Saturday, February 27, 2016

Lễ hội dân gian: Đâu rồi thành ngữ“Vui như trảy hội”?

Phùng Hoài Ngọc-02-28-2016

Lễ hội ngày xưa trên đoạn sông Phủ Cam

(VNTB) - Lễ khai ấn đền Trần với cả hai nghìn cảnh sát bảo vệ an ninh thì thực là kỳ dị! Thời hoà bình ngày xưa chúng tôi không thấy bóng dáng một công an nào hết, chỉ vài anh dân quân du kích xã là đủ.

Lễ hội thời chưa chiến tranh

Ngày xưa lễ hội  dịp duy nhất người dân tụ họp cộng đồng, đông vui nhất trong một năm. Người dân già trẻ trai gái chẳng bao giờ có dịp tụ hợp đông vui như thế ngoài lễ hội.

Làng quê miền Bắc hầu như làng nào cũng có lễ hội, ít nhất một lần hàng năm. Làng nhỏ hội nhỏ, làng to hội to. Có lễ hội liên xã - vài ba xã chung một lễ hội- bởi có chung một ông thành hoàng có công kiến lập làng xưa. Có lễ hội cấp vùng, rộng cỡ huyện tỉnh, không phụ thuộc đơn vị hành chính. Lại có lễ hội cấp miền, quốc gia, thường là lễ hội suy tôn anh hùng dân tộc, như Hội Gióng, hội chùa Thầy, lễ hội Hai bà Trưng, Đức thánh Trần, hội Đống Đa, hội đền bà Chúa Kho,…

Lễ hội tôn giáo thường lan tỏa khắp vùng miền, như lễ hội Chùa Hương, Hội xuân núi Yên Tử. Lễ hội nhỏ và vừa kéo dài trung bình hai, ba ngày, Hội lớn đặc biệt như hội Chùa Hương kéo dài một tháng, Hội núi Yên Tử từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch...
Lễ hội rải rác suốt năm, tuy nhiên tập trung hơn vào muà xuân vì đó là thời buổi nông nhàn. Người khá giả thì đi hết lễ hội này đến lễ hội khác, người nghèo ít ra cũng đi lễ hội một lần, nơi gần nhất. Lễ hội xa nhà thì phải đi bộ đeo khăn gói hành lý đi suốt cả ngày. Nghệ nhân hát xẩm kéo đàn nhị hồ ngồi quán nước ven đường trảy hội mà hát thúc giục du khách rằng: Hội chùa Thầy anh em ơi còn đương lúc đua chen, Hễ nhanh chân thì tới, chứ ươn hèn thì í xa.

Đây là ca dao giỡn chơi thôi, không phải qui luật qui tắc ngày xưa: Tháng Giêng là tháng ăn chơi / tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè  hoặc dị bản : Tháng Giêng ăn Tết ở nhà / tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Nghi lễ truyền thống đem lại không khí trang nghiêm, tưởng niệm lịch sử, suy ngẫm đạo đức qua các nghi thức như rước thần, cúng bái, hát chầu với trang phục cổ. Hội gồm nhiều trò chơi dân gian và văn nghệ, tạo ra sự vui vẻ, giao tiếp, giải trí dành cho mọi lứa tuổi. Lễ hội dân tộc quả là một sinh hoạt văn hóa độc đáo không gì thay thế được.

Những ấn tượng lễ hội dài 10 năm đến trước Nội chiến Bắc Nam gần như đọng thành kỷ niệm tuổi thơ của lớp tuổi chúng tôi. Nó vẫn còn mãi đó, ngọt ngào ấm áp, tiếc nuối.

Nhớ lại lễ hội những ngày chưa chiến tranh mà lứa tuổi thiếu niên chúng tôi hòa mình trong đó, suốt đời không quên. Đó là khoảng 10 năm thời hòa bình, kể từ sau 1954 đến trước 1964. Nghe các cụ kể lại, trong 9 năm chiến tranh Việt- Pháp, vùng địch hậu chủ yếu là nông thôn và thành thị, lễ hội vẫn diễn ra tuy có dè dặt một chút. Do bị ức chế của chiến tranh, nên sau 1954 dân chúng miền Bắc tưng bừng phục hồi lễ hội. Đó là những lễ hội nguyên sơ trong sáng trang nghiêm (lễ) và tưng bừng hào hứng vui vẻ (hội). Đi lễ hội người ta gác lại mọi lo âu thường nhật để vui hết mình với nhau…

Từ 1964, cuộc Nội chiến Việt Nam chính thức diễn ra ở miền Bắc với máy bay Mỹ đánh phá, nhằm vào cơ sở quân sự và hậu cần, giao thông tuy nhiên ngoại lệ cũng có thể bất kỳ nơi nào, lúc nào. Lễ hội là nơi đông người, dễ bị máy bay tấn công, vậy thì dẹp bỏ phần Hộ để lo cái sống. Ban đêm nơi diễn chèo tuồng đèn rực sáng cũng là mục tiêu dễ thấy của máy bay, do vậy cũng dẹp luôn. Tuy thế, phần “Lễ” vẫn được các cụ bô lão lặng lẽ tổ chức hành lễ nơi đền miếu, với số ít người tham gia, để thỏa màn nhu cầu tâm linh truyền thống...

Ngày ấy, chưa xa lắm, lễ hội dân gian từng là nguồn cảm hứng giàu chất thơ cho văn học nghệ thuật bao đời, từ truyện cổ tích tới ca dao dân ca, tranh vẽ, sân khấu chèo tuồng… Lễ hội ghi bao kỷ niệm tuổi thơ thanh bình có thể “một đi không trở lại”.

Sau khi cuộc Nội chiến Việt Nam chấm dứt 1975, lễ hội truyền thống mọi cấp mọi vùng lại ùa ra, bung ra tổ chức, Tuy nhiên…

Lễ hội ngày nay

Không kể lễ hội “cách mạng” do nhà nước tố chức khá nhiều, cũng dày đặc quanh năm, ráng chen chân với lễ hội dân gian. Họ sẵn giữ tiền bạc ngân sách nhà nước đổ vào để lôi kéo người dân, nhưng kết quả cũng không thể nào đạt được. Lễ hội dân gian hấp dẫn vì đạt được sự tự nguyện, náo nức, hồi hộp của mọi người. Không có mệnh mệnh hành chính nào can thiệp được.

Tuy nhiên lễ hội dân gian ngày nay đẻ ra tình trạng buôn thần bán thánh mang tính tiểu thương và thể hiện sự bất lực, thiếu trách nhiệm của chính quyền. Họ bó tay trước các hủ tục mê tín và bạo lực phát sinh, lại đẻ thêm nhiều quái gở mới như quán nhậu thú rừng bị cấm tràn ngập chùa Hương. Nạn chèo kéo du khách và ép giá xe cộ, nhà nghỉ ngày xưa chưa từng có giờ đẻ ra ồn ã. v.v... Những vẻ đẹp lễ hội truyền thống dần dà biến mất trong bối cảnh kinh tế thị trường tự do bị gây nhiễu bởi “định hướng XHCN”.

Một số lễ hội bạo lực như Chọi Trâu (Hải phòng), chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp quả phết (Phú Thọ), cướp lễ vật (Nam Định), lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) có tục cướp lộc thánh, cướp giỏ hoa tre… Đó chỉ là một số ít lễ hội và hủ tục kỳ quặc ảnh hưởng trong một khu vực, không phổ biến rộng ở miền Bắc. Ở nơi ấy đáng lẽ thuyết phục địa phương hủy bỏ hủ tục thì Phan Đăng Long phó ban Tuyên giáo Hà Nội lại cãi báo chí rằng đó là “cướp có văn hóa” (!).

Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu của Bộ Văn hóa lý giải rằng “người dân địa phương, du khách … đang có dấu hiệu bị “hụt hẫng tinh thần”. … Không ai có trách nhiệm giải thích cho người dân về các nét đẹp cổ truyền của tín ngưỡng tôn giáo”, ông Biền nói. (Báo Tiền Phong 22/2:http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tranh-cuop-loc-o-den-tran-vi-dau-nen-noi-972370.tpo). Lễ khai ấn đền Trần với cả hai nghìn cảnh sát bảo vệ an ninh thì thực là kỳ dị! Thời hoà bình ngày xưa chúng tôi không thấy bóng dáng một công an nào hết, chỉ vài anh dân quân du kích xã là đủ.
Nhà nghiên cứu văn hóa chua xót cho rằng ở các lễ hội bây giờ, “người ta tìm đủ cách để lấy tiền của dân”, mà đã muốn lấy tiền thì phải có những yếu tố “mê tín dị đoan”.
GS Trần Lâm Biền, như phần nhiều GS khác, ưa phát biểu kiểu “người khôn ăn nói lưng chừng/ làm cho người dại nửa mừng nửa lo”. Ông cần phải nói thẳng “người dân mất niềm tin vào cái gì đó” thì câu văn mới trọn nghĩa. Mất niềm tin vào cuộc sống quá nhiều rủi ro, hay mất niềm tin vào chế độ vào Đảng (?!)
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng cựu cán bộ UBKT trung ương (hẳn là nghỉ hưu rồi) trả lời phỏng vấn Đài VOV1 chiều hôm 24/2 về nạn bạo lực lễ hội, ông này nói “như thế hóa ra cứ lấy sức mạnh tranh cướp là được… Một tình trạng lòng tham, cuồng tín… Một cái gì đó đang biến chuyển trong xã hội, một cái gì nguy hiểm cho đất nước…”. Ông đảng viên già này vẫn cố tránh nói “cái gì là cái gì đó”. Uổng công đài VOV mất công phỏng vấn.
Xin nêu một ví dụ hùng hồn Lễ khai ấn đền Trần, qua đó khẳng định sự bịa đặt vụ lợi, hại dân hại nước của những người cán bộ văn hóa có trách nhiệm:
Tục “khai ấn đền Trần” ở Nam Định đêm 15/ Giêng là một trò ngu muội của quan chức ngành Văn hóa- Du lịch, quảng cáo láo để lôi kéo du khách thập phương. Cái “tín ngưỡng mới” này hẳn là do Bộ Văn Thể Du bịa tạc, rằng ai xin được ấn tức là có cơ may làm quan phát tài. Từng có những cán bộ cao cấp được mời đến để khai mạc lễ “khai ấn” đúng 12 giờ đêm (ông cao cấp đóng vai vua Trần ư?).
Sừ sách chưa bao giờ nói về vua Trần đúng vào đêm 15 tháng giêng mở hộp đựng ấn (con dấu) uy quyền của mình ra “đóng” vào cái tờ giấy nào cả. Xin bà con hãy đọc 4 chữ trên con dấu: 陳廟祀典Trần miếu tự điển, nghĩa là: “tế lễ đúng qui định ở miếu thờ họ Trần”.  Bốn chữ nhỏ hơn nằm dưới:  錫福無疆tích phúc vô cương”: nghĩa là “vua ban phúc vô hạn” như một lời khuyên ai đi lễ thì được hưởng phúc.
Thực chất, đây là con dấu dùng trong nội bộ của những người quản lý miếu thờ họ Trần ở Nam Định. Bốn chữ chỉ nhắc nhở qui tắc làm lễ đúng cách, tránh tùy tiện qua loa. Có thế thôi. Cớ gì lại in ra hàng vạn bản phát cho du khách hành hương? Cần phải truy tìm kẻ nào đã viết báo về lễ khai ấn đền Trần và gây ra hủ tục phi lý này. Đề nghị công an văn hóa tư tưởng lập “chuyên án văn tự” truy tìm thủ phạm “khai ấn đền Trần”.
Ngẫm ra, chính là vấn đề giáo dục thẩm mỹ. Văn hóa cách mạng vô sản đã làm hư hỏng tất cả năng lực thẩm mỹ của người dân. Chủ nghĩa vô thần vô sản đã chi phối toàn bộ sách dạy học và sách đọc… Vướng cái nguyên lý vô thần cộng sản, các văn nghệ sĩ và cán bộ ngành văn hóa rơi vào tình trạng hụt hẫng về cơ sở lý luận. Nói vô thần hay hữu thần, đằng nào cũng “há miệng mắc quai” hoặc sợ “mất lập trường”. Một đất nước 8000 lễ hội lớn nhỏ vào mùa xuân, không có được một bài văn miêu tả trong sách giáo khoa mới.
Có ai đọc cuốn sách “Chủ nghĩa vô thần khoa học” của tác giả Aleksandr Fedorovich Okulov xứ Liên Xô cũ ? Sách do PGS Mác Lê Nguyễn Hữu Vui dịch, tủ sách giáo khoa Mác-Lê-nin, 1985, học viện Nguyễn Ái Quốc xuất bản. Tham vọng của Liên Xô và bạo chúa Staline ngaỳ xưa là “khoa học hóa tín ngưỡng tôn giáo của con người”. Khoa học hóa tất cả những phạm vi bất khả tri. Thực là vớ vẩn phù phiếm quá !

Đề xuất một quan niệm trung dung

Cái gốc của lễ hội liên quan mật thiết quan điểm hữu thần và vô thần.

Chúng tôi nghĩ, quan niệm thẩm mỹ có thể dung hòa được thuyết hữu thần hay thuyết vô thần.

Bài nghiên cứu [1]“Tôn giáo liệu có ngày diệt vong?” công bố  kết quả nghiên cứu  từ 57 nước đem lại một số nhận định lửng lơ. “Một phần nguyên nhân khiến tôn giáo thu hút sự quan tâm, là do nó mang lại sự trấn an ở một thế giới bất ổn”.

"Khoa học là thứ khó nuốt - trong khi đó, tôn giáo lại khác. Đó là thứ chúng ta không cần phải học mà vẫn hiểu". (Mc Cauley, giám đốc một viện nghiên cứu tâm lý và văn hóa tại Đại học Emory, Atlanta, Georgia) nói.

Điều tra xã hội học qua bài báo kể trên công bố rằng thế giới ngày nay có 13 % dân số theo thuyết vô thần. Số này ngày càng tăng. Những quốc gia có tỷ lệ người theo chủ nghĩa vô thần lớn nhất thường là những nước phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị... Tuy nhiên Hoa Kỳ là một trường hợp ngoại lệ khác, có đông đảo dân số theo tín ngưỡng mặc dù là nước giàu có nhất trên thế giới. Vậy là, nghiên cứu khoa học cho thấy chẳng có qui luật nào chi phối hữu thần hay vô thần. Nói cách khác, vô thần và hữu thần cần phải sống chung với nhau thôi.

Chúng tôi nghĩ, một quan điểm trung dung có thể dung hòa vô thần và hữu thân, cho một thời kỳ lâu dài. Hữu thần và vô thần là tùy ý lựa chọn, tự do tín ngưỡng. Miễn là có một điểm chung: tôn trọng lựa chọn cảm xúc thẩm mỹ. Hữu thần và vô thần gieo cảm hứng cho người ta như âm nhạc, ưa thích và không thích dòng nhạc này hay dòng nhạc khác. Thế thôi ! Không ai có thể phủ nhận cảm hứng thư giãn thanh thản khi tới thăm đền miếu nhà thờ, và nao nức đi dự lễ hội (với điều kiện lễ hội tổ chức đúng đắn vô tư). Hữu thần và vô thần cũng hấp dẫn như sở thích du lịch đó đây. Hơi sức đâu mà tranh cãi ai hay ai dở. Ở đây cần đảm bảo tính dân chủ trong sở thích thẩm mỹ. Lý thuyết gia Các Mác bó tay trước một tình trạng thẩm mỹ tự do như vậy, nên đã cố đấm ăn xôi, gieo tiếng ác cho tôn giáo rằng nó là “thuốc phiện”.



[1] . Nguồn: (BBC: http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/01/150111_will_religion_ever_disappear_vert_fut

No comments:

Post a Comment