngọt để vận hành sản xuất thép, dù phải đầu tư tốn kém.
Nhưng chính trong biên bản thỏa thuận, tỉnh Ninh Thuận đã cam kết cung cấp đủ 250.000- 300.000 m3 nước/ngày đêm, đảm bảo sản xuất từ 6-12 triệu tấn thép.
Là rõ, tỉnh Ninh Thuận quyết chọn thép, dù dân Ninh Thuận thiếu nước uống, thiếu nước sản xuất.
Việc ông Vũ tuyên bố dùng nước biển để sản xuất thép chỉ nhằm đánh lừa người dân tỉnh Ninh Thuận, đánh lừa dư luận trước lo lắng “nước ngọt đâu cho dân mà lại dành cho thép”?
Và với ngần ấy nước ngọt cung cấp cho sản xuất thép mà ông Vũ lại hùng hồn tuyên bố “không thải một giọt ra biển”. Không ra biển thì thải vào đâu thưa ông Vũ? 
Địa điểm mà Hoa Sen chọn xây dựng tổ hợp thép nằm tại xã Phước Diên. Sát hai bên là núi, trước mặt là bãi biển làng chài Cà Ná, sau lưng và xung quanh là cánh đồng muối. Trải dài từ xã Phước Diêm đến xã Phước Minh là cánh đồng muối.
Người dân Phước Diêm lo lắng quả không thừa bởi tổ hợp thép ra đời không chỉ giết chết nguồn hải, thủy sản mà cả những cánh đồng muối.
Biên bản cam kết giữa Hoa Sen và tỉnh Ninh Thuận lập công khai, người có trách nhiệm hai bên cũng đã đặt bút ký… song trước khi làm, “xin các vị phải quy trách nhiệm cho từng cá nhân để người dân có thể thấy được các vị sẽ chịu trách nhiệm bằng chính sinh mạng mình, chứ không phải là lời hứa suông như lời ông Vũ nói”, như lời một độc giả báo điện tử Giáo dục Việt Nam hiến kế. 
Theo GDVN

No comments:

Post a Comment