Sunday, September 11, 2016

Việt Nam bắt đầu tìm 2,300 liệt sĩ mất tích sau… 32 năm


Ông Đào Ngọc Dung và lãnh đạo tỉnh Hà Giang cắm nhang lên một liệt sĩ. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ông Đào Ngọc Dung và lãnh đạo tỉnh Hà Giang cắm nhang lên một liệt sĩ. (Hình: Tuổi Trẻ)

HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Bộ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam và giới lãnh đạo tỉnh Hà Giang vừa đến thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Nghĩa trang này là nơi an táng 1,734 người Việt tử trận khi giành lại một phần lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm giữ hồi cuối thập niên 1970.
Vào ngày 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc xua quân tràn sang Việt Nam, toan “dạy cho Việt Nam một bài học” vì Hà Nội bỏ Bắc Kinh theo Moscow.
Sau khi phá sạch, đốt sạch nhiều làng mạc, thị trấn ở các tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với biên giới, ngày 16 Tháng Ba, Trung Quốc tuyên bố rút toàn bộ quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, xung đột giữa hai bên tại khu vực biên giới Việt-Trung vẫn kéo dài cho đến năm 1989, trong đó có sáu đợt giao tranh lớn vào các năm 1980, 1981, 1983, 1984, 1985, 1986 và đợt giao tranh được xem là đẫm máu nhất xảy ra hồi Tháng Bảy, 1984.
Ngày 12 Tháng Bảy, 1984, các đơn vị của quân đội Việt Nam phản công để giành lại một số cao điểm thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, lúc đó đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ Tháng Tư.
Vị Xuyên trở thành nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất ở khu vực biên giới Việt- Trung. Có hơn 4,000 người Việt mất mạng để giành lại lãnh thổ, chưa kể hơn 1,000 người khác tàn phế vĩnh viễn.
Đáng nói là sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cái gọi là “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) mà giới lãnh đạo Trung Quốc đề nghị đã được giới lãnh đạo Việt Nam lấy làm kim chỉ nam.
Chính quyền Việt Nam tìm mọi cách để dân chúng lãng quên cuộc xung đột do Trung Quốc khơi mào, kể cả lờ đi những người Việt đã chết hay đang tàn phế vì chống cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Đề cập đến cuộc chiến chống Trung Quốc, kể cả tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến đó bị xem là phản động.
Bia ghi công Sư Đoàn 337 đẩy lui lính Trung Quốc hồi Tháng Hai, 1979, bị đục bỏ những chữ “quân Trung Quốc xâm lược.” (Hình: Thanh Niên)
Bia ghi công Sư Đoàn 337 đẩy lui lính Trung Quốc hồi Tháng Hai, 1979, bị đục bỏ những chữ “quân Trung Quốc xâm lược.” (Hình: Thanh Niên)



Đầu thập niên 2010, do Trung Quốc càng lúc càng càn rỡ và chính quyền Việt Nam càng ngày càng tỏ ra bạc nhược, hèn yếu, người Việt trong nước bắt đầu đề cập đến họa mất nước, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược trong giai đoạn từ 1979 đến 1989 được xới lên, nhắc lại như một bằng chứng về dã tâm của Trung Quốc.
Đến lúc đó, người ta mới sửng sốt và phẫn nộ khi phát giác tại khu vực biên giới Việt-Trung, bia ghi công những người lính “thắng quân xâm lược Trung Quốc” và bia tưởng niệm những thường dân bị “quân xâm lược Trung Quốc thảm sát” đã bị đục bỏ. Cũng đến lúc đó, người ta mới biết nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên bị bỏ hoang, không ai đoái hoài. Thế nhưng cho đến những năm 2012, 2013, các cuộc tưởng niệm những người lính đã tử trận trong các cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược hoặc bị Trung Quốc giết tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vẫn bị an ninh Việt Nam theo dõi chặt chẽ, sách nhiễu và bị hệ thống truyền thông vu cáo là những hành động nông nổi vì “bị các thế lực thù địch kích động.”
Các viên chức lãnh đạo Việt Nam giải thích, bất kể thế nào thì “tình hữu nghị Việt-Trung” vẫn được xác định là báu vật phải giữ gìn cẩn thận vì dù sao “Trung Quốc và Việt Nam cũng có sự tương đồng về thể chế chính trị.”
Kể từ năm 2014, bất kể đã rất cố gắng nhằm chứng tỏ “thiện chí” trong việc gìn giữ nghiêm cẩn “tinh thần bốn tốt” và “16 chữ vàng” nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới và trước sự phẫn nộ càng ngày càng lớn của dân chúng, chính quyền Việt Nam mới bắt đầu nới lỏng chuyện chỉ trích Trung Quốc. Cũng kể từ đó, báo chí Việt Nam lại bắt đầu ca ngợi những người lính đã tử trận trong các cuộc chiến chống Trung Quốc như họ đã từng làm lúc chính quyền Việt Nam cần nhiều người cầm súng để bảo vệ chế độ Cộng Sản.
Tin mới nhất cho biết, chính quyền Việt Nam sẽ “đầu tư để mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên” từ 2 héc ta lên thành 10 héc ta. Cũng đến lúc này, chính quyền Việt Nam mới tổ chức tìm kiếm khoảng 2,300 người Việt mất mạng khi tấn công giành lại lãnh thổ Việt Nam tại Vị Xuyên đang còn trong tình trạng “mất xác.” Suốt 32 năm qua, chính quyền chỉ tìm được& 41 bộ hài cốt. Đại Tá Dương Hồng Vinh, phó chính ủy Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Hà Giang thú nhận, việc tìm kiếm chỉ mới khởi sự từ năm 2012 đến nay!

Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội xác định, “việc nâng cấp, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên cũng như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” là việc cần thiết để “giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.” (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment