HỘI AN (NV) – Một số cụm loa phát thanh tuyên truyền ở Hội An đã “nhiễm sóng lạ” hôm Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016 được phản ảnh trên nhiều báo điện tử ở trong nước.
Các báo đã dẫn hoặc thuật lời một số viên chức địa phương nói những cụm phát thanh tuyên truyền của phường Cẩm Châu, thành phố Hội An “bị nhiễu sóng tiếng Trung Quốc xảy ra khoảng nửa tiếng đồng hồ vào lúc 11 giờ trưa ngày 27 tháng 8.”
Bà Trương Thị Nguyệt Cẩm, trưởng đài phát thanh-truyền hình Hội An được thấy dẫn lời trên tờ Ðất Việt hôm Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016.
“Trưa ngày hôm qua sự việc xảy ra đúng Thứ Bảy vào ngày nghỉ làm việc nên việc xử lý tình trạng đó khoảng 25 phút là xong. Ðài tạm thời cho ngưng phát thanh cụm loa bị nhiễu sóng ‘lạ’ lại. Ðài đang tham mưu với thành phố Hội An mua bộ mã hóa chắn sóng lắp đặt để lọc đi sóng ‘lạ’ không cho bị nhiễu nữa.”
Ðiều đặc biệt là không phải tất cả các cụm loa phát thanh tuyên truyền của nhà cầm quyền phường Cẩm Châu bị nhiễu hết mà chỉ co 3 cụm phát tiếng “nước lạ.”
Trước cũng đã xảy ra tình trạng này tại xã Cẩm Kim. Nhà cầm quyền xã đã phải mua “bộ mã hóa chắn sóng” ráp vào nên từ đó đến nay hoạt động ổn định không bị nhiễu sóng “lạ” nữa, bà Cầm cho biết.
Theo lời bà Trương Thị Nguyệt Cẩm, khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 11 giờ 30 phút trưa đài truyền thanh phường Cẩm Châu “không phát sóng nên xảy ra hiện tượng tự nhiễu.”
“Không phải là đài truyền thanh phường đang phát sóng hoặc đang tiếp sóng đài thành phố mà bị nhiễu sóng ‘lạ.’ Tình trạng nhiễu sóng ‘lạ’ này thì để không cũng bị nhiễu sóng chứ không phải trong thời gian phát sóng mới bị nhiễu.”
Cách giải thích của bà Cầm hơi lạ vì không mở máy tuyên truyền mà máy vẫn phát tiếng “nước lạ”? Hoặc máy vẫn mở và chỉ ngưng phát thanh? Không thấy được giải thích.
Hôm Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016, tờ Thanh Niên đưa tin “Sở Thông Tin-Truyền Thông tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông cáo báo chí về vụ nhiễu sóng tại đài truyền thanh không dây phường Cẩm Châu, thành phố Hội An (Quảng Nam) hôm 27 tháng 8.”
Theo cơ quan này thì “không hề có chuyện “nhiễu sóng tiếng Trung Quốc” mà là hiện tượng nhiễu cùng kênh trên cùng tần số 104 MHz của đài tiếng nói Việt Nam.”
Bản tin giải thích chi tiết rằng, “Cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân xảy ra hiện tượng cụm đài truyền thanh không dây phường Cẩm Châu ‘bị nhiễu sóng’ vào trưa ngày 27 tháng 8 là do máy phát của đài tiếng nói Việt Nam (đặt tại núi Sơn Trà-Ðà Nẵng) phát cùng trên tần số 104 MHz gây ra. Máy phát này đã được Cục Tần Số Vô Tuyến Ðiện cấp giấy phép sử dụng từ tháng 10, 2015 cho mục đích phát sóng chương trình tiếng Anh 24/7.”
Bản tin giải thích thêm là “vào lúc 9 giờ sáng 27 tháng 8, đài tiếng nói Việt Nam bắt đầu phát sóng thử nghiệm kênh chương trình đối ngoại (VOV5), phát 12 thứ tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Trung Quốc,… nên các cụm thu của đài truyền thanh không dây phường Cẩm Châu (Hội An) thu được, và phát ra một số tiếng nước ngoài.”
Chiều ngày 17 tháng 7, 2016 vừa qua, một trong số cụm thu sóng thuộc đài truyền thanh không dây quận Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng, bị “chèn” bởi một loại sóng lạ phát bằng tiếng Trung Quốc trên tần số 97.5 MHZ băng tần FM.
Một viên chức điều hành đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn cho biết “dọc bờ biển trên địa bàn, sóng phát thanh tiếng Trung Quốc rất mạnh và được phát trên nhiều tần số khác nhau.”
Vào thời gian đài Ngũ Hành Sơn bị “chèn sóng” bao Dân Việt ngày 19 tháng 7, 2016 cho hay, “Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, hệ thống truyền thanh tại thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì đã xuất hiện tình trạng bị chèn sóng tiếng Trung Quốc.”
Báo này thuật lời ông Dương Ðăng Nhân, trưởng đài truyền thanh-truyền hình huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) xác nhận “có hiện tượng bị chèn sóng/nhiễu sóng với giọng đọc tiếng Trung Quốc (cả giọng nam và nữ, chưa rõ nội dung). Hai địa phương bị chèn sóng có 14 cụm với 28 chiếc loa công cộng vô tuyến tiếp sóng trực tiếp từ đài huyện Phú Lộc – địa phương giáp ranh với thành phố Ðà Nẵng về hướng Bắc.”
Cho tới nay, nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam vẫn còn duy trì hệ thống loa phát thanh tuyên truyền trên cả nước tới tận làng xã dù mọi người có thể cập nhật tin tức thời sự khắp thế giới qua mạng lưới thông tin toàn cầu trên máy điện thoại thông minh.
Bình luận về cái lối tuyên truyền nhồi sọ chẳng ai muốn nghe, trên phần bình luận của độc giả trên tờ Thanh Niên ngày 29 tháng 8, 2016, người ta thấy 22 độc giả phản hồi về bản tin giải thích chèn sóng tiếng “nước lạ.”
Ðộc giả tên Minh ở Hà Nội viết: “Bỏ đi, vừa tốn kém lại vừa lạc hậu, có tác dụng gì đâu.”
“Sứ mệnh của loa truyền thanh đã trôi qua hàng chục năm rồi. Có lẽ đã đến lúc cho nó nghỉ hưu vì hiện tại phương tiện truyền thông hiện đại đã thay thế rất tốt.” Ðộc giả tên Quỳnh Anh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Ðến bây giờ mà vẫn còn cái loa cũ rích đó sao, làm phiền người khác khi muốn nghỉ ngơi, ở chỗ tôi ở cứ 5 giờ sáng, 6 giờ chiều cứ inh ỏi cả xóm, tiếng nghe được tiếng không, cứ léo nhéo bên tai, có bữa thì chỉ toàn là tiếng hú như máy bay sắp đáp trên đầu tới nơi. Nếu tính hết cả nước thì là tiền tỷ đó nhen: 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có bao nhiêu quận huyện, mỗi quận huyện có bao nhiêu xã phường, mỗi xã phường một đài phát, ôi số tiền không nhỏ chút nào,” độc giả tên Tu Hai viết. (TN)
No comments:
Post a Comment