Tuesday, May 3, 2016

Chuyến thăm Obama và lòng tin chiến lược

Châu Bảo Nguyễn thực hiện 

Theo BBC-6 giờ trước 

Image copyrightReuters
Để quan hệ song phương Việt - Mỹ ngày càng vững chắc, Việt Nam và Hoa Kỳ cần liên tục "bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”, đó là quan điểm của một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) tại Thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.
Quan hệ giữa hai quốc gia đã đi được một chặng đường dài, và tới thời điểm hiện tại, hai bên có thể đối thoại song phương mang tính xây dựng về vấn đề nhân quyền, theo bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc CSIS.
Trao đổi với BBC vào hạ tuần tháng 4/2016, nhà nghiên cứu nhận xét chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama trùng với thời điểm đặc biệt khi Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề biển Đông, được dự kiến vào đầu tháng Sáu.
Bên cạnh đó vẫn theo Th.S Phương Nguyễn, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giải quyết hậu quả cuộc chiến Việt Nam-Hoa Kỳ, và đưa đến cơ hội cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ.

Lòng tin chiến lược

Image copyrightAFP
Image captionViệt Nam đã thay đổi nhiều từ 1986 đến nay
“Có một thực tế là Tổng thống Obama đã không đi thăm Việt Nam trong những năm đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều này là khá đáng tiếc bởi cùng thời điểm đó, ông Obama đã có loạt thăm một số quốc gia khác trong khu vực như Myanmar (2012), Malaysia và Philippines (2014)”, Phương Nguyễn nói.
“Tuy nhiên công bằng mà nói, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, tất cả các tổng thống Mỹ đều đã từng đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Ông Obama là người thứ ba."
So sánh với quốc gia láng giềng là Malaysia, trước ông Obama, chưa có tổng thống Hoa Kỳ nào đến thăm nước này trong vòng 50 năm trở lại đây.
“Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng vì nó đến vào thời điểm mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới."
“Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Hoa Kỳ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”, Phương Nguyễn nhận xét.
Vẫn theo nhà nghiên cứu này, Tổng thống Obama sẽ gặp dàn lãnh đạo mới của Việt Nam, trong đó bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ông Obama đã gặp vào tháng Bảy năm ngoái tại Hoa Kỳ.
"Điều này góp phần cải thiện hình ảnh Washington đối với Hà Nội một cách đáng kể," Phương Nguyễn nói.

Công ty khởi nghiệp

Nói về cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu phê chuẩn và thực thi bởi tất cả các thành viên, bà Phương Nguyễn cho rằng đây sẽ là "cú hích" quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ-Việt.
“Hiện tại, Hoa Kỳ mới chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch hai chiều chủ yếu là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên có sự mất cân bằng nhất định trong cán cân thương mại. TPP sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.”
“Đặc biệt TPP hứa hẹn sẽ giúp những công ty khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận với thị trường và doanh nghiệp Hoa Kỳ.”
Cơ hội mà TPP mang lại được cho là có thể sẽ giúp các công ty nhỏ ở Việt Nam vươn ra khỏi tầm khu vực và trở thành thương hiệu tên tuổi trên thế giới.
“Hiện có rất ít quỹ đầu tư công nghệ tại Việt Nam bởi họ chọn rót tiền vào bất động sản thay vì các dự án khởi nghiệp,” Sarah Tibken của tạp chí công nghệ Mỹ CNET được dẫn lời từ trước nói.
Việt Nam cũng chưa có một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt (start-up ecosystem) giúp gây quỹ tài trợ và mở rộng các công ty nhỏ. Đó là lý do ít có những trường hợp ngoại lệ như thành công của phần mềm Flappy Bird, vẫn theo ý kiến này.

Đối thoại thẳng thắn

“Nhân quyền là một nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, không riêng Việt Nam," bà Phương Nguyễn từ CSIS nói tiếp.
“Mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, và tới thời điểm hiện tại, hai bên có thể có đối thoại song phương mang tính xây dựng về vấn đề nhân quyền”.
“Mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam không liên quan đến thể chế. Chính sách thay đổi thể chế Hoa Kỳ áp dụng đã thất bại tại nhiều quốc gia và khu vực."
“Thay vào đó Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ cấu kinh tế xã hội ổn định và thịnh vượng, trở thành thành viên tích cực trong các liên kết khu vực mà ASEAN đóng vai trò trung tâm."
“Việc hợp tác giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam về các mặt luật pháp, tư pháp, đổi mới lao động và nhân quyền cũng cần được nhìn nhận trong bối cảnh này."
Việt Nam và Hoa Kỳ vừa kỷ niệm 20 năm thiết lập lại quan hệ ngoại giao song phương vào năm ngoái (1995-2015). Tháng 8/2015, ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cũng từng là cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam, đã đến Hà Nội để đánh dấu sự kiện này.

Hậu chiến và Biển Đông

Nhà nghiên cứu từ Trung tâm CSIS cho hay Washington đang hoàn thiện chi tiết bản kế hoạch tẩy độc dioxin (chất độc màu da cam) tại căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại tỉnh Biên Hòa. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng, cũng như tăng thêm chi phí cho việc phát hiện mìn và các thiết bị không nổ (UXO).
Phương Nguyễn nói:
“Ông Obama kỳ vọng sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh Việt Nam một cách quyết liệt trong chuyến thăm này. Đây là yếu tố không thể thiếu được trong quan hệ Mỹ-Việt trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Về thời điểm của chuyến thăm của ông Obama đến Việt Nam, theo Phương Nguyễn đây là thời điểm đặc biệt vì cuối tháng 5 gần như trùng với thời điểm Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc đưa ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc.
Dù phán quyết đưa ra có lợi cho phía nào, việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế mang một ý nghĩa quan trọng, theo nhà nghiên cứu.
“Bắc Kinh có thể đưa ra các hành động phản đối phán quyết của Tòa án Trọng Tài trong vụ kiện với Philippines. Trung Quốc cũng sẽ phản đối nếu Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ phán quyết này."
“Việc Bắc Kinh coi sự hiện diện của Obama tại Việt Nam vào cuối tháng Năm nhằm đưa ra một thông điệp nào đó hay hành động Trung Quốc đáp trả như thế nào vẫn còn để ngỏ,” nhà nghiên cứu bình luận về thái độ của Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment