Chùa Liên Trì bị san bằng sáng ngày 9/9/2016.
Vào tháng 3, 2001, thủ lãnh Taliban, Mullah Muhammed Omar ra lệnh đặt chất nổ hủy phá hai pho tượng Phật. Tuy nhiên, 8 tháng sau đó toàn bộ chính quyền Hồi giáo cực đoan Taliban đã bị xóa sổ.
Ngày 8/9/2016 vừa qua, chính quyền CSVN theo chân Taliban đã phá hủy hoàn toàn chùa Liên Trì tại khu vực Thủ Thiêm, Sài gòn.
Taliban của Afghanistan nhân danh sự cực đoan tôn giáo để hủy 2 tượng Phật ở Bamiyan. Taliban của Việt Nam- CSVN- phá chùa Liên Trì nhân danh quyền lực chính trị và trục lợi cá nhân lẫn phe nhóm.
Đừng viện cớ phải qui hoạch để xây dựng một thành phố hiện đại mà phá Chùa biểu tượng Tâm Linh – Tín Ngưỡng của dân tộc. Hãy đến tất cả các quốc gia văn minh từ Âu sang Á sẽ thấy tại các đô thị hiện đại đều có những nhà thờ, những ngôi chùa nằm cạnh những thiết kế tân kỳ trên những khu vực sầm uất.
Đừng nhân danh luật pháp bởi vì những công an, an ninh đã dùng mọi thủ đoạn mất nhân tính và lương tri con người chà đạp lên chính luật lệ mà chế độ đặt ra để đuổi nhà, cướp đất hàng vạn dân oan từ Nam ra Bắc. Hãy nhân danh những khoản lợi nhuận khổng lồ vì ngôi chùa nằm trong khu đất Vàng của thành phố Sài gòn được mở rộng.
Chùa Liên Trì là chỗ dựa Tâm Linh, Tín Ngưỡng cho không biết bao cư dân ở khu vực Thủ Thiêm, Saigon kể từ năm 1968. Không những đây là một trụ sở tôn giáo, mà còn là một biểu tượng bản sắc văn hóa Việt truyền thống. Những người hiểu và yêu văn hóa dân tộc đều biết rằng đình và chùa đều gắn bó như lũy tre, giếng nước ở tất cả các ngôi làng Việt từ Bắc vào Nam suốt hàng ngàn năm lịch sử đất nước. Tâm thức người Việt tựa vào những biểu tượng văn hóa và tôn giáo này.
Còn nhớ bộ phim Sám Hối sản xuất trong thời Liên xô đổi mới dưới trào Gorbachev, đã giành được giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm 1987, và huy chương vàng Liên hoan phim quốc gia Liên Xô cùng năm. Bộ phim kể về một thị trưởng, tên là Varlam, tàn ác nhưng được bộ máy tuyên truyền suy tôn như thần thánh, tượng trưng cho những kẻ độc tài từ Nero đến Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông. Thị trưởng Varlam qua đời nhưng xác đã bị những nạn nhân đào mồ đem phơi thây trước công chúng. Cứ mỗi lần đem xác Varlam chôn xuống, thì lại bị tiếp tục đào lên. Cuối cùng, qua các phiên tòa xử những người bới xác Varlam, người con trai mới biết được tội ác của cha mình. Anh đã đến huyệt mộ bí mật cuối cùng, để tự tay đào xác Varlam quăng từ núi cao xuống thành phố.
Ở cảnh cuối cùng của bộ phim, khi một bà cụ già, biểu tượng cho ký ức lịch sử, hỏi một người phụ nữ trẻ rằng:
- Đây có phải con đường dẫn đến nhà thờ hay không?
Đáp:
- Đây là đường Varlam. Con đường này sẽ không đưa bà đến ngôi nhà thờ nào cả.
Bà cụ nói tiếp:
- Nếu vậy thì nó có ích lợi gì. Một con đường nếu không dẫn đến một nhà thờ thì xây nó làm chi?
Hãy chờ xem, sau này, các viên chức CS sẽ thỏa thuận xây cái gì trên nền đất cũ của chùa Liên Trì, biểu tượng của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, biểu tượng của lòng Từ bi và Bác Ái.
Trong phim Sám Hối, người Nga, khi rũ bỏ chế độ phi nhân Cộng sản đầy hoang tưởng và bạo lực, đã nhận ra rằng: tiêu chí cuối cùng của sự phát triển lịch sử phải dựa trên nền tảng nhân bản là các con đường đều phải dẫn đến một nhà thờ.
Nhiều lãnh đạo chóp bu CSVN sau khi về hưu, hạ cánh an toàn, đều lên án, vạch ra những lụn bại, tàn bạo của chế độ mà họ bị cuốn vào phục vụ. Tất cả có chung một điểm là họ chỉ nói thật được những gì mình suy nghỉ vào lúc cuối đời. Vì sao có hiện tượng này?
Có lẽ, hơn ai hết, họ nghiền ngẫm bộ phim Sám Hối. Họ không muốn con cái của chính họ quăng xác mình ra khỏi nấm mồ. Bởi, khi phùng thời chính họ đã hủy hoại những ngôi chùa, nhà thờ ra khỏi những nẻo đường Việt Nam.
Mai Phi-Long / SBTN
No comments:
Post a Comment