Monday, September 12, 2016

Hãy học và làm theo lời dân

Hoàng Lan Mộc Châu (Danlambao) - Cho mãi đến bây giờ, một số người vẫn phải khều xuống những lời đạo đức, như những hoa giấy treo lơ lửng trong đám cưới, của "cha già dân tộc" để học tập, như tin giaoduc.net mới đưa Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 27/CT-TTg về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (*)

Họ Hồ "nhường" phần triết học, phần lý luận, phần tư tưởng cho Mác, Lenin, Mao, "Người" "khiêm tốn" lãnh phần đạo đức. Thật Hồ chẳng có chút tư tưởng gì. Từ ngày có đảng CS Đông Dương, đi đâu cũng thấy hình ông Mác, ông Mao và bác, với các hàng chữ: Triết học Mác, Tư Tương Mao và đạo đức Hồ Chí Minh. Mấy tuần trước, Đại Học Fulbright Việt Nam đã gạt thẳng thừng môn đạo đức Hồ Chí minh theo lời xin của Việt Nam đưa vào chương trình dạy của trường. Những lời đạo đức của Hồ dạy, cho công an chẳng hạn, như Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Thân Ái Giúp Đỡ; Tuyệt Đối Trung Thành; Kính Trọng Lễ Phép; Tận Tụy, một cậu bé lớp ba hồi năm 1945, không là công an, không học tập noi gương, không cần nghe lời Hồ cũng có thể liệt kê vanh vách các đức tính người lương thiện cần có đó và còn có thể cắt nghĩa sinh động, rõ ràng, khúc chiết hơn nhiều đấng giáo sư trong học viện Mac Lê bây giờ; đơn giản vì cậu ta đã nhập tâm các đức tính đó từ cha mẹ, hàng xóm, láng giềng, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân lý giáo Khoa Thư các lớp đồng ấu, lớp dự bị của các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc... Chỉ có điều "đối với địch phải cương quyết, khôn khéo" có lẽ cậu học trò đó không biết, bởi cậu chỉ được dậy yêu thương, không bị nhồi nhét tư tưởng ăn gan uống máu quân thù.

Hồ dậy nhiều câu ngớ ngẩn, nhiều câu Hồ gom lại kiểu "lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh" (Kiều), nhiều câu Hồ chôm đâu đó từ dọc đường giang hồ mà quên trích nguồn, như câu “lợi ích một năm trồng lúa, mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” của Khổng Phu tử, đám học trò trung học bảo đó là đạo văn, hay ăn cắp văn người khác. Những câu Hồ nói, những chuyện Hồ làm, ngay cả không làm, được đám văn nô ngồi chồm hổm chung quanh cắt xén, thêm thắt, dựng chuyện, sơn phết, tô màu, tung hê, dạy bảo nhau, rồi chỉ thị hàng ngang, hàng dọc, dưới lên, trên xuống, học tập hết ngày dài sang đêm thâu, đến hết đêm thâu qua ngày dài, hết tháng này đến năm khác như những đĩa CD, MP3 quay vòng vòng trong ổ, như những chiếc loa phường nghe nhức đầu, nhức óc. Ngày nay những cuốn giáo khoa thư một thời của nha học chính Đông Pháp thuộc địa có lúc được tái xuất bản, bán hết ngay, đắt như tôm tươi, cha mẹ mua về cho con như phần thưởng quý. Người già đọc hồi tưởng thời trong sáng thanh bình ngày nào. Thử in một cuốn gom hết các lời dạy của Hồ, đố có ai bỏ tiền ra mua, trừ tiến quỹ Đoàn, quỹ Đảng, mua về xếp xó.

Lời Hồ lẩm cẩm được ghi nơi xó rừng (Ảnh HLMC)

Để ý một chút, trong các gia đình lễ giáo, tử tế, ít khi cha mẹ, ông bà phải dậy con cái những điều thiện căn bản như làm việc công việc tư gì cũng phải cần kiệm liêm chính, với ai dù thân sơ, nếu gặp dịp, đều thân ái giúp đỡ, với tổ quốc, gia đình, họ hàng, bạn bè đều phải trung thành, với người khác dù lạ hay quen đều phải kính trọng lễ phép, làm gì, giúp đỡ ai đều phải tận tụy. Con cái nhìn gương ông bà, cha mẹ anh chị em. Truyền thống gia đình là một thứ gène di truyền, dù giấy rách vẫn giữ được lề. Chỉ có gia đình vô phúc có những đứa con mất dậy phải răn đe hết năm này sang năm khác. Nếu con hơn cha là nhà có phúc thì dòng tộc loại này quả là vô phúc. Có lẽ làm người tử tế đối với một người trong nhóm cá biệt quần hồ cẩu đảng đó khó lắm, khó lắm, nhất là đám có quyền, càng quyền cao chức trọng lại càng mất dậy, nhưng chính đám mất dậy lại là kẻ đăng đàn dối trá dạy em út tử tế. Dạy sao nổi thành người tử tế, khi chính người đã từng ở một trong các ngôi cao nhất đảng, như Nguyễn Tấn Dũng, ngậm ngùi dặn nhau lúc bị lừa đánh ngã ngựa "...về rồi, phải RÁNG giữ mình là người tử tế!" Còn trong đảng, còn tại chức, đố bảo có thể trở thành người tử tế.

Những giòng chữ kêu như thùng rỗng lập đi lập lại mỗi năm: "việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân; đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng." Năm nào cũng nghe thắng lợi hơn năm trước mà vẫn đạo đức càng ngày càng suy đồi, tham những càng ngày càng tăng lên, khó chữa. Hoặc giả người dạy chẳng ra gì và đạo đức của người được dậy cũng đáng vứt vào thùng rác.

Vài tháng trước hai vị đại biểu quốc hội đã không đem lời bác ra dạy nhau, họ bưng bê đặc sản quê mùa, đặt lên bục để giảng cho đảng, cho chính phủ. Bà đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh chế diễu thói ăn xỗi ở thì, ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa, lừa gạt người Việt hải ngoại có tiền của, về đầu tư, của quan chức chính phủ, bà ví von: "Nhiều người muốn làm giàu cho quê hương đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim". Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương chọc ngoáy các nhà lãnh đạo quốc gia: "Nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở để làm lãnh đạo". Những câu nói này không biết xuất phát từ đâu, từ lúc nào, của ai, nhưng chắc chắn nó là đặc sản của xã hội, của đám dân đen trải nghiệm cay đắng, ê chề sự lãnh đạo "chém gió", của một đám "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa", của bọn "làm thì dốt, l. tốt thì muốn". Lời dân hồn nhiên vần điệu, đơn giản, "bình thường như công an phường", ấn tượng dể nhớ, và rất thật bởi nó là cái tinh túy vọt ra thình lình từ cái ngộ về những điều dân gặp đi gặp lại thường ngày.

Đem những lời mù mờ xáo rỗng, những tư tưởng méo mó không thật từ cao cao xuống dậy nhau, dậy dân, không ai nghe. Trên bảo dưới không nghe, vậy thì nay thử dưới bảo trên liệu có nghe? Với những kẻ tiến lên bằng cách bật giật lùi, khom lưng như con tôm, có cái đầu tôm, cần có dưới bảo, cần cái đuôi búng, mới đi được.

Lời "bác" không thiêng, và chẳng bao giờ thiêng. Tâm "bác" không có làm sao lời bác có thể cảm động lòng người?

Ngày xưa dưới thời quân chủ, vua là con trời, nhưng thánh hiền, trí thức nói về dân rất nhiều, vua cũng phải công nhận: Dân vạn đại. Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, quân vi khinh, nói nôm na chỉ dân là quý, vua, triều đình là cái gì? Dân vi bản, lấy dân làm gốc chứ không phải lấy phe đảng làm gốc, còn dân làm guốc, làm phương tiện cho đảng viên ngồi, làm tài nguyên cho đảng viên hưởng thụ. Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi, dân muốn trời cũng phải theo, chứ không phải ý đảng thế nào lòng dân phải chiều theo.

Dân là cha mẹ, tài trí dân là vô cùng, kinh nghiệm dân trải qua, con mắt dân nhìn thấy, tai dân nghe thấy, miệng dân cùng nói đúc thành những lời dậy dễ nhớ nhất, thật nhất, chân tình nhất, dù thường khôi hài, chua cay. Hãy học lấy lời dân, làm theo ý dân mà sống.


13.09.2016

No comments:

Post a Comment