VietTuSaiGon —11/11/2015 - 16:54
Cùng một diễn ngôn, nhưng trong bối cảnh này, nó mang ý nghĩa tốt, trong bối cảnh khác, nó mang ý nghĩa ngược lại. “Hãy cách ly người giàu ra khỏi người nghèo” hoặc “Hãy cách ly người nghèo ra khỏi người giàu”. Những câu đại khái như vậy, nếu xuất hiện ở những nước tiến bộ, nó không hẳn là xấu. Bởi trọng tâm của nó không đặt duy nhất ở người giàu mà có thể đặt vào người nghèo. Bởi trong một xã hội văn minh, tiến bộ, đương nhiên, chẳng ai muốn để cho mặc cảm xã hội phải đè lên một ai đó, một bộ phận nào đó… Để người nghèo sống chung với người giàu, vô hình trung tạo ra rất nhiều cái khó cho cả người nghèo và người giàu và người nghèo luôn được bảo vệ bằng cách không để họ phải sống chung với người giàu.
Nhưng đó là câu chuyện của những quốc gia có dân chủ, tiến bộ và tính nhân đạo. Cũng câu nói này, đặt ở bối cảnh Việt Nam, mọi sự sẽ đảo ngược. Câu nói của ông Nguyễn Văn Đực: “Hãy cách ly người nghèo ra khỏi người giàu” trong mấy ngày gần đây làm dấy lên sự bất bình của cư dân mạng. Ngay cả những người cả năm mới tiếp xúc internet đôi lần cũng thấy khó chịu, thậm chí họ cho rằng đó là câu nói vô văn hóa.
Vấn đề để bàn luận ở đây là phản ứng của người nghe có đúng không? Và nói ông Đực vô văn hóa đúng hay sai? Rất tiếc, có một câu trả lời không mong ông Đực đọc tới, đó là: Người dân nói đúng và cư dân mạng đã phản ứng đúng, họ nói ông Đực vô văn hóa là không sai. Vì sao?
Vì lẽ: Khi nói rằng phải tách người giàu ra khỏi người nghèo hoặc tách người nghèo ra khỏi người giàu, có hai vấn đề cần được đặt ra đầu tiên, đó là: Nguồn thặng dư để làm giàu của người giàu và vì sao người ta nghèo? Ở hai câu hỏi này, các nước tư bản tiến bộ có câu trả lời khá tường minh, đó là nguồn thặng dư của người giàu là do mồ hôi, nước mắt và trí não của họ bỏ ra cống hiến cho chính bản thân họ và xã hội của họ. Một kẻ lười biếng làm việc và lười biếng suy nghĩ sẽ không bao giờ trở thành người giàu trong xã hội tư bản.
Và trong xã hội nào cũng vậy, cái nghèo thì có một triệu lẻ một nguyên nhân, có thể người ta từng là giới nhà giàu, thượng lưu nhưng vì một lý do nào đó họ bị phá sản hoặc cũng có thể họ bị tàn tật, hoặc không tàn tật nhưng thiếu những điều kiện rất cơ bản để giàu, đó là thiếu tri thức, thiếu sức khỏe và thiếu sự tháo vát hoặc may mắn.
Khi phải rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ, nỗi mặc cảm cũng như khả năng chi tiêu của người nghèo sẽ tỉ lệ nghịch với nhau. Nỗi mặc cảm càng lớn thì khả năng chi tiêu càng bé. Đa phần người nghèo các nước tư bản, tiến bộ đều dựa vào nguồn phúc lợi xã hội để sống và họ ý thức đuợc rằng đồng tiền mình cầm hơi qua ngày hoặc no bụng mỗi ngày là do thuế mà có, do người giàu đóng góp thông qua thuế và do vận động từ thiện.
Sở dĩ tôi dám khẳng định người nghèo xứ tư bản ý thức được đồng tiền họ đang sống từ phúc lợi, từ bảo trợ xã hội bởi vì họ có cái may mắn là muốn hay không họ vẫn có thể biết được ngân sách nhà nước có được bao nhiêu, thu chi như thế nào, bao nhiêu phần trăm dành cho những người như họ. Bởi đây là chyện công khai hằng năm, thậm chí hằng kỳ giữa nhà nước và công dân.
Và việc cách ly người nghèo ra khỏi người giàu ở các nước tư bản tiến bộ thường nhắm vào mục đích cao cả là đừng để cả hai nhóm giàu và nghèo cảm thấy ngột ngạt hoặc mặc cảm. Câu nói “hãy cách ly người nghèo ra khỏi người giàu” xuất hiện ở các nước tư bản là một câu nói nhân đạo, bởi nó xuất phát từ điều kiện và bối cảnh có văn hóa, có lòng tự trọng và có tính nhân đạo.
Ngược lại, câu nói này nếu nói ở Việt Nam hoặc Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Cu Ba và các nước độc tài còn sót lại trên thế giới thì nó hoàn toàn khác. Nó chạm đến hai vấn đề duy nhất là vấn đề nguồn thặng dư của nhà giàu và văn hóa của con người nói chung.
Vấn đề nguồn thặng dư của nhà giàu trên đất nước Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có ba nguồn cơ bản: Kiều hối từ các nước giàu có; Tham nhũng; buôn lậu và tùng xẻo tài nguyên.
Kiều hối do Việt Kiều từ các nước giàu có gởi về cho thân nhân của họ tại Việt Nam đã giúp cho rất nhiều người Việt có người thân ở nước ngoài trở nên giàu có, đầy đủ. Nhưng khoản này chưa là gì so với khoản tham ô của giới quan chức Cộng sản. Giới này có thể vung tiền như vứt lá qua cửa sổ bởi đồng tiền của họ đang cầm là tích hợp máu và nước mắt của tập thể dân tộc Việt Nam thông qua các loại thuế chứ không phải là đồng tiền của một ai cụ thể, của người thân phải bôn ba xứ người để kiếm mà gởi về.
Đồng kiều hối chứa lòng yêu thương và tính san sẻ giữa người với người và cường độ đậm nhạt tùy thuộc vào tình cảm giữa người gởi và người nhận.
Ngược lại, đồng tham nhũng chứa sự hả hê của kẻ nắm đồng tiền chung chung, trí trá và qua mặt cả triệu dân đen để ăn chơi, tiêu xài phung phí. Và đây là đồng tiền dễ kiếm nhất, nó tỉ lệ thuận với chức vụ và lòng tham. Nghĩa là càng làm lớn thì càng có cơ hội tham nhũng và con số tiền tham nhũng càng lớn.
Còn một nhóm nữa là nhóm buôn lậu và tùng xẻo tài nguyên. Nhóm này cũng có tính chất gần giống với nhóm quan chức tham nhũng, đó là thiên nhiên, tài nguyên càng bị tùng xẻo thì bọn họ càng giàu. Sức khỏe cộng động càng xuống cấp bởi hàng giả, hàng nhái thì bọn họ càng giàu.
Với những kẻ giàu bất chính nhưng tự xem mình đứng vế trên của xã hội, ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội, đương nhiên, họ không bao giờ nghĩ được tới chuyện sợ người nghèo tự ái, mặc cảm khi sống gần họ. Mà đâu đó, trong vô thức của họ sợ mất của, sợ ăn trộm, sợ mất sang trọng và sợ cả sự quan sát.
Vì sao? Vì lẽ, bản thân những kẻ tham nhũng, gian lận và buôn lậu đều là những kẻ cắp, họ cắp tàn bạo hơn nhiều so với kẻ cắp thuần túy. Ví dụ như giới quan chức Việt Nam, nếu họ không biết ăn cắp của công với đồng lương và mức tiêu xài hiện tại, họ không có cỏ để mà gặm chứ đừng nói tới cơm để ăn. Giới quan chức tham nhũng là kẻ cắp tài sản của dân tộc nặng nề nhất.
Thứ đến, giới buôn lậu và tàn phá tài nguyên, môi trường là những kẻ (mệnh danh tư bản đỏ) ăn cắp hàng thứ nhì của dân tộc. Bây giờ, họ muốn được sống yên, không phải tiếp xúc với người nghèo. Vì tiếp xúc với người nghèo sẽ làm họ mặc cảm với quá khứ nhiều đời nhiều kiếp của họ. Và làm họ lo ngại bị ăn cắp bởi họ cũng đã và đang là kẻ cắp. Và làm họ sợ bị quan sát bởi người nghèo ở gần họ có thể quan sát thấy cái sự giàu vô lý và bất minh của họ.
Tại Việt Nam, nói “Hãy cách ly người nghèo ra khỏi người giàu” cũng đồng nghĩa hãy tách người bị ăn cắp ra khỏi kẻ cắp. Bởi người nghèo bao giờ cũng là nạn nhân chung của tính tham lam, trộm cắp của giới quan chức. Và nói cách ly người nghèo ra khỏi người giàu cũng đồng nghĩa với thỏa mãn lòng ích kỉ của kẻ cắp (cụ thể là đám quan chức tham ô, tư bản đỏ và đám đầu trộm đuôi cướp tài nguyên, buôn lậu).
Và khi nói về điều này, người ta nghĩ ngay đến nguồn thặng dư của nhà giàu Việt Nam, trừ những gia đình nhận kiều hối và làm ăn chân chính (diện này rất hiếm) thì toàn bộ đều là nguồn từ tham nhũng, móc ngoặc và đủ các thành phần trộm cướp trong kho thuế, công quĩ của nhân dân.
Khi hất người nghèo ra khỏi một khu vực nào đó để kẻ trộm cướp đến sống, câu nói này chỉ thỏa mãn tính ích kỉ và nhỏ nhen. Chung qui, câu nói của ông Đực khi phát biểu tại Việt Nam chỉ có thấy hoặc là ông ta chỉ là con vẹt, học cách nói của tư bản và phát biểu một cách sỗ sàng. Hoặc là ông ta cũng nằm trong thành phần trộm cướp tài sản nhân dân và cố gắng chạy trốn cái nghèo như trốn một quá khứ và trốn cả trách nhiệm chia sẻ trong tương lai.
Có thể nói rằng đây là câu nói vô văn hóa và phản động nhất lịch sử. Bởi chính nhân dân nghèo khổ này đã bán mặt cho đất bán lưng cho trời để nuôi lên một đám giàu có trên mồ hôi và nước mắt của mình. Để rồi sau đó, khi đủ no lưng ấm cật, bọn họ lại nghĩ cách để đẩy người ta ra khỏi tầm mắt. Có thể nói rằng câu nói này phản ảnh xã hội. Một xã hội đẩy rẫy những kẻ vong ơn và sống trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân.
Một câu nói đầy tính phản động.
No comments:
Post a Comment