Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-09-11
Ngày khai giảng 5/9/2016 nhưng các trường ở xã Kỳ Hà đều vắng tanh. Courtesy Báo Hà Tĩnh
Bỏ học
5 tháng 9 là ngày khai giảng năm học mới tại Việt Nam. Ngày khai giảng năm nay là một ngày đặc biệt đối với các ngôi trường tại xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vì có đến 1500 học sinh không đến trường.
Lý do được cha mẹ học sinh đưa ra là họ không thể chịu nổi chi phí phải đóng góp, vì cuộc sống của họ đã trở nên rất khốn đốn sau thảm họa môi trường Vũng Áng.
Ông Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị, cho rằng việc bỏ học của hàng ngàn học sinh như vậy là một thất bại về chính sách của nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong việc phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường:
“Đây là hậu quả của việc đổi thép lấy môi trường, của việc ưu đãi cho tư bản nước ngoài mà xem nhẹ người dân trong nước.
Cả ngàn học sinh này, nếu các em thất học thì sau này xã hội sẽ có thêm bao nhiêu tội phạm?
Đây là thất bại chính sách của nhà cầm quyền, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Tuyệt đối không có "thế lực thù địch" nào ở đây gây bất ổn xã hội cả.”
Khai học – tưng bừng nhưng sao giấu hết được nỗi lo của người dân nghèo ở những vùng ô nhiễm môi trường, sự khó nhọc của những trẻ em vùng sâu vùng xa khó nhọc đi tìm con chữ, những trẻ em đô thị quay cuồng với áp lực cuộc đua trường điểm, lớp chọn,…
-Nguyễn An Sa
Trên trang blog của tờ Kinh tế Sài Gòn, người ta thấy tác giả Nguyễn An Sa cũng có bài viết nhân ngày khai trường toàn quốc. Ông không nói đến câu chuyện bỏ học cụ thể của 1500 học sinh Hà Tĩnh, mà ông nhận xét về cái học nói chung ở Việt Nam hiện nay:
“Khai học – tưng bừng nhưng sao giấu hết được nỗi lo của người dân nghèo ở những vùng ô nhiễm môi trường, sự khó nhọc của những trẻ em vùng sâu vùng xa khó nhọc đi tìm con chữ, những trẻ em đô thị quay cuồng với áp lực cuộc đua trường điểm, lớp chọn,…
Chừng nào những nhà chính sách giáo dục biết đặt trọng tâm vào người học, thấu hiểu những nỗi lo âu đó để chỉnh đốn thì hiệu quả của dạy và học sẽ tốt hơn, đem lại niềm tin tưởng mạnh mẽ hơn và tạo ra những giá trị mới cho phát triển.
Với một nền giáo dục đang tự xem mình là một ngoại lệ của thế giới phát triển, thì nỗi khổ đầu tư cho học hành, thế hệ tương lai hãy còn nặng nề. Tiếng trống trường khai giảng, khai học vang lên, còn nghe bao điều thổn thức từ một khung cảnh giáo dục quá khó khăn trong việc đạt tới những giá trị đích thực của khai minh.”
Cuộc bãi khóa của cha mẹ học sinh tại Hà Tĩnh đã thành công, khi huyện Kỳ Anh chính thức tuyên bố miễn toàn bộ chi phí cho các em học sinh Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động dân sự rất gắn bó với ngư dân tại Hà Tĩnh viết trên trang mạng xã hội của mình rằng bà con ở các vùng khác nên nhìn thấy đó mà đòi hỏi quyền lợi của mình, và nhà nước nên chủ động miễn tất cả các loại chi phí học hành cho bà con ngư dân bị nguy khốn vì thảm họa môi trường, vì theo anh, như thế mới là hợp đạo lý.
Dạy chữ Hán
Một câu chuyện khác mà giới blogger bàn tán trong những ngày đầu năm học là lời đề nghị từ phía một số quan chức ngành giáo dục là sẽ dạy chữ Hán cho học sinh Việt Nam.
Lời đề nghị gây ra rất nhiều tranh cãi.
Phe chống đối thì cho đó là một biểu hiện của sự lệ thuộc vào Trung quốc, vốn không được cảm tình của người dân Việt Nam qua một lịch sử xung đột dai dẳng giữa hai quốc gia, và do sự lấn lướt của Bắc Kinh trong những tranh chấp chủ quyền biển Đông trong thời hiện đại.
Nhưng cũng có người cho rằng không phải học chữ Hán mà thành nô lệ cho người Hán.
Ông Chu Mộng Long, một nhà giáo viết rằng:
“Việc học chữ Hán để hiểu tình cảm, tư tưởng, ý chí quật cường của cha ông, hiểu được âm mưu thủ đoạn của kẻ thù ngàn năm của chúng ta sao lại đồng nghĩa với nô dịch? Kể cả học giỏi tiếng Trung cũng chưa hẳn nô dịch khi ý thức về sự sinh tồn dân tộc luôn được giữ gìn, bảo trọng.”
Thậm chí ông Chu Mộng Long còn chứng minh rằng việc học và hiểu được chữ Hán còn giúp ích cho người Việt Nam, khi vừa qua nhiều người biết chữ Hán đã dịch những bản tin từ Đài Loan tố cáo những vụ gây ô nhiễm môi trường của tập đoàn Formosa, kẻ gây ra thảm họa môi trường Vũng Áng.
Nhưng xem ra ý kiến chống đối việc dạy chữ Hán chiếm phần ưu thế.
Blogger Jonathan London cho rằng việc ấy chỉ làm mất công mà thôi.
Blogger Cánh Cò thì gắn chuyện học chữ Hán với cách hành xử của người Trung quốc hiện nay, biểu hiện qua thái độ trịch thượng của nhân viên lễ tân Trung quốc tại Hàng Châu khi đón Tổng thống Hoa Kỳ Obama. Chuyện này đã làm thành tin nổi bậc của các cơ quan truyền thông khắp thế giới. Cánh Cò gọi thái độ đó là thái độ của một kẻ tự ti,
“Bắt đầu từ sự cố Hàng Châu văn hóa Trung Quốc bước vào một hành trình mới: ngạo nghễ và lừng lẫy đạp trên các trang sách văn hóa của cha ông họ. Dân chúng và lãnh đạo đã tìm thấy tiếng nói chung: giá trị nước lớn của Trung Quốc là tối thượng và phải chiếm được vị trí này bằng bất cứ giá nào kể cả những bãi nước bọt.
Như vậy thì bảo các em nhỏ Việt Nam học tiếng Hán để làm gì trong lúc này?”
Luật sư Lê Luân thì nhìn lời đề nghi dạy chữ Hán không phải là điều cốt lõi trong muôn vàn vấn đề cần phải giải quyết của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là tính chính trị và mất dân chủ của nó:
“Chúng ta hãy tách bạch nhiệm vụ của giáo dục và mục đích của chính trị trong việc này. Đây chính là vấn đề tư duy cốt lõi mà chúng ta không bàn đến, trong khi lại cứ luận tranh và phân bua những thứ rất bề nổi và hời hợt. Và ngay cả nền giáo dục còn bị chi phối quá nặng về chính trị thì việc học tiếng Hán hay tiếng gì khác sẽ không phải thẩm chức của người dân. Nên điều đầu tiên là chúng ta phải có quyền quyết định về các vấn đề quốc gia đại sự cái đã.”
Hãy thương những con cừu của mình
Doanh nhân Lê Hữu Huy viết như thế trên trang blog của tờ Kinh tế Sài Gòn. Ông trích dẫn một câu chuyện ngụ ngôn xưa, để nhắn nhủ các nhà quản lý đất nước không nên tham bát bỏ mâm, không phải vì khao khát những món đầu tư mà quên đi cái điều chính yếu là mưu cầu hạnh phúc cho chính người dân của mình, vì nhà tư bản nào cũng vậy, cũng sẽ xem lợi nhuận của họ là trên hết:
“Được trải thảm đỏ vào Việt Nam, ngoài miệng thì cám ơn lòng hiếu khách của các cơ quan nhà nước nhưng bạn có biết họ vẫn luôn tỉnh táo và khôn ngoan. Cũng giống như lũ dê rừng, khi cần thì chui vào hang của người chăn cừu để tránh mưa bão và may mắn được cho ăn nhưng chẳng bao giờ dại dột đi theo kẻ đã bạc đãi đàn cừu là những gì gần gũi nhất chung quanh mình.”
Rồi bạn sẽ quên những gì tiêu cực ở Việt Nam nhưng bên tai vẫn còn văng vẳng giai điệu “Giận thì giận, thương thì thương” hay thành ngữ “Thương nhau chín bỏ làm mười” của người Việt.
-Lê Hữu Huy
Ông Lê Hữu Huy còn nhắn gửi những người Việt xa xứ, những người đã chọ lấy một cuộc sống tốt hơn cuộc sống trên quê hương Việt nam hiện nay:
“Rồi bạn sẽ quên những gì tiêu cực ở Việt Nam nhưng bên tai vẫn còn văng vẳng giai điệu “Giận thì giận, thương thì thương” hay thành ngữ “Thương nhau chín bỏ làm mười” của người Việt. Cuối cùng, bạn nghiệm ra rằng muốn mảnh đất hình chữ S trở thành là điểm đến thịnh vượng đáng sống thì người chăn cừu nên đối đãi tử tế với đàn cừu của mình trước, rồi sau đó mới tính đến chuyện thu phục lũ dê rừng ở bên ngoài đến làm giàu cho đất nước và quê hương Việt Nam.”
Chuyện trải thảm đỏ đón nhà đầu tư và những lời chỉ trích lại được dấy lên sau khi ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn tôn Hoa Sen công bố việc xây dựng một nhà máy thép tại vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận.
Có hai điều về ông Vũ và dự án của ông bị người ta chỉ trích.
Điều thứ nhất là ông đe dọa các nhà báo viết bài bất lợi cho ông.
Điều thứ hai là dự án thép của ông lại có liên quan mật thiết với người Trung quốc, khi có đến 6 người trong nhóm chuyên viên đánh giá kỹ thuật của dự án là người Trung quốc đến từ một tập đoàn tại Trung hoa lục địa.
Ông Đỗ Thành Nhân viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng hiện nay về mặt chính thức dự án thép tại Ninh Thuận chưa được cấp phép, và ông thấy có rất nhiều sự tương đồng giữa dự án này và nhà máy Formosa đã gây thảm họa môi trường Vũng Áng.
Nhưng những lời tuyên bố của người đứng đầu dự án làm cho người ta nghi ngờ, như blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, rằng phải chăng dự án đã được Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận.
Từ Hà nội, ông Nguyễn Thái Nguyên lập lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một bài viết phân tích rất dài những bất lợi từ các nhà máy thép:
“Với tất cả những gì mà Formosa đã gây ra cho nhiều nước, kể cả ở Đài Loan thì đáng lẽ không bao giờ Formosa được cấp phép đầu tư ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, đó mới là nền quản trị quốc gia có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân ở mức tối thiểu.
Đành rằng chúng ta phải khuyến khích đầu tư, nhưng như Thủ tướng đã nói, không khuyến khích bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng v.v… Vậy thì thay vì chúng ta hoan nghênh các dự án lớn, bỏ thầu giá rẻ, cần phải hết sức nghiêm ngặt trong việc chọn lựa lĩnh vực ưu tiên, chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao.”
Cũng từ Hà nội, nhà văn Thùy Linh, một Phật tử, nhận xét về những gì mà tập đoàn tôn Hoa Sen và người chủ của nó đã làm trong nhiều năm qua, một người cũng tự xưng mình là Phật tử:
“Tôn hoa sen đang đi vượt tầm nhiệm kỳ, bất chấp dư luận và cảnh báo để học tập và noi gương Formosa. Cách đây chưa lâu, Tôn Hoa Sen đã nức tiếng chỉ vì làm khu sinh thái tâm linh mà tước đoạt nguồn nước của dân Đạ M'ri (Lâm đồng). Ngày đó báo Một thế giới đã vào cuộc... Nhưng kết cục Tôn Hoa Sen trả lại nguồn nước cho dân hay dân bị tước đoạt mất nước thì không ai rõ? Một doanh nghiệp mà kẻ đứng đầu mang danh Phật tử đầu tư bất chấp quyền lợi của người khác thì dự án thép Ninh thuận hy vọng gì kẻ "miệng nam mô bụng một bồ dao găm"...”
Không nói về người chủ nhiều tai tiếng của Tôn Hoa Sen, nhưng ông Đỗ Thành Nhân viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng hễ nghe nói đến thép là lại thấy rợn người.
No comments:
Post a Comment