Wednesday, November 11, 2015

Cuộc bầu cử tự do tại Miến Điện - Một thách thức cho Đại Hội Đảng CSVN

Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Cộng hòa Liên bang Miến Điện (51 triệu dân), một quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành một cuộc bầu cử tự do vào ngày 08.11.2015 đã tạo được sự chú ý của thế giới. Hầu hết các quốc gia dân chủ tây phương đều khen ngợi những nỗ lực của chính quyền, các chính đảng và các Hiệp hội công dân ở Miến Điện đã đặt quyền lợi đất nước trên quyền lợi đảng phái khi hợp tác thực hiện bầu cử mở đầu cho kỷ nguyên xây dựng một nước Miến Điện dân chủ.

Giới trẻ hỗ trợ đối lập thắng cử

Cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong nhiều thập niên qua đã diễn ra trên cả nước trong bầu không khí tưng bừng. Gần 30 triệu cử tri hân hoan đi bỏ phiếu để bâu 1100 đại biểu cho Quốc Hội và các Nghị viện địa phương... Thành viên của 91 chính đảng và các đoàn thể tham gia ứng cử... Nhưng kết quả bầu Quốc hội (Lưỡng viện) được xem có ý nghĩa chính trị quan trọng nhất. Thượng viện và Hạ viện có tổng số 664 ghế, trong đó, ¼ ghế được dành cho quân đội.

Ngày 9-11, Myanmar qua nhiều cuộc kiểm phiếu cho thấy Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy -NLD) của bà Aung San Suu Kyi, người mang giải Nobel hòa bình chiếm nhiều ghế nhất trong lưỡng viện và Liên minh Đoàn kết phát triển (Union Solidaity and Development Party -USDP) đã nắm quyền từ năm 2011 đã nhìn nhận thất bại. Tổng thống hiện tại Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã lên tiếng chấp nhận "Ý dân" thể hiện qua kết quả bầu cử.

Giới quân nhân đã cai trị Miến Điện gần 50 năm (1962-2011). Đảng của bà Suu Kyi đã thắng trong cuộc bầu cử 1990 nhưng quân đội không công nhận kết quả bâu cử và bà bị quản thúc tại gia 20 năm. 

Lưỡng viện sẽ bầu Tổng thống vào tháng 2- 2016 và nhiệm kỳ bắt đầu ngày 30.03.2016. Dân chúng lo ngại bà Suu Kyi khó trở thành Tổng thống vì hiến pháp Myanmar cấm bất cứ ai có con với nước ngoài giữ chức vụ này. Hai con trai của bà với người chồng quá cố đều là người Anh. Dầu vậy Bà Suu Kyi (70 tuổi) cho biết Liên đoàn NLD sẽ có ứng cử viên Tổng thống.

Hy vọng và những trở ngại

Một nước Miến Điện giàu có tài nguyên, có vị trí chiến lược thuận lợi giữa Trung Cộng, Ấn Độ và Đông Nam Á đã bị độc tài kìm hãm phát triển hàng chục năm, nay cuộc bầu cử tự do đã khởi sự đưa đất nước vào con đường dân chủ và mang đến nhiều hy vọng cho nhân dân Miến Điện trong tương lai.

Triển vọng phát triển đất nước được các chuyên gia kinh tế ngoại quốc đánh giá rất khả quan... Trong vòng 15 năm tới, Miến Điện cần 650 tỉ USD để đầu tư trong nhiều lãnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở (đường xá, hải cảng, điện nước...) Đến năm 2030 Miến Điện sẽ đạt tổng sản lương nội địa hằng năm 200 tỉ USD và tạo thêm 10 triệu chỗ làm. Cách đây 4 năm cựu tướng Thein Sein giữ chức Tổng thống đã mạnh dạn cải cách chính trị và kinh tế. Đầu tư ngoại quốc tăng trong khi mức đầu tư của Trung cộng và Hương Cảng trước chiếm hơn 2/3 nay đã giảm xuống còn 15%. Nhật bản đầu tư xây dựng khu công nghiệp Thilawa gần Rangun tạo hơn 12000 việc làm. Giới chuyên gia kinh tế phỏng định tiến trình hòa giải dân tộc và dân chủ hóa đất nước sẽ tạo thêm sức mạnh cho nền kinh tế Miến Điện có khả năng đạt tăng trưởng 8% mỗi năm và kéo dài 30 năm góp phần giảm thiểu mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân.

Bà Suu Kyi và cử tri trong cuộc bầu cử tự do

Miến Điện - Bài học cho Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)

Cuộc bầu cử dân chủ và tự do với sự tham dự của nhiều chính đảng diễn ra ôn hòa ở Miến Điện đã minh chứng lý luận dân chủ đa đảng tạo ra hỗn loạn chỉ là ngụy biện của ĐCSVN nhằm duy trì chế độ độc tài, độc đảng. Một quốc gia chỉ có một đảng là quốc gia độc tài. Các quốc gia đa đảng dù chưa kiện toàn thể chế dân chủ, và còn có nhiều xáo trộn chính trị như Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương... nhưng vẫn là các quốc gia có mức phát triển kinh tế cao hơn các quốc gia độc đảng như Triều Tiên, Việt Nam, Lào…

Hiện nay Việt Nam và Lào là hai quốc gia còn kiên trì chủ trương thực hiện xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa dưới chế độ độc đảng và cũng là hai quốc gia nghèo nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.(ASEAN)

Mức thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD chỉ bằng 3/5 của Nam Dương, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Mã Lai Á, và 1/27 của Tân Gia Ba.

Về mặt tệ trạng xã hội: Tham nhũng, kinh tế bè nhóm lợi ích, gia tộc lãng phí của công… thì Việt Nam vượt trội các quốc gia trong vùng.

40 năm dưới chế độ Cộng sản độc đảng - Việt Nam đã không phát triển, thậm chí còn tụt hậu

Những phát biểu hứa hẹn "đổi mới", "nhân dân làm chủ"... mà lãnh đạo đảng và các cơ quan thông tin, báo chí của đảng ra rả đã làm người dân chán ghét.

Quần chúng không còn quan tâm đến những quyết định liên quan đến sự tồn vong của đảng hay những thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng.

Nhân dân cả nước hiện đang trông đợi ở một sự cải cách thực sự sâu rộng về mọi mặt có khả năng hồi sinh tự do, dân chủ và phục hưng đất nước.

Trước đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến triệu tập vào năm 2016, giới lãnh đạo đảng hãy can đảm nêu ra những trở lực chính kìm hãm sự đoàn kết và sức mạnh của quốc gia: Chủ nghĩa xã hội, chế độ độc đảng, sự tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân.

Đã đến lúc phải có những quyết định mang tính chất lịch sử:

- Dứt khoát gạch bỏ cụm từ "Chủ nghĩa xã hội ra khỏi Hiến pháp. Đảng không thể áp đặt Việt Nam mãi chấp nhận một chủ nghĩa lỗi thời và viễn vông.

- Chuyển hóa chế độ độc đảng phi dân chủ qua chế độ đa đảng dân chủ thực hiện nguyên tắc tam quyền phân lập, nhà nước dân chủ pháp trị và nền kinh tế thi trường thật sự...

- Trả lại quyền làm chủ cho nhân dân thể hiện qua bầu cử tự do chọn người lãnh đạo. Chỉ nhân dân là người chủ duy nhất có quyền giao quyền và chia quyền lãnh đạo chứ không phải ĐCSVN.

- Chấp nhận quyền tư do tư tưởng, quyền đối lập chính trị, quyền tự do báo chí và quyền tự do lập hội.

Đại hội 12 sắp đến sẽ là cô hội lịch sử cho ĐCSVN dẹp bỏ chủ nghĩa xã hội Mác-Lênin ra khỏi hiến pháp, kết thúc chế độ một đảng toàn trị tệ hại bao che cho tham nhũng và bất công cũng như cản trở sự nghiệp canh tân đất nước.

11/11/2015


No comments:

Post a Comment