Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-11-11
Ảnh minh họa File photo
Trà sữa trân châu là thức uống mà giới trẻ, đặc biệt lứa tuổi học trò rất thích loại thức uống này. Tên trà sữa trân châu bắt nguồn từ cách gọi một loại trà sữa có nhiều hạt thạch trái cây của Trung Quốc và loại trà này có mặt tại Việt Nam từ những năm 2005, đầu tiên ở thành phố Hà Nội, sau đó lan dần trên cả nước. Nguồn cung cấp hương trà sữa cũng như nguyên liệu pha loại thức uống này chủ yếu do Trung Quốc sản xuất. Trong thời gian gần đây, trà sữa trân châu có nguồn sản xuất bất minh đang hoành hành trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là lô hàng làm từ lốp xe phế thải và giày dép đang làm người tiêu dùng hoang mang.
Xi rô và thạch Trung Quốc
Một người bán trà sữa tên Nguyệt, hiện sống tại quận 4, thành phố Sài Gòn, chia sẻ: “Em đâu có biết nó giả đâu, từ nào đến giờ nó bán mình mua về bán chứ đâu có biết đâu. Cái hãng nó nằm ở dưới Sài Gòn. Em chủ yếu mua thạch Ái Liên thôi. Bây giờ nhiều nhãn lắm. Nó bán rẻ lắm nhưng em không dám mua...”.
Theo bà Nguyệt, là người bán trà sữa ngót nghét mười năm nay, bà không thể biết được nguồn gốc các chai xi rô và thạch này do ai sản xuất. Bởi vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất các loại xi rô và thạch nhưng cùng một nhãn mà có nhiều giá khác nhau. Ví dụ như nhãn thạch A, B, C nào đó có cùng địa chỉ nhà sản xuất nhưng khi ra chợ trời mua thì giá thành chỉ rẻ bằng nửa so với mua tại các quầy tạp hóa trong thành phố.
Và các loại xi rô cũng vậy, giá của cùng một nhãn hiệu nhưng khác nhau rất xa khi mua giữa chợ trời và mua ở các cửa hàng tạp hóa. Thường thì người ta chọn mua ở các chợ như chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, chợ Kim Biên. Nhưng theo bà Nguyệt thì chủ yếu là ở chợ Kim Biên vì giá thành nơi này rẻ hơn rất nhiều so với các chợ khác. Bất kì thứ hương liệu gì cũng có ở đây, từ hương liệu để làm bia giả cho đến hương liệu làm bánh trung thu, làm nước trái cây, làm thạch dừa, làm xi rô… Đều có mặt ở chợ này.
Nhưng thường thì bà Nguyệt mua các loại xi rô và thạch ở chợ Bến Thành, bởi theo bà, hương liệu, nguyên liệu ở chợ Bến Thành tuy đắt hơn các chợ kia một chút nhưng đảm bảo sạch sẽ, ít cặn bã và không bị kết tủa nếu khui ra để lâu ngày. Ngược lại, hương liệu ở các chợ vừa nói có giá rất rẻ nhưng không đảm bảo để lâu ngày được. Hơn nữa, thời gian gần đây bà nghe tin người ta làm thạch trà sữa trân châu từ lốp xe và dép cao su bỏ. Điều này khiến bà rất ái ngại khi đi đến những chợ mà họ có thể giả bất kì món hàng nào.
Riêng chợ Kim Biên, bà Nguyệt cho rằng kĩ thuật làm giả ở chợ này có thể biến bất kì thứ gì thành thức ăn mà khách hàng không tài nào nhận ra được, thậm chí có mùi vị còn thơm ngọt hơn cả hàng thật. Có lần, bà nghe nói thạch dừa có thể làm bằng cao su dép đứt tẩy trắng bằng hóa chất và tẩm đường hóa học, sau đó qua một số bí quyết nhà nghề, người ta có thể cho ra những hủ thạch dừa ngon ngọt, thơm và trắng tinh. Thạch dừa là thứ không thể thiếu trong trà sữa trân châu.
Bà Nguyệt nghĩ rằng nếu bằng cao su thì đốt lên sẽ cháy và tạo mùi khét chứ không thể nào tạo ra mùi của dừa cháy giống như thạch dừa, nhưng khi lấy mất miếng thạch mưa ở chợ Kim Biên ra đốt thì bà thấy có mùi cao su cháy, cháy xong cho ra một cục than đen, vón lại giống y hệt mẫu dép cao su bị cháy. Điều này làm bà Nguyệt rất lo ngại và đổ sạch các hủ thạch, các chai xi rô mua về từ chợ Kim Biên.
Bởi theo bà Nguyệt tìm hiểu thì ở Trung Quốc có thứ gì mới, có thứ gì được gọi là sáng tạo thì chợ Kim Biên cũng có thứ đó. Nghĩa là giữa chợ Kim Biên và các chợ chuyên bán hàng đểu ở Vân Nam, Trung Quốc có một mối liên hệ rất chặt chẽ. Bất kì thứ gì, kể cả những món hàng đểu có thể nguy hại đến tính mạng nhưng cho lợi nhuận cao, nếu có ở các chợ Vân Nam thì chừng nửa tháng sau, chúng cũng có mặt ở chợ Kim Biên và chợ Bà Chiểu, chợ Bình Tây…
Kính thưa các loại hương
Một phụ huynh học sinh, đồng thời cũng là nhà buôn bán lẻ tên Thắng ở quận Tân Bình, Sài Gòn, tỏ ra lo lắng: “Bây giờ thì có cái gì nó cũng giả được hết á. Nó giả dữ dội lắm. Con nít bị nặng nhất. Cha mẹ cho mười lăm hai chục ngàn để ăn sáng thì nó cất bớt năm ngàn, mười ngàn để ăn thạch dừa, uống trà sữa, đụng ngay hàng đểu thì chỉ có chết. Thị trường bây giờ đầy hàng giả, bên quản lý thị trường đầy ra đó nhưng nó có lo gì cho dân. Chỉ cần nhét cho mấy ông thị trường một cái phong bì thì mấy ổng lo mà im miệng để người ta làm giả. Mấy ổng có lo gì cho sức khỏe của dân đâu, họ chỉ biết phong bì thôi…”.
Theo ông Thắng, các loại hương liệu có mặt và trôi nổi ở thành phố Sài Gòn hiện tại có thể nói rằng hơn 99% là hàng nhái, hàng đểu, không thể nói khác đi được. Ngay ở các siêu thị, vẫn có hàng sử dụng hương liệu nhái lọt vào. Bởi hàng nhái có chi phí sản xuất rất thấp nhưng lại cho ra khoản lợi nhuận rất cao. Đặc biệt, các loại hương liệu trong chế biến cà phê, trà sữa thì miễn bàn, hy vọng là các nhà hàng, khách sạn lớn và các quán cà phê có tên tuổi trên thế giới mới có thể tránh được dùng hương liệu giả khi sang đến Việt Nam.
Ông Thắng đưa ra một ví dụ, các loại cà phê bột trôi nổi trên thị trường, từ các quán cóc cho đến các quán tương đối lớn tại Sài Gòn đều có nguồn gốc hàng đểu. Muốn có lãi khi cạnh tranh giá với nhau để hút khách, người ta buộc phải dùng những loại bột cà phê xay từ bắp, đậu nành, cơm nguội phơi khô và chấy, đậu hủ bán ế người ta xử lý cho khô và để một thời gian rồi rang giòn… Tất cả những thứ ấy khi xay ra, chấm thêm vài giọt tinh hương cà phê thì cho ra loại cà phê bột thơm sực nức, cuốn hút vô cùng…
Người lớn uống cà phê thì bị cà phê giả, trẻ em uống trà sữa thì bị thạch giả từ cao su, lốp xe, dép đứt… Hương liệu xi rô đều giả, từ hương sầu riêng, hương chanh, hương cam, hương táo, hương mãng cầu, hương dâu, hương chuối, hương kiwi… Kính thưa các loại hương đều có thể làm giả từ những hóa chất chế nước rửa chén. Nếu người tiêu dùng chịu khó ngửi thật kĩ, mùi hương của các loại xi rô gần với mùi hương nước rửa chén, nước chùi nhà hơn là mùi hương thật.
Ông Thắng nói rằng muốn chiết xuất một lượng mùi hương nào đó từ trái cây, người ta phải tốn rất nhiều công phu cùng với nhiên liệu, đương nhiên khi ra sản phẩm, hương liệu phải đắt gấp ba, gấp bốn lần so với giá của trái cây đó trên thị trường. Đằng này, người ta có thể mua một chai xi rô dâu với giá mười ngàn đồng, hai chục ngàn đồng, ba chục ngàn đồng, giá chưa bằng mợt phần tư so với nguyên liệu gốc. Thử hỏi, người ta làm xi rô đó từ thứ gì?
Khi mà mọi thứ đều có thể giả, mọi thứ đều đạp lên lương tâm để lấy tiền, tương lai của chúng ta cũng sẽ là một tương lai giả, một tương lai làm từ những thứ phế thải của kẻ khác. Và đây mới là vấn đề đáng nói.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment