Hôm nay tôi xin có đôi dòng gửi các em thanh niên, bất kể còn đi học hay không, bất kể các em thuộc thành phần nào và bất kể các em đang làm gì hiện nay, miễn các em là người Việt và đang cùng thở với chúng tôi trong bầu khí quyển hình chữ S.
Có thể một vài em không để ý câu chuyện cá chết trắng khắp bốn tỉnh miền Trung vì các em đang ở miền Bắc hay miền Nam. Cá chết đối với các em có thể là tai nạn hay một sự cố thiên nhiên chứ không phải do con người hủy diệt. Các em nghe qua báo chí nói về Formosa và rất nhiều em không có khái niệm gì về một nhà máy thép ngoại quốc ngay giữa trung tâm Vũng Áng. Vậy thì ngay từ bây giờ, khi vào Internet chơi game các em bỏ ra vài phút thôi, đánh chữ cá chết, hay Formosa, Vũng Áng các em sẽ thấy lộ ra tất cả những gì các em cần biết.
Tôi đi dạy hơn ba mươi năm, lứa tuổi các em tôi hiểu rất rõ, đầy nhiệt huyết nhưng rất dễ bị định hướng. Những định hướng mà các em không may nhận lãnh toàn là những gì mà nhà nước này thông qua Bộ Giáo dục cố tình gây mê và bẻ cong con đường đáng ra các em phải hướng tới. Các em sống quá lâu trong không khí oi nồng của Đoàn, của những trò chơi bịp bợm, có khi không cón chút gì cá tính Việt Nam. Các em hò reo trong tinh thần bầy đàn và sẵn sàng nói theo người hướng dẫn một cách vô thức. Các em không có thời gian suy nghĩ về những gì xảy ra ngoài xã hội vì các môn học đè nặng trên lưng các em hay nếu không còn đi học thì cơm áo cũng làm cho các em ngây dại, đờ đẫn mỗi buổi chiều tan ca về nhà.
Các em không có lỗi gì cả, lỗi là do cái cơ chế này cố tình tẩy não các em từ nhỏ tới khi các em khôn lớn trong nhà trường. Các em như những con cá chết ở bờ biển miền Trung, chết mà không biết tại sao mình chết. Chết mà không có một phản ứng nào dù nhỏ. Chết mà không để lại vết tích gì chứng minh các em bị đầu độc. Không ai trong đất nước này chứng minh giúp cho các em, kể cả tôi, cái chết trắng của nhiều thế hệ.
Các em đang chết vì não bộ không còn hoạt động bình thường bởi tình thương đồng loại không còn hiện hữu trong tâm hồn các em nữa. Các em vô cảm một cách có điều kiện khi thấy người ngoài đường bị đánh đập, bị xua đuổi, bị bắt bớ vô cớ nhưng các em không hề lên tiếng, dù là một tiếng kêu thương đồng loại. Không phải các em có máu lạnh nhưng tôi nghĩ rằng các em quá sợ hãi, các em sợ nếu lên tiếng thì mình cũng sẽ trở thành nạn nhân của bọn chúng. Nhưng các em quên rằng cả nước không lên tiếng từ một việc rất nhỏ đã dẫn đến thảm trạng hôm nay. Và cả nước đang là nạn nhân của bọn chúng.
Các em có bao giờ hỏi mẹ mình rằng, mẹ ơi mẹ đi chợ hôm nay mua gì cho cả nhà ăn vậy mẹ? Để rồi các em sẽ góp ý với mẹ rằng, mẹ ơi ngoài kia người ta chở cá bị trúng độc chết ùn ùn về thành phố để tái chế lại. mẹ ơi cá dù còn sống nhưng nằm trong khu vực ấy đều cực kỳ nguy hiểm. Mẹ biết không ngay cả chim ăn cũng chết hàng loạt thì chúng ta không nên ăn cá nữa.
Nếu mẹ các em nói rằng bà đọc trên báo thấy viên chức nhà nước tắm biển ăn cá và nói rằng nước biển đã đạt tiêu chuẩn. Cũng như nếu mẹ nói rằng nhà nước bỏ tiền ra mua cá cho ngư dân và số cá ấy được các siêu thị thu mua bán lại thì quá yên tâm rồi.
Các em ơi, hãy nói với mẹ rằng tất cả những hành động ấy đều mị dân và nguy hiểm khôn cùng cho tất cả chúng ta. Hãy nói với mẹ, mấy ông cán bộ ấy vì chiếc ghế của họ phải liều lĩnh nhảy xuống biển, liều lĩnh ăn cá vì họ sẽ không chết liền nhưng làm sao chắc rằng họ còn thời gian bao lâu trên cõi đời này nữa? Thế giới đã chứng minh thành phố Minamata ngộ độc tại Nhật kéo dải tới hơn 12 năm người ta mới biết thì Vũng Áng mới một tháng làm sao biết được?
Năm 1956, tập đoàn hóa chất Chisso đã thải các chất công nghiệp độc hại tại thành phố Minamata tỉnh Kumamoto khiến hàng ngàn người mắc những chứng bệnh kỳ lạ, khó khăn khi đi lại, co giật và hệ thần kinh trung ương bị tổn thương. Căn bệnh này sau đó được đặt tên Minamata.
Chính phủ Nhật lúc đó rất chậm chạp khi điều tra, nhà máy hóa chất Chisso tiếp tục xả thải và người dân âm thầm mắc chứng bệnh kinh khủng này. Cho tới khi chính phủ phát hiện ra thì căn bệnh của người dân kéo dài tới 12 năm và biết bao nhiêu thương tâm cho người dân gánh chịu. Chất kim loại nặng Metyl thủy ngân đã nằm sâu trong máu dân chúng và dĩ nhiên không ai có thể chữa trị căn bệnh kinh khủng này.
Ở Việt Nam, Tỉnh Thừa thiên Huế đã xác định chất độc làm chết cá là Crom, một chất kim loại nặng có sức hủy diệt còn hơn thủy ngân là nguyên nhân làm cá chết trắng biển trong thời gian qua.
Các ông cán bộ này hy sinh cho đảng sống, còn chúng ta việc gì phải hy sinh trong ngu xuẩn như vậy? Chúng ta không chủ trương giết người ngư dân vì không ăn cá, nhưng để giúp cho họ sống đâu nhất thiết hy sinh chính sinh mạng của chúng ta. Người có lợi không phải là ngư dân mà là đảng Cộng sản Việt Nam. Vượt qua được cuộc khủng hoảng này hay không là thái độ của chúng ta, mà các em là thành phần nồng cốt.
Các em, từng người một hãy chú ý tới gia đình mình trong cuộc khủng hoảng này. Không ăn cá chúng ta không chết, mẹ các em tự biết mua thứ gì không nguy hiểm cho tính mạng của cả gia đình. Các em là rường cột phải tỏ ra có bản lĩnh che chở cho tổ ấm của mình khỏi sự nguy hiểm thấy trước.
Hãy nói với gia đỉnh mình sự thật mà các em tìm hiểu được qua báo chí cũng như qua mạng xã hội, Các em hãy lên tiếng cho những bạn bè chưa biết sự nguy hiểm của việc làm này. Hãy cứu lấy thế hệ các em khỏi phải mang những căn bệnh ác tính trong vài năm tới, khi những người hôm nay ý thức được sự nguy hiểm nên đã thoát bệnh còn các em và gia đình, những người cả tin và mù quáng sẽ ăn năn không kịp.
Các em sẽ nhìn thấy mẹ mình run bần bật trong chiếc xe lăn, cha mình đi không được phải bò dưới đất. Chính bản thân các em lúc chất độc phát tác thì co rút lại như những tờ giấy bị vò. Hình ảnh của nạn nhân Minamata đang nằm đầy trên mạng chờ các em đấy, sao lại không xem?
Khi vào Internet tìm hiểu vụ xả chất độc vào biển của công ty Formosa các em sẽ hiểu thêm rất nhiều điều. Biết đâu chính các em sẽ là người dẫn đầu trong các cuộc biểu tình sắp tới. Đừng sợ hãi, các em đủ bản lĩnh để vượt qua, hãy tỉnh thức vì các em đã sống quá lâu trong chiếc lồng tư duy bị khóa kín. Hãy tỉnh thức để cứu lấy chính gia đình các em, chưa cần nói tới cứu cho ai khác.
No comments:
Post a Comment