Monday, May 30, 2016

Việt-Trung : Quan hệ thăng trầm giữa hai đối thủ

Thu Hằng 
Theo RFI- 30-05-2016 16:30 
media
Bản đồ đường 9 đoạn, theo đó Trung Quốc đòig chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông. 
Những yêu sách chủ quyền và hành động bồi đắp từ hai năm nay của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa đã kích động thêm mối quan hệ đã rất căng thẳng giữa hai đối thủ lịch sử. Đây là nhận định của đặc phái viên nhật báo Le Monde tại Hà Nội, trong bài phân tích : « Căng thẳng lại bùng lên giữa Việt Nam và Trung Quốc », được đăng trên phụ trang « Địa-Chính trị ».
Tác giả bài báo đánh giá, giữa hai quốc gia láng giềng này là một quá khứ đan xen giữa chiến tranh và hòa bình, có một nền lịch sử được bồi đắp từ mối quan hệ gần gũi về mặt văn hóa và hiểu rõ nhau. Nhưng mối quan hệ này cũng được đánh dấu bằng những nghi ngờ và thù hận.
Vào cuối thời Chiến Tranh Lạnh, Hà Nội ngả theo Liên Xô. Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên xấu đến nỗi nổ ra cuộc chiến biên giới năm 1979, khiến 50.000 người thiệt mạng trong vòng gần một tháng. Từ hai năm trở lại đây, tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại "đổ thêm dầu vào lửa" mối quan hệ song phương vốn đã sôi sục.
Sự kiện Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc CNOOC đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng biển có tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tháng 05/2014 là một bước ngoặt cho mối quan hệ đã đầy căng thẳng, theo nhận định của nhà cựu ngoại giao Nguyễn Ngọc Trường, hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Phát Triển Quan Hệ Quốc Tế.
Dù giàn khoan đã được rút đi nhưng mọi chuyện vẫn không trở lại trật tự như trước. Việc Trung Quốc liên tục bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng đường băng trong quần đảo Trường Sa khiến Hà Nội nhìn nhận là những hành động khiêu khích không chấp nhận được.
Trả lời phóng viên Le Monde, ông Trần Trường Thủy, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho biết : « Việt Nam có ba ưu tiên. Trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tiếp theo là duy trì một môi trường hòa bình và cuối cùng là khai thác các nguồn tài nguyên ». Ngoài ra, ông cũng khẳng định : « Từ thời nhà Nguyễn (được thành lập năm 1802), nhiều đại sự được vua cử đến nắm bắt thực địa. Họ đã cho xây dựng đền chùa và dựng các cột mốc với hàng chữ : Đây thuộc chủ quyền Việt Nam ! Dân chài thường xuyên đến đây cư ngụ vài tháng mỗi năm, từ tháng Tư đến tháng Tám ».
Thậm chí, giai đoạn thuộc địa Pháp cũng được nhắc đến để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các hòn đảo này. Theo tiến sĩ Trần Công Trục, « Hòa ước Giáp Thân 1884 được ký kết giữa triều đình Huế và người Pháp còn quy định rằng nước Pháp đảm bảo chủ quyền của Việt Nam, trong đó có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ». Sau đó, trên một số hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, người Pháp đã cho xây dựng các ngọn hải đăng, một trạm phát sóng và một trạm khí tượng. Những bằng chứng bổ sung này cho phép khẳng định chủ quyền chính đáng của Hà Nội đối với các hòn đảo này.
Thế nhưng, từ năm 1974, Việt Nam bị mất quyền kiểm soát tại quần đảo Hoàng Sa, lúc đó thuộc chính quyền miền Nam Việt Nam, sau cuộc tấn công của một biệt đội hải quân Trung Quốc. Năm 1988, hải quân Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa lại đối đầu nhau trong trận hải chiến đẫm máu tại Trường Sa chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Hà Nội khẳng định có 64 hải quân đã thiệt mạng vì đạn súng cối của Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát 21 đảo nhỏ tại Trường Sa, trong đó có khoảng 10 hòn đảo có dân và quân sinh sống.
Phía Việt Nam thiết lập một chiến lược giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên nhiều mặt. Theo giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, « Trước hết, phải sử dụng nỗ lực ngoại giao, tiếp theo là phản đối một cách ôn hòa nhằm giải thích cách thức Trung Quốc vi phạm luật lệ quốc tế và cuối cùng là các yếu tố quân sự và quốc tế, như hiện đại hóa không quân và hải quân cũng như là hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm hình thành một mặt trận chung để đảm bảo quyền tự do lưu thông hàng hải ». Ông nói thêm : « Chắc chắn là chúng tôi sẽ không lấy lại được Hoàng Sa ».
Tác giả bài báo kết luận, trước lực lượng quân sự Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa từ 37 năm trở lại đây, dường như Hà Nội không còn đường nào khác là thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong vùng để khẳng định quyết tâm đối phó với « kẻ xâm lược » Trung Quốc, như lời lẽ được sử dụng trong một bản tin thời sự của đài truyền hình quốc gia VTV1.

No comments:

Post a Comment