HÀ NỘI (NV) - Một loạt quan chức ngành đường sắt quốc doanh của Việt Nam có thể sẽ bị “kỷ luật” vì các lùm xùm liên quan đến mua một loạt hơn trăm toa xe lửa cũ của Trung Quốc.
Xe lửa chạy trục Bắc-Nam của công ty quốc doanh khai thác độc quyền. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo một thông báo kết quả điều tra của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN (GTVT) đưa ra hôm Thứ Sáu, 26 thang 2, 2016, quan chức từ tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (ĐSVN) đến công ty con, công ty Đường Sắt Hà Nội, “cầm đèn chạy trước ô tô” khi họp bàn, tổ chức đi khảo sát và đàm phán để mua 164 toa xe lửa cũ của Cục Đường Sắt Vân Nam, Trung Quốc.
Tờ trình kết luận rằng trong chủ trương của nhà cầm quyền trung ương cho ngành đường sắt cho giai đoạn từ 2012-2015 thì “chỉ được đầu tư đóng mới toa xe, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng.”
Tuy nhiên, “Tổng công ty ĐSVN, công ty TNHH MTV Vận Tải Đường Sắt Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã có chủ trương thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu mua toa xe đã qua sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của thủ tướng chính phủ và Bộ Giao Thông Vận Tải. Đồng thời, cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận không đầy đủ, thiếu chính xác nên đã gây dư luận hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và Bộ GTVT.”
Vụ việc lộ ra khi ông tổng giám đốc công ty Đường Sắt Hà Nội, Nguyễn Viết Hiệp, gửi văn thư tới Bộ GTVT và Bộ Khoa Học và Công Nghệ để “xin ý kiến” về việc mua vừa kể. Vừa biết chuyện, bộ trưởng GTVT đã nổi giận, bắt tổng công ty đường sắt báo cáo và ra lệnh kỷ luật cách chức ngay ông Hiệp.
Ông Hiệp thanh minh rằng ông chỉ là người “thực hiện theo chỉ đạo từ cấp cao nhất của tổng công ty Đường Sắt Việt Nam.” Trường hợp của ông là “quyền rơm, vạ đá.”
Khi việc vỡ lở, Tổng Giám Đốc Trần Ngọc Thành của tổng công ty ĐSVN, ngày 4 thang 2, 2016, chối bay chối biến rằng, “Chúng tôi không chủ trương nhập tàu cũ.” Ông này còn nói trong cuộc phỏng vấn của VietNamNet rằng, “Là công ty mẹ nhưng đến nay, tổng công ty ĐSVN chưa nhận được báo cáo xin chủ trương đầu tư về việc mua tàu cũ của công ty Đường Sắt Hà Nội.”
Nhưng nhiều tờ báo đưa ra phóng ảnh văn thư ngày 15 tháng 10, 2014, của Ban Kế Hoạch-Kinh Doanh của tổng công ty ĐSVN gửi ông Trần Ngọc Thành (Chủ tịch Hội đồng thành viên) và ông Vũ Văn Tùng (tổng giám đốc) “đề xuất” 2 phương án “tổng công ty ĐSVN là chủ đầu tư” hoặc “công ty khách Hà Nội là chủ đầu tư.”
Văn bản có bút phê của ông Trần Ngọc Thành. (Hình: Tiền Phong)
Trên văn thư này có chữ ký tắt và lời phê của ông Thành là “Kính chuyển tổng giám đốc. Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai 16 tháng 10, 2014.”
Ông Nguyễn Viết Hiệp sợ các sếp bên trên ăn hết, mình không được xơ múi gì nên đã vội làm văn thư “xin ý kiến” không qua các sếp của mình, tức “vượt cấp” lên thẳng các bộ.
Mua sắm trang thiết bị cũ để toa rập với đối tác nước ngoài chia nhau những khoản tiền chênh lệch khổng lồ vốn là trò ăn bẩn quen thuộc của quan chức cán bộ chế độ Hà Nội từ trên xuống dưới và ở bất cứ ngành hay cơ quan nào.
Năm 2014, có 6 quan chức Ban Quản Lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc tổng công ty ĐSVN đã bị tống giam vì ăn hối lộ của công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản - JTC - số tiền 11 tỷ đồng. Vụ việc chỉ lộ ra khi công ty JTC bị chính phủ Nhật truy tố về tội hối lộ cho quan chức nước ngoài.
Người ra không rõ có bao nhiêu ông ở tổng công ty ĐSVN sẽ bị “kỷ luật” và biện pháp gì. Người đang tạm nắm quyền điều hành Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN là Thứ Trưởng Nguyễn Hồng Trường. Ông này hồi đầu năm ngoái bị một nữ doanh nhân cáo buộc là đã nuốt của bà 200 triệu để cho trúng thầu, nhưng bà mất toi tiền, mối thầu không có.
Phóng ảnh các tin nhắn qua điện thoại giữa ông Nguyễn Hồng Trường và bà nhà thầu, gồm cả tin nhắn đòi ông Trường trả lại tiền, người ta có thể tìm thấy trên mạng Internet. (TN)
02-27-2016
No comments:
Post a Comment