NAM NINH, Trung Quốc (NV) – Dù Trung Quốc ngày càng xâm phạm biển đảo của Việt Nam, Hà Nội vẫn có vẻ muốn bám chặt lấy Bắc Kinh để tồn tại.
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đang có chuyến thăm viếng kéo dài gần một tuần lễ ở Nam Ninh, Trung Quốc, từ ngày 10 đến ngày 15 Tháng Chín, chỉ ít ngày sau khi có chuyến đi Bắc Kinh của Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính Trị kiêm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Theo tường thuật của TTXVN, nhân vật quan trọng đầu tiên mà ông Nguyễn Xuân Phúc gặp là ông Trương Cao Lệ, phó thủ tướng Trung Quốc. Ông Phúc được thuật lời nói với ông Lệ rằng Việt Nam “coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
TTXVN thuật lại rằng chủ đích của chuyến thăm viếng của phái đoàn ông Nguyễn Xuân Phúc là “sẽ cùng các vị lãnh đạo cấp cao của đảng, chính phủ Trung Quốc đi sâu trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới, bao gồm việc duy trì gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước.”
Khi Trung Quốc đưa giàn khoan đến phía Nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí ngay trong thềm lục địa của Việt Nam hồi năm 2014, dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai bên kéo dài hai tháng rưỡi, có một số lời kêu gọi “thoát Trung” xuất hiện ở trên báo chí trong nước.
Tuy nhiên, các con số thống kê thương mại mậu dịch giữa hai nước cho thấy Việt Nam càng ngày càng lún sâu hơn vào sự lệ thuộc Trung Quốc.
Ngày 14 Tháng Hai, 2015, tờ Người Lao Động dựa vào các con số của Tổng Cục Thông Kê nói năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc ở mức kỷ lục với $28 tỷ (trong khi thống kê của Trung Quốc nói tới $34 tỷ) vì “cái gì cũng nhập.” Đó là năm hai nước có căng thẳng tranh chấp trên biển.
TTXVN dựa theo thống kê của phía Trung Quốc nói, “năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc đạt $95.8 tỷ, tăng 14.6% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt $66.1 tỷ, tăng 3.8% năm 2014, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt $29.7 tỷ, tăng 49.1%. Kim ngạch thương mại Việt-Trung hiện chiếm 2.4% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tăng 1.4% so với thời điểm năm năm trước.”
Theo các con số của Phòng Thương Mại và Công Nghệ Việt Nam, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2016, mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt $32.3 tỷ, trong đó, Việt Nam nhập của Trung Quốc $23.2 tỷ trong khi Trung Quốc chỉ mua của Việt Nam có $9.1 tỷ.
Một viên chức thương mại của Trung Quốc dự đoán mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể đạt đến $100 tỷ năm nay, chứng tỏ lời hô hào “thoát Trung” chỉ như tiếng gào trong sa mạc.
Theo tờ South China Morning Post ở Hongkong, Bắc Kinh sẽ coi chuyến thăm viếng của phái đoàn ông Nguyễn Xuân Phúc để “nắn gân” Hà Nội hầu có kế hoạch đối phó thích hợp.
Người ta chỉ thấy TTXVN đưa ra những lời sáo rỗng mô tả chuyến đi của ông Phúc như “Hai bên cũng sẽ khuyến khích các cấp, các ngành của hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi; tích cực phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chất lượng, hiệu quả và bền vững; cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.”
Một điều mà phái đoàn ông Phúc muốn đạt được là giảm bớt thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc, mà những người tiền nhiệm của ông từng đặt ra nhưng không đạt được.
Hồi Tháng Năm vừa qua, khi đến Việt Nam, Tổng Thống Mỹ Barack Obama loan báo gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Một số nhà phân tích thời sự ở Trung Quốc cho rằng nếu Việt Nam nghiêng nhiều hơn về phía Washington, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh lại chính sách đối với Hà Nội.
Khi đến Bắc Kinh ngày 30 Tháng Tám, ông Ngô Xuân Lịch được TTXVN thuật lời nói với Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn rằng: “Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam là xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.” (TN)
No comments:
Post a Comment