Hòa Thượng Thích Không Tánh phát quà cho thương phế binh VNCH tại chùa Liên Trì (ảnh: N.Thịnh)
21 giờ 30 đêm 7 tháng 9: nhà chức trách đã khẳng định với Hòa Thượng Thích Không Tánh sẽ giải tỏa chùa Liên Trì. Một phái đoàn do ông chủ tịch phường An Khánh, quận 2, Sài Gòn đã bất ngờ vào tận chùa Liên Trì, yêu cầu Hòa thượng Thích Không Tánh nên chấp nhận khoản tiền đền bù và tự nguyện di dời chùa về khu vực Cát Lái… Như vậy nếu không có sự can thiệp vào giờ chót từ Hà Nội thì ngôi chùa Liên Trì đã tồn tại ở Thủ Thiêm hơn 70 năm qua sẽ chỉ còn là ký ức đọng lại, như là một tự viện từng là mái ấm cho trẻ cô nhi trước năm 1975, và là điểm tựa tinh thần lẫn vật chất của dân oan Miền Nam, cũng như của các quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Sáng ngày 7-9, Hòa Thượng Thích Không Tánh, Viện chủ chùa Liên Trì, Quận 2, Sài Gòn cho biết qua điện thoại là nhà chức trách địa phương đã ngăn chặn không cho bất kỳ ai vào chùa Liên Trì, kể cả số bà con đang tá túc tại đây sau khi rời chùa để đi chợ quay trở về.
Trước đó, hôm chiều ngày 1-9, văn thư số 2977/QĐ-UB có tên “Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất” do ông chủ tịch quận 2 ký, thông báo trong thời gian từ ngày 6-9 đến 20-9, chùa Liên Trì sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất. Một thư mời khác cũng được gửi, mời Hòa Thượng Thích Không Tánh đến làm việc tại trụ sở chính quyền vào sáng ngày 6-9 về việc thu hồi đất này.
Trong các căn cứ để ký quyết định số 2977/QĐ-UB của ông chủ tịch Quận 2, hoàn toàn không có viện dẫn về “Quyết định thu hồi đất”. Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2013 của CSVN, Điều 66 “Thẩm quyền thu hồi đất”, thì ở trường hợp chùa Liên Trì, nếu có một “Quyết định thu hồi đất”, thì văn bản này phải do cấp chủ tịch thành phố ký ban hành.
Chùa Liên Trì là cơ sở tôn giáo và là tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện diện được hơn 70 năm tại Thủ Thiêm.
Sau khi có dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà chức trách thông báo sẽ lấy đất của chùa Liên Trì và bồi thường cho chùa chưa đầy 1 tỷ đồng để chùa di dời đi nơi khác. Hòa thượng Viện chủ Thích Không Tánh cho rằng một khu đô thị mới cần rất nhiều những cơ sở tôn giáo để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của cư dân, nên nếu buộc phải di dời thì tốt nhất là chùa Liên Trì vẫn nằm trong vùng đất Thủ Thiêm.
Vào tháng 7-2016, nhà cầm quyền gửi giấy quyết định cưỡng chế chùa Liên Trì và hứa sẽ bồi thường cho chùa khoảng hơn 9 tỷ đồng, gấp chín lần so với giá bồi thường cũ.
Nhiều nguồn tin xác tín cho biết khả năng cưỡng chế chùa Liên Trì lần này sẽ diễn ra, bất chấp mọi phản đối của các tổ chức, cộng đồng xã hội dân sự trong và ngoài nước. Trước đó, Tùy Viên Chính Trị của Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn cũng đã lên tiếng bằng con đường ngoại giao.
Ngoài Chùa Liên Trì, còn có hai cơ sở tôn giáo khác cũng đứng trước nguy cơ bị giải tỏa tại quận 2, là Nhà Thờ Thủ Thiêm và Tu Viện Mến Thánh giá.
Tại khu Thủ Thiêm, trước đây cũng từng diễn ra cưỡng chế cơ sở đào tạo môn sinh Tin Lành của Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Theo lời Mục sư Quang, tại buổi cưỡng chế đẫm máu diễn ra chưa đầy 10 phút này, có một người phía Tin Lành bị đánh chết, 6 người bị thương tích nặng, và mục sư Quang bị bắt đưa đi tù.
10 giờ 15 phút ngày 7-9, tại Thủ Thiêm, qua điện thoại, thầy Pháp Viên cho hay: An ninh mặc thường phục đã ngăn cản không cho thầy ra khỏi chùa Liên Trì. Thầy nói rằng, công an không cho Phật tử mang thức ăn vào chùa, họ đang đợi tại nhà thờ Thủ Thiêm nên thầy ra đó lấy thức ăn mang về chùa. Thầy ra khỏi chùa rồi nhưng không biết có vào lại được chùa hay không. Hiện chỉ có khoảng 20 an ninh mặc thường phục theo dõi trước cổng chùa.
Một hàng rào đã chắn ngang lối đi vào chùa.
Phóng viên SBTN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về chùa Liên Trì.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment