Monday, August 29, 2016

Việt Nam: Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng

Nhà máy Xơ-Sợi polyester Ðình Vũ ở Hải Phòng của PVN đã ngốn 7,.000 tỉ và nếu không đóng cửa thì thiệt hại sẽ tăng thêm nhiều ngàn tỉ nữa. (Hình: TBKTSG)
Nhà máy Xơ-Sợi polyester Ðình Vũ ở Hải Phòng của PVN đã ngốn 7,.000 tỉ và nếu không đóng cửa thì thiệt hại sẽ tăng thêm nhiều ngàn tỉ nữa. (Hình: TBKTSG)
HÀ NỘI (NV) – Kết quả kiểm toán năm 2015 cho thấy, mức độ thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước vẫn ở mức từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỉ và việc sử dụng nguồn lực quốc gia vẫn hết sức tùy tiện.
Theo kiểm toán của nhà nước Việt Nam thì ngoài thua lỗ nặng nề những chứng bệnh vốn trầm kha của hệ thống doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam chỉ nặng hơn chứ không thuyên giảm: Vi phạm các qui định về thu-chi, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn (đánh giá hiệu quả hoạt động) tiếp tục giảm mạnh, nợ thuộc loại khó đòi tiếp tục tăng, gian lận-thiếu thuế nhiều hơn (kiểm toán của nhà nước Việt Nam buộc các doanh nghiệp nhà nước phải nộp thêm 6,220 tỉ đồng),…
Khi vạch ra mục tiêu xây dựng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” chính quyền Việt Nam giao và rót gần như toàn bộ nguồn lực của quốc gia cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước để hệ thống này trở thành “đá tảng” của nền kinh tế. Tuy nhiên thay vì phải nằm dưới chân thì giờ, đá tảng đang nằm trên cổ nền kinh tế.
Kiểm toán của nhà nước Việt Nam cảnh báo, nợ khó đòi, tồn đọng nhiều năm tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn không có phương án xử lý rõ ràng nên không chỉ khiến chính quyền mất vốn mà còn làm cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trở thành hết sức khó khăn.
Ngoài nợ khó đòi, nợ phải thu vì đã quá hạn ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng xấp xỉ mức hàng ngàn và hàng chục ngàn tỉ. Chẳng hạn, khoản này tại Vinashin (Công Ty Vận Tải Viễn Dương) là 8,481 tỉ, tại Công Ty Vận Tải Biển Ðông là 3,403 tỉ, tại Công Ty Vận Tải Biển Bắc là 2,219 tỉ,…
Chưa rõ thì lúc nào những “đá tảng,” “anh cả của nền kinh tế” như Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), Tổng Công Ty Xuất Nhập Khẩu và Xây Dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng Công Ty Xây Dựng Công Nghiệp Việt Nam (Vinaincon), Tổng Công Ty Du Lịch Sài Gòn, Tổng Công Ty Mía Ðường II,… có thể thu hồi hết nợ quá hạn để hoàn lại cho công quỹ. Cũng chưa rõ lúc nào thì những “đá tảng,” “anh cả của nền kinh tế” như Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) thay đổi được tình trạng hệ số nợ phải trả cao hơn vốn gấp gần chục lần!
Kiểm toán của nhà nước Việt Nam lưu ý, vốn mà nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vào các doanh nghiệp khác đang trong tình trạng tài chính xấu, phải ngưng hoạt động hoặc phải giải thể, nên có thể mất hết hiện cũng ở mức nhiều ngàn tỉ.
Trong bối cảnh như thế, bất chất khuyến cáo của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đứng ra thay mặt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để vay thêm tiền (bảo lãnh vay).
Theo tính toán của các chuyên gia, tỉ lệ vốn mà chính phủ Việt Nam “bảo lãnh vay” tăng trung bình là 50%/năm. Năm 2014, tổng số nợ mà chính phủ Việt Nam “bảo lãnh vay” là 500,000 tỉ. Năm 2015, con số này được phỏng đoán vào khoảng 642,000 tỉ.
Năm nay chưa rõ con số cuối cùng nhưng hồi trung tuần tháng này, Công Ty Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC) ước đoán, đến cuối năm nay, tổng nợ của chính phủ Việt Nam sẽ là 2,993,335 tỉ đồng.

Năm ngoái, tổng nợ của chính phủ Việt Nam là 2,607,960 tỉ đồng, năm nay, chính phủ Việt Nam dự trù vay thêm 385,375 tỉ đồng và trong số này có 85,000 tỉ là đứng ra vay thay cho các doanh nghiệp nhà nước! (G.Ð)

No comments:

Post a Comment