Monday, May 30, 2016

Trung Quốc cho tàu ngầm nguyên tử tuần tiễu Biển Đông

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - Hôm Chủ Nhật, tạp chí Forbes cho biết đúng vào thời điểm dân Mỹ nghỉ lễ Chiến Sĩ Trận Vong ba ngày cuối tuần, có tin Trung Quốc dự tính triển khai tàu ngầm mang vũ khí nguyên tử ở Thái Bình Dương.

Một tàu ngầm của Trung Quốc. (Hình: Guang Niu/AFP/Getty Images)

Ngoài ra, nhật báo The Guardian của Anh hôm Thứ Năm loan tin Trung Quốc sẽ cho tàu ngầm võ trang nguyên tử tuần tiễu trong Biển Đông, giữa lúc tình hình căng thẳng gần đây với Hoa Kỳ ở Á Châu.

Việc Trung Quốc muốn đưa tàu ngầm mang hỏa tiễn nguyên tử vào hoạt động ở Thái Bình Dương, được giải thích bằng lập luận rằng hệ thống vũ khí mới của Mỹ làm phương hại đến khả năng lực lượng răn đe hiện nay của Trung Quốc. Các viên chức quân sự Trung Quốc từ chối cho biết thời điểm khởi sự nhưng nói rằng hành động này là không thể tránh được.

Giới quân sự Trung Quốc nêu lên việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ Thaad chống hỏa tiễn ở Nam Hàn hồi Tháng Ba, việc phát triển loại hỏa tiễn siêu thanh bay như máy bay có thể đánh vào các mục tiêu ở Trung Quốc chỉ trong vòng một giờ sau khi phóng lên. Họ coi đó là những mối đe dọa nặng nề cho hiệu quả của lực lượng răn đe nguyên tử của Trung Quốc đặt căn cứ trên đất liền.

Bộ Quốc Phòng Mỹ trước đây đã dự đoán là Trung Quốc có thể triển khai lực lượng răn đe di động từ khoảng năm 2016. Tàu ngầm phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa đã được Trung Quốc nghiên cứu từ gần 30 năm nhưng dự án triển khai vào hoạt động hiện nay đã bị ngưng lại vì những thất bại kỹ thuật, tranh chấp giữa các cơ chế quốc phòng và quyết định về chính sách.

Hiệp Hội Khoa Học Gia Mỹ (FAS) đánh giá là “những tin tức báo chí và thông báo chính thức từ nhà nước có vẻ vẫn tiếp tục phóng đại khả năng của lực lựợng tàu ngầm Trung Quốc.” Theo FAS, ít nhất là cho đến bây giờ “tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn chưa đi vào hoạt động thường trực được.”

Tấn là một triều đại trong Lục Triều, thời kỳ phân ly của nước Trung Hoa từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 4, tiếp sau Tam Quốc. NATO xếp loại tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc theo các lớp Hạ, Đường, Tấn, nhưng không phải là tên gọi chính thức. Tàu ngầm lớp Tấn có chiều dài 135 mét, trọng lượng giãn nước 11,000 tấn, hiện nay mới chỉ có bốn chiếc được đưa vào hoạt động trong kế hoạch đóng 12 chiếc.

Trung Quốc gọi tàu ngầm lớp Tấn là “tàu ngầm loại 094.” Nhược điểm của tàu ngầm này là chạy quá ồn, rất dễ bị phát hiện bởi các tàu ngầm tấn công của Mỹ và như thế sẽ bị tiêu diệt trước khi vượt qua dãy đảo đầu tiên trước khi đi tới miền Trung Thái Bình Dương.

Tờ Forbes nói rằng người ta phải đặt câu hỏi về thời điểm Trung Quốc tiết lộ kế hoạch triển khai tàu ngầm nguyên tử, chỉ ba ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama, trong đó khó chịu nhất với Trung Quốc là việc Mỹ hoàn toàn bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc còn có ở bán đảo Triều Tiên hay với Nhật ở biển Hoa Đông, nhưng trọng tâm lúc này là Biển Đông.

Từ lâu một số tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc đã được điều phái cho hạm đội Nam Hải và bốn tàu ngầm lớp Tấn đồn trú tại căn cứ hải quân Du Lâm miền Nam đảo Hải Nam.

Ông Wu Riqiang, giáo sư phụ giảng phân khoa nghiên cứu quốc tế trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh, nhận xét: “Vì các tàu ngầm nguyên tử có mặt trong Biển Đông, máy bay Hải Quân Mỹ vẫn tìm cách do thám hoạt động của chúng trong vùng này và Hải Quân Trung Quốc ghét chuyện ấy nên thường tìm cách xua đuổi.”

Ông muốn nói đến vụ mới đây hai chiến đấu cơ Trung Quốc bay tới sát bên một máy bay tuần thám biển của Hải Quân Hoa Kỳ.

Lực lượng răn đe của Trung Quốc chỉ có khoảng 260 đầu đạn hạt nhân so với khoảng 7,000 của Nga và Mỹ. Đặt căn cứ trên đất liền, những vũ khí này rất dễ bị tiêu diệt nhanh chóng với cuộc tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí nguyên tử hay vũ khí quy ước. Chính quyền Tập Cận Bình luôn luôn khẳng định là sẽ không bao giờ tấn công trước bằng vũ khí nguyên tử. Nhưng giới quân sự Trung Quốc lập luận rằng đối phó sự phát triển khả năng quân sự Mỹ với những vũ khí mới, lực lượng răn đe của Trung Quốc sẽ không còn giá trị gì nếu không được nâng cấp.


Tờ The Guardian, dẫn lời Giáo Sư Wu Riqiang, còn cho rằng triển khai tàu ngầm nguyên tử chỉ là một hành động mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu chiến tranh thật sự xảy ra, Mỹ có thể tiêu diệt nhanh chóng đầu não ở Bắc Kinh và lãnh đạo Trung Quốc không thể kịp ra lệnh cho các lực lượng xa. Vì vậy, theo ông, Trung Quốc chỉ nên giữ nguyên đường lối hiện tại và tìm cách che giấu phân tán các hỏa tiễn nguyên tử đặt căn cứ trên đất liền. (HC)

29-05-2016 7:05:40 PM 

No comments:

Post a Comment