Theo Người Việt-12-11-2015 7:16:22 PM
Ngô Nhân Dụng
Nhà báo Trần Quang Thành mới đưa lên mạng Danlambao những hình ảnh người Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, ở Canada, ở Ðức. Nhưng đặc biệt nhất là quang cảnh những cuộc biểu tình tuần hành tại Hà Nội trong ba ngày, ngày 3, 4 và 10 tháng 12 năm 2015.
Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra tại công viên dựng tượng đài Lý Thái Tổ nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm đã bị công an đàn áp. Sáng hôm sau ngày 4 tháng 12, đồng bào quay trở lại tụ tập trước cửa “trụ sở tiếp dân” của đảng Cộng Sản ở ngôi nhà số 1 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Ðông, Hà Nội. Tới ngày 10 tháng 12, đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, hàng trăm đồng bào lại mở một cuộc biểu tình bắt đầu từ trụ sở trên để biến thành một cuộc tuần hành qua các đường phố Quang Trung, Nguyễn Trãi dài hàng cây số.
Nhà báo tự do tị nạn Cộng Sản Trần Quang Thành đang sống tại nước Slovakia đã khéo trình bày các bức hình do chính các người đi biểu tình chụp cho thấy cả rừng biểu ngữ chen lẫn với những khuôn mặt các cụ già với cả các thiếu niên, phần lớn là các ông bà lớp tuổi trung niên.
Trong những đoàn hàng trăm người biểu tình, hầu như ai cũng cầm biểu ngữ, hoặc mỗi người một biểu ngữ nhỏ hoặc hai ba người mang một biểu ngữ lớn. Các biểu ngữ nhỏ dùng giấy bìa màu trắng chữ đỏ, biểu ngữ lớn dùng vải màu vàng chữ đỏ hoặc ngược lại vải đỏ chữ vàng, nét chữ viết rõ ràng có thể đọc được trong các bức hình, cho thấy các cuộc biểu tình này đã được chuẩn bị trước “rất kỹ.” Không những thế, mặc dù công an đã cướp mất nhiều biểu ngữ trong ngày 3 tháng 12 tại Bờ Hồ nhưng ngay hôm sau một số biểu ngữ cũ vẫn xuất hiện trở lại trên phố Ngô Thì Nhiệm. Ðiều này chứng tỏ những người tổ chức các cuộc biểu dương này phải được một phe cánh trong đảng cộng sản ngầm hỗ trợ. Nhưng không phải vì thế mà các cuộc tập họp quần chúng này không diễn tả đúng ý chí của người dân Việt Nam hiện nay.
Cả ba cuộc biểu tình được giới thiệu là quy tụ “Dân Oan Ba Miền” đấu tranh đòi nhà cầm quyền Cộng Sản phải trả lại quyền tư hữu đất đai tài sản của người dân. Nhưng đọc trên những biểu ngữ người ta thấy mục tiêu tranh đấu rộng hơn nhiều.
Những người biểu tình đã nhân danh các “Dân Oan” đòi nhà, ruộng, đất đai bị cướp là việc làm chính đáng để được mọi người hiểu và ủng hộ. Cho nên có những biểu ngữ nêu đích danh như “Tố cáo Lê Văn Nghĩa P chủ tịch Tiền Giang...” Một biểu ngữ khác viết “tố cáo chủ tịch Tây Ninh...” Trên nhiều biểu ngữ còn thấy nêu tên các tỉnh khác như trên một biểu ngữ là “Dân Oan Ðồng Nai,” hoặc Long An, Hải Dương, Thanh Hóa. Trên một bức hình thấy được một phần, có nêu tên “...Nguyễn Văn Ðẹn, Nguyễn Tấn Phước,... năm 2008... tỉnh Tiền Giang...”
Biểu ngữ đầy đủ nhất viết trên một tấm vải rộng: “Dân oan ba miền đấu tranh đòi nhà cầm quyền cộng sản phải trả lại quyền tư hữu đất đai tài sản của người dân.” Một tấm vải viết ngắn gọn hơn: “Trả quyền tư hữu đất đai cho dân!” Và một lời kêu cứu khác còn kêu gọi “Ðảng ơi! Cứu chúng tôi dân bị phá nhà cướp tài sản!” (Các dấu than do người tường thuật viết thêm). Với những lời lẽ đó chúng ta có thể nghĩ các người biểu tình vẫn không muốn đụng tới đảng Cộng Sản. Nhưng lại xuất hiện nhiều biểu ngữ khiến người ngoài thấy dân chúng đã dám tấn công thẳng vào đảng Cộng Sản!
Một tấm biểu ngữ viết: “Phản đối cộng sản cường quyền dùng bạo lực đàn áp khủng bố người dân.” Có người diễn tả một cách giản dị hơn: “Tôi không thích ÐCSVN!” Một tấm khác cho thấy đối với dân chúng chế độ Cộng Sản và chế độ công an là một, viết rõ ràng: “Còn đảng Cộng Sản, còn công an trị, dân ta còn mất quyền làm người.” Ðây là một trên các biểu ngữ trong các bức hình nhắc đến quyền làm người, khi các cuộc biểu tình nhằm đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Tiếp theo là những khẩu hiệu đòi, “Trả lại quyền Tự do ngôn luận, Tự do báo chí, Tự do lập hội, Tự do tín ngưỡng cho người dân.”
Biểu ngữ viết “Còn đảng cộng sản, còn công an trị,...” là một câu trả lời cho khẩu hiệu của công an cộng sản viết rằng: “Ðảng còn thì mình còn!” Dân Việt Nam đã vạch rõ cái này còn và cái kia còn đều là tai họa cho người dân! Phần lớn các khẩu hiệu nêu ra đều nhắm thẳng vào chế độ đàn áp, phi nhân của công an mà những người biểu tình chính là các nạn nhân. Nhiều người biểu tình mang biểu ngữ: “Ðả đảo công an tra tấn, đánh đập, bức cung người dân vô tội;” hay “Bắt người vô tội để cướp đất là một tội ác.” Ông Trần Văn Sang, từ xã Dương Nội đã bị công an đánh gẫy chân trong nhà tù, ông bị bắt sau khi biểu tình dân oan đòi đất. Lần này ông ngồi trên xe lăn, với chiếc nạng chống bên cạnh, tham gia đoàn tuần hành mang tấm biểu ngữ viết: “Ðả đảo công an đánh Trần Văn Sang tàn phế.” Trong ngày 10 tháng 12, có người còn hiên ngang hô to khẩu hiệu “Ðả đảo đảng cộng sản.”
Ngoài anh Trần Văn Sang, rất nhiều người đã tham dự biểu tình để lên tiếng về những tai họa cho chính họ và gia đình họ do chế độ Cộng Sản gây ra. Trong cuộc tuần hành hình ảnh một em bé gái nổi bật với tấm áo đỏ viết hàng chữ tự giới thiệu: “Cháu Ðoàn Trương Anh Thư” với câu “Tuổi thơ của con bị bọn tham nhũng cướp mất!” Ðông đảo và bền chí nhất chắc là gia đình bà người bị tuyên án tử hình sau những phiên tòa xử không đúng luật. Họ mang các biểu ngữ đòi “Trả tự do cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải.” Những vụ “án oan” này đã sôi nổi trong dư luận suốt nhiều năm nhưng chế độ tư pháp của đảng Cộng Sản vẫn chưa nhận tội! Các hình ảnh được đưa ra nhiều lần cho thấy những nét đăm chiêu nhưng cương quyết của gia đình các nạn nhân. Trước các khuôn mặt buồn rầu của những người mẹ già, những bà vợ và các đứa con là các tấm bảng viết “Trả tự do con tôi!” “Trả tự do bố tôi!” “Trả tự do em tôi! Vân vân.
Những hình ảnh cuộc biểu tình và diễn hành do các nhà nhiếp ảnh Trịnh Bá Phương, Nguyễn Huy Tuấn và cô Trương Thanh Quang ở Tiền Giang đưa lên mạng, được nhà báo Trần Quang Thành biên tập thành những bản tin, kèm theo điệu hát bài “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi.”
Trong cùng thời gian qua, trên mạng còn xuất hiện một đoạn video cho thấy cuộc biểu tình của giới tiểu thương Huế ở chợ Ðầu Mối Bãi Dâu vào ngày 1 tháng 12 năm 2015. Ðó là ngày hết hạn ghi danh để đổi sang khu chợ mới nhưng hàng trăm tiểu thương vẫn phản đối quyết liệt và không chịu dời chợ cũ.
Truyền thông trên mạng là một phương tiện phổ biến nhanh chóng và đầy đủ, có thể khích động các cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ của người dân các nước bị độc tài đàn áp. Ba cuộc biểu tình nhắm những mục tiêu khác nhau diễn ra liên tiếp tại Hà Nội khiến người ta nghi ngờ đằng sau có những cuộc tranh chấp phe phái của giới cầm quyền Cộng Sản, trước khi họ họp đại hội đảng vào năm tới. Trong số các biểu ngữ có nhắc đến một tên tuổi duy nhất, trong lời kêu gọi gửi cho Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta cũng không thể biết Nguyễn Tấn Dũng chủ mưu gây ra những cuộc biểu tình này, hay những phe chống Nguyễn Tấn Dũng mới đứng đằng sau xúi giục để làm hại Dũng!
Dù ai đứng đằng sau thì khi được dịp đi biểu tình phản kháng chế độ Cộng Sản đàn áp cướp tài sản dân lành, đánh, giết người vô tội, là các đồng bào của chúng ta đều sẵn sàng tham gia! Cần phải khuyến khích nhiều cuộc biểu tình như vậy, ở khắp nơi, dù do bất cứ ai trong đảng Cộng Sản muốn dùng thủ đoạn đó trong cuộc tranh giành quyền lợi lẫn nhau! Nếu các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện dám thi hành thủ đoạn này thì những người “dân oan” cũng sẵn sàng tham dự để dùng gậy ông đập lưng ông! Những biểu ngữ “Ðả đảo công an - Ðả đảo đảng cộng sản” càng được trưng lên ở nhiều nơi, càng nhiều lần, thì ngày dân ta được hưởng dân chủ tự do càng đến gần hơn!
No comments:
Post a Comment