Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-04-04
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) nhận hoa từ cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi ông được bầu làm Chủ tịch mới tại Quốc hội, Hà Nội ngày 02 tháng 4 năm 2016 AFP photo
Tạp chí điểm blog tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội,… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước. Phần trích lời trực tiếp của các blogger được thực hiện qua giọng đọc của các anh chị em ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.
Tử tế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc cho các chính khách đồng nghiệp của ông và cho chính ông là về hưu sẽ ráng làm người tử tế.
Đã có rất nhiều quan chức Việt Nam khi về hưu hay sắp về hưu có những phát ngôn được cho là thành thật, là mạnh dạn, nay lời nói của Thủ tướng còn hơn thế nữa vì nó chứa đựng cả một lời khuyên đạo đức.
Và câu nói của Thủ tướng được báo chí chính thống của Việt Nam đưa lên hàng đầu trong tuần qua.
Dù sao, từ những suy tư và nỗi lòng, các vị khuyên nhau chân tình vậy cũng đáng khích lệ, đã không tử tế, nay phải sống tử tế (nhé!).
- Nhà văn Bùi Văn Bồng
Blogger Nguyễn Hoa Lư nhận xét:
Gặp điều gì khó khăn lắm người ta mới nhắc nhở nhau mà “ráng lên”. Chuyện “làm người tử tế” là chuyện đương nhiên của một con-người-ra-người, đám thảo dân mắt toét sau lũy tre làng còn biết vậy mà tay VietNamnet nâng lên thành chuyện lớn lao, tâm huyết của ngài (cựu) thủ tướng!
Chỉ với một cái tựa đề ngắn, cá nhân tôi cúi đầu ngả nón trước VietNamnet. Làng báo An Nam, khi mà “nhân tài như lá mùa Thu”, đang trong cảnh “trông người người càng vắng bóng mịt mù” thì cái hùng tâm của VietNamnet thật xứng đáng được kính trọng vậy!
Cái chữ "ráng" mà thủ tướng dùng làm cho nhiều người ngạc nhiên một cách thú vị. Nhà văn Bùi Văn Bồng viết rằng:
Dù sao, từ những suy tư và nỗi lòng, các vị khuyên nhau chân tình vậy cũng đáng khích lệ, đã không tử tế, nay phải sống tử tế (nhé!). “Các đồng chí phải ráng làm người tử tế”, phải ‘ráng’ kia đấy, nhưng khó, già cả rồi, tre già khó uốn, cái tật thường lớn hơn cái tuổi!
Một nhà văn khác là Lưu Trọng Văn nhân chuyện này kể lại một kỷ niệm cá nhân với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông còn là người đứng đầu tỉnh Kiên Giang. Khi đó Thủ tướng nói thẳng rằng địa phương của ông phải sống bằng nghề buôn lậu trong một tình hình kinh tế bi đát cách đây mấy mươi năm.
Lưu Trọng Văn cho rằng đó là sự thành thật, ông không biết là sau mấy mươi năm Thủ tướng có còn tính thành thật đó hay không nhưng ông có một niềm tin rằng lời chia tay trước quyền lực “ráng làm người tử tế” của ngài là một lời đầy tâm trạng sâu nặng có cay đắng và quan trọng nhất là rất thật.
Chuyện Tử tế thứ nhất
Muốn có được những chuyện tử tế trong xã hội hiện nay là một điều không đơn giản. Đối với blogger Khải Đơn là chuyện vượt qua nỗi sợ, và trong tuần qua nhiều người dân Sài gòn đã vượt qua nỗi sợ để đòi chính quyền không được chặt đi những cây cổ thụ hàng trăm năm của thành phố này.
Khải Đơn nhớ lại một lần bày tỏ chính kiến chống Trung Quốc xâm lược:
Chúng tôi đã nhìn nhau rất nhiều lần im lặng. Thế hệ của tôi, có lẽ là biểu trưng hùng hồn nhất của sự bất lực trong tâm can. Nỗi sợ và sự khôn ngoan nhiều hơn tất cả. Sự chấp nhận và số lần im lặng cũng nhiều hơn tất cả. Tôi đã học cách tin vào nỗi sợ - những kẻ sợ khôn ngoan và toan tính trong con ốc an toàn.
Và hôm nay Khải Đơn viết cho những người hôm nay xuống đường gìn giữ cây xanh:
Sẽ đến một lúc nào đó, những thế hệ lãnh cảm như chúng tôi chắc phải chết hết đi, để những người ôm cây không biết đến mùi sợ hãi, sạch nước cản, và lớn lên tự do vô cùng trong dòng suy nghĩ của họ.
Họ sẽ chất vấn khi những giảng viên doạ đuổi học họ.
Họ sẽ tranh biện với ông thầy – khi ông nhân danh cái gì – để giáo dục họ vềsự tự do của suy nghĩ.
Họ sẽ hỏi những kẻ gán ghép người khác bằng các danh từ sặc mùi âm mưu – rằng liệu có gì ẩn giấu sau mật ngữ “tôi yêu cây xanh”?
Chẳng có gì cả, khi những tâm hồn tựdo lớn lên.
Trong khi ấy, ở Văn khoa Sài Gòn (aka trường Nhân Văn) – nơi đã sản sinh ra một thế hệ hát vì tự do hàng chục năm trước, nơi đã sinh ra những thế hệgiảng viên đấu tranh vì tự do và hoà bình – chúng tôi được dạy hãy câm mồm và lờ đi tất cả.
Cũng nói về nỗi sợ, nhà báo Sương Quỳnh viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng:
Dù rằng từ nhận thức đến lên tiếng và rồi hành động là cả một khoảng cách. Nhất là xưa nay những việc này luôn bịcác nhà chức trách bưng bít thông tin và ngăn cản, đe dọa và cả bắt bớ làm người Dân trở thành hèn nhát và thụđộng dẫn đến vô cảm. Nhưng nếu biết trách nhiệm công dân, vượt qua nỗi sợ và hiểu được QUYỀN CON NGƯỜI thì chỉ cần như một cái vỗ cánh của một con bướm cũng có thể gây ra cơn bão để quét đi những điều làm tai hại cho môi trường, cộng đồng và cả xã hội.
Chuyện tử tế thứ hai
Chuyện tử tế thứ hai hiện nay có lẽ là việc phải tìm ra người chịu trách nhiệm các vấn nạn của xã hội như blogger Tuấn Khanh đề cập đến trong bài mới nhất của ông:
Trách nhiệm cá nhân là một phần quan trọng của đất nước, trong giai đoạn mà mọi thứ đang có vẻ dần vào rối ren bởi quá nhiều hư hỏng, quá nhiều tai ương… hiện ra, cho thấy đó là những quyết định sai lầm, vội vã hay tư lợi của những cá nhân, những nhóm người nhưng hôm nay thì thật khó tìm ra người chịu trách nhiệm. Chỉ còn lại nhân dân là người phải gánh vác những hậu quả, từ nợ công cho đến sự sụp đổ một cây cầu, một con đường hay một hàng cây xanh.
Từ chuyện một đứa trẻ bị bắt cóc, cho đến chuyện của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục… rồi đến việc đánh đập nhà báo để bịt miệng công luận… mọi thứ cứ đi dần vào cõi u u mê mê của đời sống, vào tiếng thở dài của những người ngồi trên vỉa hè nhìn về tương lai đất nước với cảm giác rằng mọi thứ đang bị bỏ trôi, không có ai thật sự chịu trách nhiệm trên đất nước này. Trách nhiệm luôn đi cùng danh dự và sự tồn vong của tổ quốc. Chúng ta sẽ mất cả, nếu không ai có đủ danh dự để chịu trách nhiệm trên đất nước mình, khởi đầu từ những điều nhỏ nhất.
Tuấn Khanh cho rằng tất cả những xáo trộn, bất an đó của xã hội đến từ sự mất lòng tin của dân chúng, một sự mất niềm tin mà tác giả cũng thấy ở một quốc gia láng giềng có cùng thể chế chính trị là Trung quốc.
Trong sự mất niềm tin nơi một xã hội vô trách nhiệm, blogger Minh Văn tìm thấy một mẩu số chung nơi các quốc gia cộng sản:
Theo truyền thông của nhà nước Cộng Sản, các đối tượng sau luôn là kẻ có lỗi: Thiên tai (ông trời), người dân, các thế lực phản động và thù địch.
Còn nhà nước thì chẳng liên quan gì cả, hoặc là có lỗi rất ít, không đáng kể.
Chuyện tử tế lớn nhất
Khi thủ tướng lên tiếng về chuyện tử tế khi về hưu cũng là lúc nhà nước Việt Nam tiến hành một việc chưa có tiền lệ, đó là Quốc hội sắp mãn nhiệm lại bầu các chức danh quan trọng cho chính phủ sắp tới. Nhiều người cho rằng việc đó chứng tỏ chính phủ hay đảng cộng sản đang lấn lướt quyền hành của Quốc hội.
Blogger Kami cho rằng không phải như thế, vì trên thực tế bấy lâu nay Quốc hội Việt Nam chẳng có quyền lực gì.
Blogger Dân Nguyễn viết trên trang Ba Sàm một lời khuyên dành cho thủ tướng nếu ông muốn làm một chuyện tử tế có ý nghĩa:
Việc “tử tế” có ý nghĩa nhất, và cũng không quá khó với ngài thủ tướng, (dù biết khi đó ngài đã là thảo dân), không phải là việc quan hệ tốt với ông hàng xóm hay vâng lời vợ đuổi gà trong vườn thay vì đi nhậu nhẹt… mà là phải lên tiếng bênh vực cái đúng, lên án cái sai, cái xấu, cho dù cái xấu đó ở đâu, núp dưới danh gì. Sự “tử tế” đầu tiên khiến ông ghi điểm ngay, đó có thể là việc lên tiếng ủng hộ cho những ứng cử viên độc lập trong kỳ bầu cử Quốc Hội khóa 14 sắp tới đây. Trong thâm tâm ông cũng thừa biết họ là những con người tử tế mà còn có thể thêm chữ “rất” ởđầu…
Một trí thức lão thành là ông Nguyễn Khắc Mai cũng đưa ra lời khuyên là những người cầm quyền Việt Nam nên chấp nhận một xã hội dân sự qua việc cho phép những ứng viên độc lập tranh cử vào Quốc hội, ông viết:
Hãy để cho người dân tự do bầu cử, ứng cử, nhiều nhóm công dân sẽ tham chính, tự họ sẽ kiểm soát được lẫn nhau. Chuyện chạy chức chạy quyền chắc chắn sẽ được kiểm soát. Ai chạy, chỉ toàn đảng viên cộng sản. Chạy ai, cũng chỉ là cán bộ cộng sản. Những dân đen cũng có chạy, nhưng chỉ chạy để làm đầu sai. Chỉ có đám quan chức “không bao giờ mắc sai lầm” thì mới chạy để săn tìm quyền lực, và lợi ích bẩn thỉu.
Blogger Song Chi thì cảnh báo là nếu tình trạng hiện nay không có gì thay đổi thì những người chủ thực sự của đất nước này sẽ đứng lên, lúc đó đảng cộng sản sẽ thất bại.
Để đến một ngày những người chủ ấy sẽ đứng lên buộc đảng và nhà nước cộng sản phải rút lui trong một cuộc bầu cử công khai chính thức để một chính đảng khác xứng đáng hơn, có trách nhiệm hơn lên lãnh đạo, chấm dứt kiểu hành xử nắm quyền mà như đang ở trọ đối với đất nước, dân tộc.
Và theo blogger Viết từ Sài gòn thì sự thất bại đó sẽ chính là niềm mong mỏi lớn nhất của nhân dân:
Theo truyền thông của nhà nước Cộng Sản, các đối tượng sau luôn là kẻ có lỗi: Thiên tai (ông trời), người dân, các thế lực phản động và thù địch.
- Blogger Minh Văn
Cái chết hay sự cáo chung hay nói sang hơn một chút là sự vềhưu của đảng Cộng sản mới là niềm mong mỏi của nhân dân. Lời nói chia tay của một thực thể đảng Cộng sản mới gây cảm động. Chứ ông Dũng hay ông Hùng, ông Sang có nói một ngàn lời chia tay chăng nữa thì đó cũng là câu chuyện (có gian lận, có đấu đá, có hạ sát nhau) giữa các ông với nhau. Điều này chẳng gây cảm động gì đối với nhân dân. Bởi, khi nhân dân đã ngán ngẩm, đã mệt mỏi thì ông nào nói lời chia tay cũng vậy mà thôi!
Những lời chia tay ấy, theo lời blogger Hiệu Minh, thì không cần có một lời tâm sự nhắc nhở đầy tính đạo đức như của ngài Thủ tướng, nếu như các quan chức đều tử tế, khi về hưu sẽ được dân chúng nhớ đến.
Một trong những người hy vọng rằng các qaun chức của đảng cộng sản sẽ trở thành người tử tế, rằng đảng cộng sản sẽ cải cách sau đại hội 12 vừa rồi để tìm cách phá sự bế tắc của xã hội Việt Nam, là Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, nhưng một thời gian sau đại hội đảng lần thứ 12, bà quan sát thấy sự đàn áp những người bất đồng chính kiến chỉ có tăng lên chứ không giảm, bà đang nghĩ rằng mình đã đưa ra một dự báo sai lầm về đảng cộng sản.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/a-kind-story-kh-04042016080941.html/04042016-diemblog-kh.mp3
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/a-kind-story-kh-04042016080941.html/04042016-diemblog-kh.mp3
No comments:
Post a Comment