Monday, April 4, 2016

Giới trẻ Sài Gòn với cây xanh

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA- 2016-04-04  
tonducthang-saigon
 Hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, Saigon. RFA photo
Nếu bạn cất cánh từ sân bay Nội Bài, Hà Nội hay sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, quang cảnh bạn nhìn xuống mặt đất sẽ là những dãy nhà hộp san sát nhau và thi thoảng có vài cây xanh điểm xuyết, cảm giác như đang nhìn vào một hoang địa hay một thành phố Phi Châu. Ngược lại, khi hạ cánh xuống phi trường Changi của Singapore chẳng hạn, đập vào tầm mắt của bạn sẽ là những trang trại xanh mướt, những rừng cây bạt ngàn và thành phố lọt thỏm giữa rừng cây, các tòa biệt thự được che chở bởi cây xanh. Phép đối lập này như một dấu hỏi lớn trong câu chuyện chặt cây xanh ở Sài Gòn để xây dựng đường tàu điện. Và hành động đứng lên bảo vệ cây xanh của giới trẻ Sài Gòn là một câu trả lời có hậu khi nói đến tương lai của thành phố này.
Ông Đinh La Thăng đang ở đâu?
Câu hỏi ông Đinh La Thăng đang ở đâu, làm gì khi hàng cây trăm tuổi của thành phố Sài Gòn bị chặt phá và người dân phản đối vẫn là câu hỏi còn bỏ ngõ hiện nay. Bởi lẽ, hầu hết giới trẻ Sài Gòn hiện nay vẫn tin rằng ông Đinh Là Thăng là một người tiến bộ, ông có thể xây dựng Sài Gòn tốt đẹp hơn so với trước. Và một Sài Gòn hiện đại không thể là một Sài Gòn trơ trọi, thiếu vắng cây xanh.
Theo lời của một bạn trẻ Sài Gòn tên Diện, sống ở quận 1, thành phố Sài Gòn, chia sẻ: “Cây từ một trăm tuổi trở lên thì đã thành di tích rồi. Cây trên đường Tôn Đức Thắng là một hàng cây xà cừ cổ rất là đẹp. Muốn chặt bỏ hay di dời thì cần phải hỏi ý kiến của người dân. Ông Đinh La Thăng từ khi nhậm chức đến nay đã có những việc làm tạo ấn tượng đẹp trong nhân dân. Nhưng gần đây, ông làm dân thấy phật lòng bởi dự án lát đá ngàn tỉ và chặt hay di dời hàng xà cừ. Có thể nói đây là hàng cây, con đường đẹp nhất nhìn thành phố Hồ Chí Minh”.
Diện cho rằng lẽ ra ngày từ đầu ông Đinh La Thăng phải có tiếng nói đúng đắn để bảo vệ hàng cây xà cừ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng. Bởi cách gì thì những người muốn cưa, bứng hàng cây đi cũng sẽ đưa ra lý do là cây đã già, rễ nổi và gây nguy hiểm cho người đi lại để đốn.
Trong khi đó, những hàng xà cừ trăm tuổi bị chặt tại Hà Nội chỉ cho thấy vì người ta muốn chặt bỏ đi để lấy gỗ và trồng một loại cây mới là cây mỡ nhưng được lên dự án với tên là cây vàng tâm chứ hàng xà cừ trăm tuổi này không liên quan đến hệ thống đường tàu điện cao tốc. Điều này đã được cơ quan chủ quản xây dựng đường tàu điện cao tốc đã nói rõ là không liên quan đến dự án này.
Cây từ một trăm tuổi trở lên thì đã thành di tích rồi. Cây trên đường Tôn Đức Thắng là một hàng cây xà cừ cổ rất là đẹp. Muốn chặt bỏ hay di dời thì cần phải hỏi ý kiến của người dân.
Diện, Sài Gòn 
Bên cạnh đó, theo những người dân hai bên đường có hàng xà cừ bị chặt phá ở Hà Nội thì hàng cây này từ trước đến nay vẫn sống ổn định, chưa có cây nào bị bão đánh bứng gốc hoặc đổ gãy gây nguy hiểm. Và hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Sài Gòn cũng vậy. Mặc dù đã sống hàng trăm năm nay trên đường vào hãng đóng tàu Ba Son và gần sông Sài Gòn, đứng ở vị trí gió thổi mạnh từ ngày này qua năm nọ nhưng chưa có cây xà cừ nào bị gãy đổ. Bây giờ, đùng một cái người ta chặt phá để xây dựng đường. Và lý do đưa ra vẫn là gãy đổ, gây nguy hiểm…
Diện cho biết thêm là các bạn trẻ Sài Gòn vẫn đang mong mỏi được đối thoại với Bí thư thành phố Đinh La Thăng và sau cuộc đối thoại cần có biên bản, văn bản cam kết không phá bỏ hàng cây xà cừ này. Bởi hiện tại, hầu hết các con sông ở khắp các thành phố trên cả nước nói chung và Sài Gòn nói riêng đã chết, niềm hy vọng về một thành phố xanh, sạch, đẹp chỉ còn biết dựa vào những hàng cây còn sống sót trên thành phố này.
Và hàng cây xà cừ trên đường Tôn Đức Thắng là hàng cây có tuổi thọ lâu năm nhất, cùng thời với hàng cây xà cừ trên đường 3 tháng 2, công viên tao đàn, vườn cây thảo cầm viên Sài Gòn và một số cổ thụ trong Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, đã có có quá nhiều cây bị chặt bỏ, lá phổi thành phố đang bị tổn thương nặng nề bởi thiếu cây xanh.
Một cơ thể thành phố lành mạnh
Một bạn trẻ khác tên Hiệp, là kỹ sư cầu đường, hiện đang làm việc tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ thêm: “Cây xanh là tổng quan làm bóng mát cho công trình, chắn gió và lọc không khí. Nó tạo ra đối lưu về không khí. Mấy ông nội này làm thì tự duyệt với nhau chứ có cho dân biết đâu! Thành phố Sài Gòn vẫn đang thiếu cây xanh trầm trọng”.
Theo Hiệp, dù đứng trên góc độ nào thì một thành phố muốn được xem là văn minh hay không thì có hai tiêu chuẩn để xem xét, đó là số lượng cây xanh có tỉ lệ với dân số hay không và văn hóa ứng xử giữa con người với cây xanh. Một thành phố tiến bộ, có văn hóa không thể là một thành phố sẵn sàng chặt bỏ cây xanh trăm tuổi chỉ để xây dựng những công trình bê tông và cốt thép.
Mấy ông nội này làm thì tự duyệt với nhau chứ có cho dân biết đâu! Thành phố Sài Gòn vẫn đang thiếu cây xanh trầm trọng.
Hiệp, kỹ sư cầu đường
Hiệp tỏ ra vui mừng khi có nhiều bạn trẻ đang đấu tranh để bảo vệ cây xanh bởi đó là một tín hiệu về sự văn minh, tiến bộ. Hiệp cho rằng một thành phố tốt đẹp cũng giống như một cơ thể tốt đẹp, mà một cơ thể tốt đẹp thì phải có lá phổi không bệnh hoạn. Cây xanh chính là lá phổi của cơ thể thành phố. Bất kỳ kẻ nào nghĩ đến việc cắt bỏ lá phổi của thành phố để thay thế vào đó những cục bê tông cốt thép vô tri vô giác đều là những kẻ không có lương tri và kém tài năng.
Hiệp lý giải cho quan điểm mình vừa nêu rằng theo anh, một kiến trúc sư giỏi hay một ban qui hoạch đô thị giỏi phải là những con người lành mạnh. Mà một tư duy lành mạnh phải nhìn thấy vấn đề tự do, kể cả tự do của cây xanh. Đằng này, khi ý định chặt bỏ hàng xà cừ bị phản đối thì người ta lại hứa rằng sẽ có 16 cây xanh được di dời về công viên Gia Định và Công viên văn hóa Gò Vấp. Những trò này nghe có vẻ bệnh hoạn và thiếu khoa học. Bởi cây xanh đang sống tự do, đang làm nhiệm vụ điều hòa bầu không khí của nó, bây giờ lại bứng đi để rồi tốn hàng đống tiền cho việc duy dưỡng và tái thiết. Trong khi đó vẫn còn nhiều hướng khác để mở đường tàu điện mà không đụng đến cây xanh.
Một bạn trẻ khác tên Nghĩa, người hưởng ứng việc phản đối chặt bỏ cây xanh trong thành phố Sài Gòn và mong mỏi ông Bí thư Đinh La Thăng ban sắc lệnh cấm chặt cây xanh hoặc đối thoại với người dân Sài Gòn để lắng nghe nguyện vọng của người dân. Nghĩa cho biết: “Hợp lòng dân thì chắc chắn là không hợp rồi. Trên con đường này cây rất to và quí lắm…”.
Nghĩa nói thêm rằng anh và các bạn trẻ cũng như nhiều người dân Sài Gòn không ủng hộ việc chặt bỏ hay di dời hàng cây xà cừ trên đường Tôn Đức Thắng. Bởi việc bứng bỏ hay di dời nhiều cây xanh sẽ nhanh chóng làm cho thành phố mất đi vẻ cổ kính và mỗi lúc thêm trơ trọi. Một thành phố không có cây xanh trăm tuổi và những con sông ngày càng đen đúa, chết chóc chỉ cho thấy thành phố đang lụn bại và hiện rõ sự bất lực của ngành kiến trúc, qui hoạch đô thị.
Mặc dù biết rằng việc vận động, kêu gọi ngưng chặt phá hay di dời hàng xà cừ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, Sài Gòn là một việc hết sức khó khăn bởi đây là một cuộc đọ sức giữa những quả trứng văn minh với những khối đá cố chấp nhưng các bạn trẻ vẫn không nản lòng. Bởi theo như lời của Nghĩa thì con người, dù như thế nào cũng phải hướng đến tiến bộ. Một đội ngũ lãnh đạo thành phố kém tiến bộ không có nghĩa là toàn bộ cư dân thành phố đó thiếu sự tiến bộ.
Nghĩa đã kết thúc câu chuyện cây xanh Sài Gòn bằng một câu nói mang niềm hy vọng như thế!

No comments:

Post a Comment