HÀ NỘI (NV) – Cảnh báo của giới chuyên gia về kinh tế, môi trường giờ đã thành hiện thực: Chất thải của nhiệt điện dùng than nay là thảm họa và chính quyền chưa tính được đường thoát.
Tại một hội nghị về môi trường vào cuối tuần vừa qua, đại diện Bộ Xây Dựng Việt Nam loan báo, áp lực về xử lý tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện dùng than và các nhà máy hóa chất đang càng ngày càng lớn.
Mỗi năm, nhóm nhà máy này, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện dùng than thải ra khoảng 10 triệu tấn tro xỉ, thạch cao nhưng khả năng xử lý chất thải của Việt Nam hiện chỉ vào 30%. Cũng vì vậy, lượng tro xỉ, thạch cao chưa xử lý, đang tồn đọng hiện đã là 15 triệu tấn. Lượng tro xỉ, thạch cao sẽ tăng rất nhanh với khối lượng lớn.
Cần lưu ý rằng, trong khoảng mười năm nay, giới chuyên gia về kinh tế, môi trường đã liên tục khuyến cáo chính quyền Việt Nam nên gạt bỏ các dự án xây dựng nhà máy phát điện chạy bằng than (nhiệt điện dùng than) vì chúng sẽ hủy diệt môi trường nhưng chính quyền Việt Nam không thèm đếm xỉa đến những khuyến cáo này.
Ngoài 19 nhà máy nhiệt điện dùng than đang hiện hữu, năm 2011, chính quyền Việt Nam còn phê duyệt “Tổng sơ đồ điện VII” (kế hoạch phát triển nguồn điện tại Việt Nam đến năm 2030). Theo đó, đến năm 2020, các nhà máy phát điện bằng than sẽ chiếm 46.8% cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Tới năm 2030, tỷ lệ này là 56.4%.
Theo các chuyên gia, những con số như sẽ có đến 52 nhà máy nhiệt điện dùng than, với tổng lượng than cần nhập cảng khoảng 85 triệu tấn mỗi năm là dữ liệu cần phải tính toán lại xem dùng than để phát điện có thật sự rẻ như Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) tính toán hay không (?).
Họ lưu ý, tính toán hiệu quả đầu tư vào các nhà máy phát điện bằng than phải tính cả đến thiệt hại do môi trường và sức khỏe con người bị hủy hoại, cũng như chi phí xử lý chất thải.
Một đại diện của Quỹ Khí Hậu Châu Âu tên là Aviva Imhof, từng lưu ý, không chỉ Hoa Kỳ ngưng thực hiện các dự án nhiệt điện dùng than mà ngay cả Trung Quốc cũng đã cắt giảm việc sử dụng than để phát điện. Chỉ có Việt Nam đi theo hướng ngược lại, quyết định nâng công suất của nhiệt điện chạy than từ 35.1% tính trên tổng lượng điện vào năm 2015 lên 56.4% tổng lượng điện vào năm 2030, bất chấp những phân tích rất rõ ràng về tác hại của nhiệt điện dùng than.
Hồi tháng 9 năm 2015, nhóm mô hình hóa học khí quyển thuộc Ðại Học Harvard từng công bố kết quả nghiên cứu của về “Các tác động tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở Ðông Nam Á và Việt Nam. Theo đó, hàng chục ngàn người Việt sẽ chết dần, chết mòn vì nhiệt điện dùng than.
Lúc đó, tại hội thảo về “Than và nhiệt điện dùng than” do Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (GreenID), thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức, GreenID dẫn nghiên cứu vừa kể để cảnh báo, hiện nay, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 4,300 người Việt thiệt mạng do sức khỏe suy giảm, bởi tình trạng ô nhiễm từ nhiệt điện dùng than.
Nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục cho phép đầu tư-vận hành các nhà máy nhiệt điện dùng than theo “qui hoạch” đã được phê duyệt thì số người thiệt mạng sẽ tăng lên thành 25,000 người/năm.
GreenID tính toán, quá trình đốt than để tạo điện sẽ thải vào không khí 15 triệu tấn tro, một lượng lớn các chất nguy hiểm (lưu huỳnh dioxit-SO2, oxit nitơ-NOx, carbon dioxit-CO2, thủy ngân, thạch tín,…). Những chất này sẽ phá hủy hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đột quị, mắc các bệnh về tim mạch, bệnh mãn tính hoặc bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp… Chưa kể các loại khí sunfat và nitrat còn gây ra mưa axit, hủy hoại những dòng suối, những cánh rừng.
Các chuyên gia môi trường từng gọi “Tổng sơ đồ điện VII” là một kế hoạch hủy diệt môi trường, sức khỏe và tính mạng con người, bởi số người chết vì các nhà máy nhiệt điện dùng than cao gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể chi phí khổng lồ do phải chăm sóc sức khỏe của các nạn nhân. Tuy nhiên hàng chục nhà máy nhiệt điện dùng than vẫn được xây dựng ở cả đồng bằng sông Hồng lẫn đồng bằng sông Cửu Long.
Bất chấp cả những cảnh báo về mức độ rủi ro sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc, năm ngoái, Việt Nam vẫn cho phép hai doanh nghiệp Trung Quốc là Công Ty Lưới Ðiện Phương Nam và Công Ty Ðiện Lực Quốc Tế khởi công dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tọa lạc ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, trị giá 1.75 tỉ Mỹ kim.
Hai doanh nghiệp của Trung Quốc góp khoảng 20% vốn, 80% còn lại do năm ngân hàng của Trung Quốc cho vay. Thiết kế và toàn bộ thiết bị do Trung Quốc cung cấp. Theo dự kiến, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ khoảng bốn năm. Sau đó hai doanh nghiệp Trung Quốc được phép khai thác trong 25 năm rồi giao lại cho Việt Nam.
Nhiệt điện dùng than không chỉ hủy diệt môi trường sống mà còn gây xáo trộn về trị an. Sau một thời gian dài khiếu nại vì khói, bụi của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, tọa lạc tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận gây ô nhiễm trầm trọng nhưng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến trung ương chỉ đáp ứng theo kiểu chiếu lệ (kiểm tra-nhắc nhở-xử phạt), tháng 4 năm ngoái, dân chúng huyện Tuy Phong đổ ra đường biểu tình khiến đoạn quốc lộ 1 chạy ngang huyện này bị nghẽn suốt hai ngày. Bởi không thể ngăn chặn ô nhiễm, đến giữa năm ngoái, viên chủ tịch tỉnh Bình Thuận phải công bố kế hoạch di dân đi nơi khác. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment