Sunday, September 11, 2016

Chùa Liên Trì: Linh hồn của đất!

Ảnh : Internet
GNsP – “Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn …” (1)
Mặc dù chư Tăng cùng Phật tử Chùa Liên Trì lên tiếng phản đối việc chính quyền cưỡng bách di dời chùa nhưng “một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” thế nên vào sáng ngày 09.09.2016, nhà cầm quyền thành Hồ sử dụng lực lượng công an hùng hậu tiến hành cưỡng chế chùa Liên Trì. Chỉ sau một ngày, tại hiện trường cổng Chùa, các bờ tường, niệm Phật đường, nhà hài cốt, phòng khách, nhà bếp… chỉ là đống gạch vụn trơ chọi, ngổn ngang, hỗn độn trong mớ sắt vụn, không còn một vết tích … (2)
“Không khóc, vì chưng mắt đã khô” (1)
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn do báo Người Lao Động thực hiện, Tiến Sĩ Thang Văn Phúc cho biết : “Cả lý luận và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi phải đa dạng hóa về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai” (3). Thế nhưng, với mệnh đề đi ngược với quyền tư hữu của con người: “Đất đai là sở hữu của toàn dân” thì đây không phải là trường hợp đầu tiên, càng không phải là trường hợp duy nhất một cơ sở tôn giáo bị chính quyền cưỡng chế di dời.
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn! (4)
Người Việt chúng ta vốn giàu tình cảm, do vậy khi sống ở đâu, nếu không những lý do đặc biệt, họ rất ít muốn phải chuyển dời. Đó là lý do mà nhiều người vẫn giữ lại ngôi nhà, mảnh vườn nơi mà cả gia đình đã sinh sống cho dù “thế gian có biến cải vũng nên đồi”. Bởi lẽ trải qua một thời gian, mảnh “ đất ở ” đã cùng người gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn nên “đất đã hóa tâm hồn”.
14316803_1097224107063679_3982975812668457734_n


Cũng vậy, đối với các bậc tu hành thì các cơ sơ tôn giáo như ngôi Chùa, dòng tu … đã như ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời của họ. Nơi đây họ đã cùng anh em cộng đoàn trải qua những tháng ngày tu tập, cùng nhau cầu nguyện, phục vụ tha nhân cũng như cùng nhau trải qua những ngọt bùi trong đời sống của bậc tu trì. Mỗi bức tường rêu phong, mỗi góc Chùa cổ kính đều mang đậm dấu tích của thời gian. Chưa kể là bất cứ một cơ sở nào cũng có những kỷ vật mà đối với họ là vô giá bởi ý nghĩa của nó.
Ví như tại Chùa Liên Trì có trồng 2 cây Sala. Một cây ngay sau cổng chính vào Chùa, được trồng phía trước tượng Phật Bà Quan Âm. Cây kia được trồng gần đó. Theo lịch sử nhà Phật thì Cây Sa la là một trong ba cây thiêng liêng vì có liên quan đến cuộc đời Đức Phật, vì nó gắn liền với sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn tại Câu Thi Na. Thầy Thích Không Tánh cho biết : “Đây là cây thiêng của Nhà Phật. Bên Ấn độ mang qua tặng tôi. Cây này trồng tại đây cả chục năm rồi”.
Thế nhưng hiện tại hai cây Sala nằm trơ gốc, cành lá tả tơi với mùi nhựa cây tựa mùi máu …Thử hỏi các sư thầy tại chùa Liên Trì, cách riêng là Thầy Thích Không Tánh làm sao không đau, không xót? Nếu chúng ta không thấy những giọt nước mắt của họ chảy xuống má có nghĩa là họ đã ngửa mặt lên trời mà khóc!
Bởi lẽ điều họ mất không phải là mảnh đất nhưng là mất đi “linh hồn của đất”. Điều mà những kẻ theo chủ nghĩa duy vật chất và những người đặt đồng tiền ngự trị trên tất cả mọi giá trị không thể nào cảm nhận và hiểu thấu .
11.09.2016 - 6:23am
Điền Phương Thảo
(1)Thơ của Thế Lữ
(2)Tin mừng cho người nghèo
(3)http://nld.com.vn/…/nen-co-so-huu-tu-nhan-ve-dat-dai-201202…
(4) Thơ Chế Lan Viên

No comments:

Post a Comment