Saturday, December 12, 2015

Trách ai khi “nhân tài như lá mùa thu”

THS TRƯƠNG KHẮC TRÀ 10/12/15 07:40

(GDVN) - Đã có nhiều lời trách móc thậm chí chỉ trích đội ngũ nhân tài mà trước hết là tầng lớp du học sinh đã “quên” quê hương ngay sau đi đặt chân đến xứ người.

LTS: Không phải đến bây giờ câu chuyện du học sinh ở hay về mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề này được hâm nóng khi Đà Nẵng khởi kiện nhân tài và một cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ở Cần Thơ tố trường đại học đối xử bất công với mình trên mạng xã hội.

Đặc biệt, trước đó, chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đưa ra tại Quốc hội ngày 2/11/2015. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về?

Giải đáp vấn đề này, Ths Trương Khắc Trà giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức xúc trong thu hút, sử dụng nhân tài.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Nhân tài là nguyên khí quốc gia, chân lý này đã có tuổi đời hàng trăm năm nhưng việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài như thế nào thì đến nay vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Nhân tài đất Việt vẫn lũ lượt ra đi mà không hẹn ngày trở lại, quá xót xa và nuối tiếc khi “máu” chất xám vẫn chưa ngừng tuôn chảy và một lần nữa vấn đề nóng bỏng này lại được đặt ra trên các mặt báo.

Đã có nhiều lời trách móc thậm chí chỉ trích đội ngũ nhân tài mà trước hết là tầng lớp du học sinh đã “quên” quê hương ngay sau đi đặt chân đến xứ người.

Nhưng mấy ai cảm thông được cái khó ẩn sâu trong câu chuyện chưa có hồi kết này khi chưa thật sự vỡ vạc ra câu nói thấm thía câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Trách ai khi “nhân tài như lá mùa thu” (Ảnh: news.zing.vn)
Hiện nay Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có du học sinh đông nhất tại Mỹ - nền giáo dục hàng đầu thế giới, nên chúng ta cần phải đặt câu hỏi rằng tại sao ta lại có đội ngũ du học sinh hùng hậu đến như vậy?

Có phải chỉ đơn giản vì người Việt thông minh, học giỏi!

Vấn đề ở đây là tại sao phải “du” mới học được? Để trả lời câu hỏi này lại là cả một câu chuyện loằng ngoằng mà ở đó người ta sẽ lại thấy bóng dáng của vấn đề mang tên “chất lượng giáo dục”.

Dư luận thường hay chĩa mũi dùi vào đội ngũ du học sinh một đi không trở lại nhưng ít khi tự hỏi rằng tại sao nhân tài phải ra đi. Bởi chất lượng đào tạo đại học Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu để tạo ra nhân tài đẳng cấp quốc tế. Đó là sự thật!
Vậy nên, không thể trách người mà không trách ta trước, các nước phát triển họ không có hoặc rất ít đội ngũ phải du học bởi vì nền giáo dục nước họ thừa sức chắp cánh cho nhân tài phát triển. Trong trường hợp này nhân tài ra đi là chính đáng, đầy đủ lý do thuyết phục.

Rào cản thứ hai khiến ta phải “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” đó là cơ chế, nhiều năm qua nhà nước đã tích cực đổi mới cơ chế thu hút nhân tài, đãi ngộ các nhà khoa học nhưng con số ấy chưa đủ trên mười đầu ngón tay, chưa thấm vào đâu so với hàng chục ngàn du học sinh và nhà khoa học Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Nhân tài nếu trở về họ sẽ làm việc ở đâu? Môi trường làm việc như thế nào để phát huy khả năng của họ?
Nếu vào biên chế nhà nước xuất phát điểm với tấm bằng đại học lương cứng chưa quá 3 triệu/tháng! Chưa kể phải vượt qua kỳ thi công chức vô cùng rối rắm nhiêu khê.

Khu vực tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, văn hóa doanh nghiệp ở ta luôn nặng tính vun vén gia đình chứ ít khi mạnh dạn giao cho người ngoài những vị trí quan trọng trong điều hành.

Môi trường làm việc “ngột ngạt”, lối tư duy “ai cho chú tài hơn anh”, thói đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau sẽ không có chỗ cho nhân tài có thể cống hiến. "Để thu hút người tài về làm việc, phải cụ thể bằng những chính sách.

Đừng nói những từ đẹp đẽ như “trải thảm đỏ đón nhân tài” mà không có chiều sâu..." là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online đăng ngày 04/11/2015).

Cách đây chưa lâu sự kiện một Thạc sỹ Vật lý tốt nghiệp tại Pháp trượt viên chức tại Hà Nội đã phần nào nói lên sự bất cập ấy.

Có lẽ chẳng ai tin chuyện Giáo sư Ngô Bảo Châu nếu về Việt Nam làm việc thì mức lương theo bậc, ngạch chưa đến…6 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó ở nước ngoài họ được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp đồng lương xứng đáng, luôn bảo đảm cho họ một cuộc sống đủ đầy để có thể chuyên tâm làm khoa học.

Hơn nữa, việc nhân tài một đi không trở lại chưa phải là…mất hẳn.
Bởi trong một thế giới phẳng thì sống ở Châu Âu hay Châu Á chẳng còn quá xa xôi, khác biệt, ở Mỹ hay Úc hoặc Nhật đều có thể cống hiến cho đất nước như nhiều nhà khoa học người Việt nổi danh thế giới vẫn thường xuyên về nước làm hội thảo khoa học và cố vấn chính sách.

Điều quan trọng là ở chữ “tâm” như Nguyễn Du viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” dù ở bất cứ đâu nếu có cái “tâm” vẫn có thể cống hiến cho đất nước. Rõ ràng trong trường hợp này là hoàn toàn có lợi chứ chưa phải mất hẳn nhân tài.

Để bài toán nhân tài được giải quyết tận gốc, không còn cách nào khác ngoài việc nhanh chóng đổi mới giáo dục đại học, khi có được những trường đại học đẳng cấp thế giới thì nhân tài chẳng phải tốn công khăn gói ra nước ngoài học tập.

Song song với đó cần “cởi trói” cơ chế và hiện thực hóa việc “trải thảm đỏ” là như thế nào chứ không phải là một uyển ngữ chỉ mang tính chất tô vẽ.

Một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đủ sức trở thành nơi hội tụ của giới tinh hoa, một cơ chế thông thoáng, dân chủ thực sự trong công việc…ắt sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Rõ ràng không thể trách được nhân tài ra đi không trở về khi chính đất nước mình không có đủ điều kiện cho nhân tài phát triển, trở về sẽ thui chột, ở lại để phát triển chúng ta chọn cái nào? Đừng để “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”.

No comments:

Post a Comment