Saturday, December 12, 2015

Sông Sài Gòn bị 'bức tử' từng ngày, dân kêu trời vì mùi hôi

 Oanh Nguyên-20:52 12/12/2015

Nghe phóng viên hỏi về tình trạng ô nhiễm của sông Sài Gòn, ngư dân Nguyễn Thanh Triều như được cởi bỏ nỗi niềm nên buông mớ tôm cá đang đánh lưới rồi dùng ghe đưa chúng tôi đến khu vực nước sông đang bị ô nhiễm để mọi người được "mục sở thị".
Dòng sông "xanh"
Không khó để nhận thấy những màu sắc khác biệt của khúc sông này bởi chúng như bị đổ phẩm màu, bốc mùi hôi thối, tanh bẩn.
Những màu sắc vốn dĩ bất thường nay đã trở thành quen thuộc với những người chài lưới tại đây bởi nó chính là hình ảnh hiện hữu của mặt sông Sài Gòn ở khu vực thượng nguồn. Đó là đoạn từ chân cầu Sài Gòn thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản (Bình Phước) đến bến đò Cây Khế, huyện Tân Châu (Tây Ninh).
Nước thải chảy ngày đêm ra Sông Sài Gòn khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Nước sông Sài Gòn ô nhiễm nặng.
Dòng sông ngập ngụa trong váng xanh khiến chúng tôi có cảm giác như mặt sông bị "ngộp thở" bởi màu xanh này đang ngày một đậm đặc hơn.
Đưa tay sục vào lớp bùn nay đã chuyển sang xanh, anh Triều bức xúc nói: "Người dân sống bằng nghề chài lười quanh năm lênh đênh trên mặt sông, mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ đều nhờ vào nguồn nước này.
Bây giờ, nó chuyển màu xanh như vậy, mình nhìn thấy ghê nhưng đâu còn cách nào khác ngoài việc phải nhắm mắt mà xài. Lần nào tắm xong cũng bị ngứa, tay chân nổi mụn như nổi mề đay".
Nước sông bị ô nhiễm khiến cuộc sống của hàng trăm ngư dân dọc sông Sài Gòn đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Mọi sinh hoạt thường ngày đều phải sử dụng và tiếp xúc trực tiếp với nước sông này là mối đe dọa đến sức khỏe và tất nhiên bệnh tật là điều không thể tránh khỏi.
Bà Nguyễn Thị Anh, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản lo lắng: "Đây còn là lúc mấy nhà máy chưa xả thải, nó xả xuống còn đen nữa, mùi hôi bốc lên chịu không nổi. Thỉnh thoảng tôi đi xin nước của người ta về nấu nướng. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, người ta tắm rửa cho sạch còn ở đây tắm xong thấy dơ thêm, ngứa ngáy thêm”.
Nước thải xả trực tiếp ra sông
Men theo dọc sông Sài Gòn, chúng tôi đã được chứng kiến dòng sông bị "nhuộm màu" như thế nào. Ba đường ống xả thải có kích thước D200 đang ngày đêm trực tiếp đổ chất thải xuống lòng sông bất chấp việc dòng sông đang kêu cứu.
Những ống xả thải này được giấu kín trong các bụi tre dọc sông.
Những ống xả thải được giấu kín trong các bụi tre ven sông.
Mùa nắng, để tránh bị phát hiện, những ống xả thải này được giấu kín trong các bụi tre dọc sông. Còn mùa mưa, lợi dụng nước lớn, chất thải được xả ào ạt ra sông một cách vô tội vạ. Đó là ống xả thải của Công ty chăn nuôi heo Việt Phước - doanh nghiệp Đài Loan ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, cách chân cầu Sài Gòn chỉ vài trăm mét.
Không chỉ có nhà máy chăn nuôi trên mà nhiều nhà máy chế biến mủ cao su khác đóng chân ở dọc bờ sông Sài Gòn cũng đang từng ngày bức tử dòng sông này.
Anh Lê Văn Mo, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản vừa đưa tay bịt mũi vừa nói với chúng tôi: "Mùa nắng này mình còn thấy ống chứ mùa mưa nước lên là không thấy được, lúc đó chỉ thấy nước có màu khác thường và bốc mùi hôi là mình biết mấy công ty đang xả thải ra đây. Mấy năm nay cá tôm ngày càng ít đi. Mình đứng cạnh đây mình còn chịu không nổi thì làm sao cá tôm nào sống được”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi về địa phương hoạt động, Công ty Việt Phước đã cam kết với chính quyền sở tại là sẽ đảm bảo vấn đề về môi trường. Công ty này cũng được UBND tỉnh Bình Phước đánh giá tác động môi trường theo quy chuẩn của Bộ Tài Nguyên môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công ty này không biết đã vô tình hay cố ý quên đi quy chuẩn.
Ông Nguyễn Song Đoàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, quy mô của Công ty Việt Phước nay đã lên đến 27.000 con heo. Do đó, trong quá trình làm việc, vận hành của công ty có thể do lượng nước thải quá lớn dẫn đến việc xử lý nước thải chưa đạt theo quy chuẩn 40 - quy chuẩn xả thải của UBND tỉnh áp dụng cho các công ty chăn nuôi trên địa bàn về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mặc dù Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Phước đã nhiều lần tiến hành xử phạt đối với công ty nói trên nhưng có thể thấy, dường như những hình thức xử phạt vẫn chưa đủ tính chất răn đe. Vì vậy, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường và qua mặt các cơ quan chức năng.
Mọi sinh hoạt tắm rửa giặt giũ đều nhờ vào nguồn nước này.
Mọi sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ đều nhờ vào nguồn nước này.

Thượng nguồn sông Sài Gòn đổ vào lòng hồ Dầu Tiếng. Công trình thủy lợi nhân tạo lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha nông nghiệp của các địa phương thuộc các tỉnh Tây Ninh, TP HCM, mà còn cung cấp nước cho các nhà máy lọc nước ở Bình Dương và TP HCM. Nơi đây cũng là môi trường sinh sống của nguồn thủy hải sản thu hút hàng ngàn ngư dân địa phương và các nơi khác đến mưu sinh lập nghiệp.
Vì vậy, việc khu vực thượng nguồn bị ô nhiễm nghiêm trọng đồng nghĩa với vấn đề an sinh của người dân địa phương nói riêng và nguy cơ hủy hoại môi trường nước tự nhiên của toàn khu vực là rất lớn nếu như cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để.
Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Phước đã tiếp tục xử phạt Công ty chăn nuôi Việt Phước số tiền 300 triệu đồng và yêu cầu công ty khắc phục cũng như xử lý quy trình xả thải trước khi xả ra môi trường.
Theo đó, Công ty Việt Phước đang tiến hành lập quy hoạch cải tạo hệ thống xử lý nước thải và Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ giám sát việc thực hiện các nội dung cải tạo này. Sau đó, cơ quan chức năng phân tích kết quả xả thải đạt quy chuẩn thì mới cho doanh nghiệp này xả thải ra môi trường.
Theo Công an TP HCM

No comments:

Post a Comment