Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2015-12-12
Theo RFA-2015-12-12
Một quán nhậu ở ngoại ô Sài Gòn-RFA
Ăn nhậu gì cho khỏi chết? Đây là câu hỏi có tính thời thượng hiện nay ở Việt Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng. Bởi hiện tại, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở mức báo động đỏ và hầu như nhà nước không còn quản lý được nữa. Câu hỏi “ăn gì, nhậu gì cho khỏi chết?” không còn là đề tài của những người nội trợ hay những người chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm nữa mà là câu hỏi chung của xã hội.
Ăn gì cho khỏi chết?
Trong hàng triệu quán nhậu, quán ăn, nhà hàng tại Sài Gòn, có bao nhiêu quán đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Đây là câu hỏi chung, đặc biệt là câu hỏi khá nhạy cảm của dân nhậu. Như lời của anh Trang, cư ngụ tại quận 12, thành phố Sài Gòn:
Chắc chắn là không an toàn, rượu ngoại ba bốn triệu đồng một chai chưa chắc đã an toàn huống gì rượu gạo bảy tám ngàn đồng một lít? Thực phẩm cũng không an toàn, chỉ riêng thực phẩm nội địa cũng đủ các thứ bột tăng trưởng TQ tọng vào trong quá trình chăn nuôi huống chi thực phẩm TQ nữa?
-Anh Trang
“Nhậu xấu chứ làm sao tốt được. Các nước trên thế giới đâu có chuyện đó. Nhậu xong rồi say xỉn, nói tào lao. Chắc chắn là không an toàn, rượu ngoại ba bốn triệu đồng một chai chưa chắc đã an toàn huống gì rượu gạo bảy tám ngàn đồng một lít? Thực phẩm cũng không an toàn, chỉ riêng thực phẩm nội địa cũng đủ các thứ bột tăng trưởng Trung Quốc tọng vào trong quá trình chăn nuôi huống chi thực phẩm Trung Quốc nữa? Chắc chắn là không an toàn rồi! Càng nhậu càng mau chết thôi!”
Theo anh Trang, hiện tại, anh cảm thấy mọi quán nhậu, quán ăn bình dân và nhà hàng loại nhỏ ở Sài Gòn không có nơi nào là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho dù thực phẩm có đảm bảo an toàn thì vẫn không đảm bảo vệ sinh. Bởi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh cũng như tình trạng ngập nặng ở Sài Gòn đã làm cho môi trường nhà bếp của hầu hết các quán đều mất vệ sinh.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là nguồn thực phẩm chuyên dùng cho quán nhậu như lòng lợn, đùi gà, cánh gà, hải sản, các loại củ quả nhập từ Trung Quốc. Có thể nói rằng mức độ nguy hiểm của loại thực phẩm này là hết sức lớn. Nhưng vì giá thành của loại thực phẩm này quá rẻ mà số lượng quán nhậu ở Sài Gòn quá nhiều, sự cạnh tranh khốc liệt dựa vào giá rẻ đã khiến các chủ quán không ngần ngại dùng những loại thực phẩm rẻ mạt, không rõ nguồn gốc, thậm chí biết là thực phẩm Trung Quốc nhưng vẫn dùng.
Bởi chỉ có những loại thực phẩm rẻ mạt này mới có thể bù lỗ cho tình trạng ế ẩm, tiền thuê mặt bằng và tiền chung chi cho các nhóm bảo kê giang hồ. Bên cạnh đó, những loại hải sản ôi thiu, hôi thối, đã sinh dòi ở một số chợ đầu mối Việt Nam cũng được xử lý bằng hóa chất tẩy trắng và đóng gói, tiêu thụ ở các quán nhậu hải sản tươi sống.
Anh Trang cho rằng hiện tại, không chỉ riêng thực phẩm Trung Quốc có vấn đề nguy hiểm mà ngay cả hải sản, thịt heo ở Việt Nam cũng có vấn đề, cũng nguy hiểm không kém thực phẩm Trung Quốc. Bởi với tâm lý chạy đua về sản lượng, không cần biết mối nguy hại cho sức khỏe đồng loại, hơn nữa, đời sống vốn đã quá khó khăn nên những nông dân chăn nuôi phải tìm mọi cách tăng năng suất càng cao càng tốt. Đây là nguyên nhân khiến họ chọn thực phẩm gia súc có nguồn gốc Trung Quốc. Bởi loại thực phẩm này có lượng thuốc tăng trọng nhanh chóng và cho sản lượng cao mặc dù rất độc hại.
Một số nhà buôn hải sản Việt Nam thay vì trước đây họ ra các bến tàu để mua hải sản tươi sống về bỏ mối. Hiện tại, giá hải sản tươi sống quá đắt bởi các tàu thuyền của ngư dân Việt Nam không dám đánh bắt xa bờ, một số nhà buôn hải sản chuyển sang mua hàng xả của các công ty đông lạnh. Số hàng này luôn ở mức vài tấn đến vài chục tấn nhưng có giá rẻ bèo vì đã hư hỏng, chỉ dùng làm mắm nuôi heo. Nhưng thay vì làm mắm nuôi heo, các nhà buôn mang về xử lý bằng thuốc tẩy và phoocmon, sau đó bán lại cho các quán nhậu.
Nếu như nhà buôn Việt Nam cạnh tranh tồn tại bằng cách dùng hàng xả trong thời gian gần đây thì nhà buôn Trung Quốc đã sử dụng hàng xả qua xử lý hóa học, biến thành thực phẩm đẹp mắt hoặc dùng hàng chế từ nhựa polymer để tuồn sang Việt Nam đã xảy ra cách đậy ngót nghét mười năm.
Anh Trang cho biết thêm là thời anh còn bán quán nhậu ở quận Bình Thạnh, nguồn thực phẩm Trung Quốc đã tràn lan ở Sài Gòn. Càng về sau, những khách hàng thường xuyên của quán anh càng bị bệnh nan y, anh cảm thấy ray rứt và quyết định nghỉ bán quán. Theo như anh nhận xét thì chắc chắn một điều là hầu hết các quán nhậu trên đất Sài Gòn đều có dùng đến thực phẩm đểu cho dù họ có lương tâm chăng nữa vẫn cứ bị dính thực phẩm đểu. Bởi nếu không mua ở đầu mối thì mua ở chợ, mà hầu hết thực phẩm trong chợ đều có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, khi dân nhậu tự đặt câu hỏi ăn gì cho khỏi chết thì chỉ có một câu trả lời duy nhất là nghỉ nhậu sẽ khỏi chết.
Mồi đểu và rượu chết
Ông Phụng, một thi sĩ đã có thâm niên nhiều năm uống rượu, vừa quyết định cai rượu, chuyển sang uống bia, chia sẻ:
“Tao sợ muốn chết đây nè, nó bịnh quá trời luôn chứ sao. Rượu bây giờ nó nấu ma ma phật phật uống vào là chết. Còn mồi thì nó mua ba thứ xà bần ngoài chợ, đồ của heo của gà về nó xử lý nó bán. Đồ đó giá rẻ rề, nó mua về bán lời bà cố luôn. Bây giờ uống rượu vào thì chỉ có chết thôi, mình uống vào nó ủ bịnh đến khi già xuống thì nó đổ tùm lum tà la ra. Chết!”
Rượu bây giờ nó nấu ma ma phật phật uống vào là chết. Còn mồi thì nó mua ba thứ xà bần ngoài chợ, đồ của heo của gà về nó xử lý nó bán. Đồ đó giá rẻ rề, nó mua về bán lời bà cố luôn.
-Ông Phụng
Theo ông Phụng, hiện tại, khi bước vào quán nhậu, tốt nhất nên xác định cửa ra của quán nhậu là bệnh viện. Và khi bước vào bệnh viện vì sức khỏe kém do nhậu quá nhiều, cửa ra của bệnh viện cũng nên xác định là nhà tang lễ. Bởi một khi đã ngấm bệnh, ủ bệnh nan y thì có vào bệnh viện cũng sẽ không thoát được tử thần.
Hiện tại, sau khi tìm hiều qui trình nấu rượu của hầu hết các cơ sở sàn xuất rượu, ông Phụng tá hỏa khi biết rằng người nấu rượu tử tế hay không tử tế vẫn phải dùng men Trung Quốc để nấu. Bởi hiện tại, chiếm hết hơn 70% men rượu đều do Trung Quốc sản xuất. Men rượu Trung Quốc có giá rẻ chưa bằng nửa men rượu Việt Nam và cho ra rượu trong, nồng độ cao, sản lượng rượu cao hơn men Việt Nam từ 150% đến 200%.
Nghĩa là dùng men rượu Việt Nam cho ra một lít rượu thì men Trung Quốc sẽ cho ra một lít rưỡi đến hai lít rượu. Giải thích về việc nấu rượu tử tế hay không tử tế vẫn dính phải men Trung Quốc, ông Phụng cho biết là nếu như nấu rượu tử tế thì người ta sẽ nấu gạo thành cơm trước, sau đó ủ men và vài ngày sau thì nấu rượu. Trường hợp nấu không tử tế, người ta dùng loại men sống, vo gạo và trộn men, ủ vài ngày rồi nấu rượu.
Nấu rượu bằng men sống cho sản lượng rất cao và đa phần rượu trên thị trường đều nấu bằng men sống. Mức độ nguy hiểm của loại rượu nấu từ men Trung Quốc vẫn chưa được các cơ quan kiểm định y tế đưa ra thông số cụ thể nhưng chính những cái chết và căn bệnh nan y càng lúc càng xuất hiện dày đặc trong giới ăn nhậu đã cho ông Phụng một kết luận không tốt đẹp về thói quen nhậu rượu.
Ông Phụng nói thêm là hiện tại, với mức độ rượu ngoại đểu càng lúc càng nhiều, chiếm đến hơn 80% thị trường như lời một cựu quan chức ngành hải quan Hải Phòng chia sẻ thì nhà giàu hay nhà nghèo gì có thói quen ăn nhậu đều có thể bị chết vì bệnh như nhau.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment