Chiến hạm Trung Quốc thực tập tác xạ ở Biển Đông hồi cuối năm ngoái. Những hình ảnh này không làm thiên hạ sợ mà chỉ thêm lo và thấy cần chống. (Hình: Nhân Dân Nhật Báo)
Không những không dừng việc xây dựng các cơ sơ quân sự ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc còn điều động phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh tại một trong những phi trường vừa xây dựng hoàn tất ở quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ phải tiến thêm một bước, bằng cách điều khu trục hạm tiến vào phạm vi 12 hải lý của một trong các đảo tự nhiên ở quần đảo Hòang Sa, giống như gửi đi một thông điệp: Dứt khoát không để Trung Quốc đẩy cộng đồng quốc tế vào thế phải chấp nhận chuyện đã rồi.
Trung Quốc đáp lại bằng cách bài bố hỏa tiễn phòng không ở quần đảo Hoàng Sa, đưa chiến đấu cơ đến đó. Cùng thời điểm này, cộng đồng quốc tế phát giác, Trung Quốc đã thiết lập xong hệ thống radar giám sát cả trên biển lẫn trên không, tại quần đảo Trường Sa...
Chuỗi sự kiện vừa kể cho thấy Trung Quốc bội tín, cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” đã bị vứt bỏ và được thay thế bằng tuyên bố đã “tổ chức phòng vệ” từ... lâu.
Ngoài Hoa Kỳ, nay, tới lượt Nhật, Úc, Ấn cũng đã bắt đầu tăng mức độ đáp trả các tuyên bố và thái độ hung hăng của Trung Quốc
Cùng lúc với việc ngoại trưởng Nhật lên án Trung Quốc làm cho mức độ căng thẳng tại Biển Đông “leo thang,” bộ trưởng Quốc Phòng Nhật vừa khẳng định, Nhật đang thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Điều đó khiến người ta tin rằng, nếu trước đây, Nhật chỉ lập kế hoạch tuần tra trên biển và trên không để chứng tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông của mình thì nay, Nhật sẽ sát cánh với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác để thực hiện các cuộc tuần tra chung.
Một viên chức cao cấp chính phủ Nhật vừa tuyên bố công khai rằng, sở dĩ Trung Quốc càng ngày càng ngông cuồng, hung hăng vì đã khai thác tối đa khoảng trống về ảnh hưởng quân sự tại Biển Đông và vì phản ứng của các quốc gia trong khu vực quá chậm chạp. Với nhận thức như thế, chắc chắn Nhật sẽ tham gia lấp đầy khoảng trống và tự thay đổi cũng như thúc đẩy sự thay đổi về cách thức phản ứng sao cho vừa nhanh, vừa hiệu quả.
Giống như Nhật, Úc cũng đã thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn. Trong Bạch Thư Quốc Phòng 2016, Úc bạch hóa lý do quốc gia này gia tăng chi tiêu quốc phòng là vì e ngại trước chuỗi hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối tài liệu này
Trung Quốc tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa bằng tuyên bố, Trung Quốc “không hài lòng” về Bạch Thư Quốc Phòng của Úc và bảo Úc phải “thay đổi lập trường” cũng như “phải có quan điểm tích cực về sự phát triển của Trung Quốc.”
Ấn vốn đã quyết định sẽ tổ chức tuần tra tại Biển Đông với mục tiêu giống như nhiều quốc gia khác là chứng tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông của mình và đang cân nhắc có nên phối hợp tuần tra chung hay không. Nay, Trung Quốc đã cho Hoa Kỳ nhiều bằng chứng để thuyết phục Ấn hợp tác tuần tra.
Thượng Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ vừa mới đến Ấn để hội đàm với Thủ tướng Ấn. Ông bảo rằng, tuy dân chúng Ấn chưa sẵn sàng nhưng nay, chính phủ Ấn đã có đủ cơ sở để “chuẩn bị dư luận” trong việc hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về quốc phòng.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Ash Carter, báo cáo với hạ viện Hoa Kỳ rằng, Trung Quốc đang tự cô lập mình và khiến cho các lân bang cùng tính đến việc phải chống lại Trung Quốc. (G.Đ)
02-27-2016 2:22:34 PM
No comments:
Post a Comment