Trường mẫu giáo nơi xảy ra vụ bắt cóc
Chuyện thật như đùa, khi bọn “bắt cóc” 2 cha con ở La Gi (Bình Thuận) gây náo loạn sáng 26.8 lại là… lực lượng công an.
Khoảng hơn 8 giờ ngày 26.8, khi tôi cùng một số người đi trên chiếc ôtô từ suối nước nóng Bình Châu, theo con đường ven biển về gần đến khu du lịch Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu), thì bất ngờ bị 2 CSGT ra chặn xe.
Sau khi mọi người xuống xe, 2 anh CSGT kiểm tra không có dấu hiệu gì đáng ngờ, mới ra hiệu cho xe đi tiếp. Trước khi rời đi, 1 anh CSGT ngỏ lời: “Anh thông cảm, vì vừa có vụ bắt cóc người ở Bình Thuận bằng ôtô đi về hướng TP.HCM, nên chúng tôi được lệnh phối hợp chặn xe để kiểm tra”. Và trên tuyến quốc lộ 55, quốc lộ 1… nối Bình Thuận với TP.HCM, hàng loạt chiếc ô tô cũng bị chặn để kiểm tra như vậy.
Thông tin lúc đó chỉ biết sơ bộ: khoảng 7 giờ 30 sáng 26.8, ông Lê Hồng Phong (1980) chủ doanh nghiệp nhà hàng tiệc cưới Malis ở thị xã Lagi (Bình Thuận), lái xe hơi chở đứa con 3 tuổi tới trường mẫu giáo Tuổi Thơ. Xe vừa dừng thì bất ngờ 1 chiếc ôtô 7 chỗ cúp đầu, 6 thanh niên lao xuống khống chế, cướp tay lái và chở 2 cha con chạy ra hướng quốc lộ! Chứng kiến sự việc, nhiều người bèn báo công an Lagi, ông Phong cũng nhắn tin được về gia đình là mình bị bắt cóc.
Đến chiều cùng ngày, sự việc vỡ lở, đại diện Bộ Công an thông tin, nhóm “bắt cóc” trên là các chiến sĩ Công an quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội vào TP.HCM làm việc, rồi tự tiện ra Bình Thuận bắt giữ người tình nghi như “xã hội đen”, không cần lệnh bắt, không phối hợp công an địa phương, mà giữ kèm theo cả đứa trẻ.
Theo đại diện Bộ Công an giải thích, do ông Phong là đối tượng tình nghi có liên quan tới một tổ chức làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà cơ quan công an của Hà Nội đang thụ lý điều tra, nên 1 tổ công tác của công an quận Hai Bà Trưng đã “mời” ông Phong đi làm việc, nhưng không rõ vì sao có hành động như vậy!
Theo luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật, anh Phong bị bắt trong lúc chở con đến trường nên không phải là bắt người phạm tội quả tang! Và nếu anh Phong không phải đối tượng đang bị truy nã, thì việc bắt giữ với con mà không có sự chứng kiến của thân nhân và đại diện chính quyền nơi cư ngụ, là trái quy định pháp luật.
Mặt khác, chuyện bắt người mà có đính kèm đứa trẻ mới 3 tuổi cũng không có quy định nào cho phép! 1 sai phạm nghiêm trọng của công an quận Hai Bà Trưng.
Bây giờ, dù giải thích thế nào, thì người dân cũng đã một phen náo loạn. Thực tế sáng qua, ngay sau khi bị CSGT chặn xe và thông báo về vụ “bắt cóc”, chính tôi cũng đã gọi điện thông báo về gia đình người thân ở Bình Châu (Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu), để thông tin vụ việc và nhắc người nhà cẩn thận với các cháu nhỏ. Công an đã thông báo vậy khi chặn xe, ai mà không tin!
Và sáng qua, rất nhiều ôtô bị chặn như vậy, trên các ngã đường từ Bình Thuận về TP.HCM. Ai bị chặn và được thông báo, dĩ nhiên cũng điện thoại thông báo người thân về vụ “bắt cóc”. Người này lại chuyền miệng người khác, náo loạn hết!
Ngay cả chính người trong ngành cũng náo loạn! Công an tỉnh Bình Thuận ngay sáng qua đã thông báo về vụ “bắt cóc”, và nhờ các địa phương phối hợp vây bắt. Bằng chứng là công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng tham gia chặn xe người dân để tìm hung thủ “bắt cóc”…
Sau vụ công văn cảnh báo bắt cóc, mổ nội tạng của công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai), mà ngay sau đó Bộ Công an đã đính chính là sự việc không chính xác, người dân đã rất bán tín bán nghi, lo lắng, bởi vụ việc cũng bắt nguồn từ chính ngành công an. Giờ đến chính công an tổ chức bắt người như bắt cóc, lòng dân làm sao yên?
Chuyện nực cười! Công an là lực lượng được giao trọng trách giúp xã hội bình yên, thế mà họ lại gây náo loạn xã hội. Muốn bắt cứ bắt, chẳng cần giải thích, luật lệ gì ráo. Nhiều người dân sau khi vỡ chuyện, chỉ biết lắc đầu: “Loạn rồi!”.
27/08/2016 14:32
Nguyễn Hồ
No comments:
Post a Comment