Wednesday, November 11, 2015

Obama không còn kiên nhẫn đối với Bắc Kinh nữa!

Hiroyuki Akita * Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) lược dịch - Tại Hoa Thịnh Đốn - Việc Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình từ chối ngừng xúc tiến chương trình xây đảo nhân tạo tại vùng biển Đông còn đang tranh chấp đã khiến Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama có thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Phân tích một cách tổng quát, lãnh đạo các quốc gia có thể chia ra làm hai loại. Loại thứ nhất bao gồm những vị lãnh đạo bao giờ cũng tin rằng họ có thể giải quyết mọi bất đồng thông qua thương thảo đối với mọi đối thủ. Loại thứ nhì bao gồm những vị lãnh đạo nghĩ rằng nhiều đối thủ của họ không thể nào dùng đối thoại để mà giải quyết vấn đề.

Tổng thống Obama là khuôn mẫu cho hạng người lãnh đạo thuộc loại thứ nhất. Giới chức cao cấp trong chính phủ thừa nhận ông Obama rất miễn cưỡng khi phải sử dụng quân đội. Ấy thế mà ông Obama cũng không còn chịu đựng được nữa trước thái độ của Tập Cận Bình khi viếng thăm Hoa Kỳ.

Hy vọng có thể đồng hành cùng với họ Tập thảo luận cởi mở và trung thực, Tổng thống Obama đã cho mở một buổi tiệc ăn tối đãi riêng ông Tập vào đêm 24 tháng Chín, một ngày trước buổi yến tiệc long trọng chính thức đãi quốc khách của quốc gia. Chỉ có hai vị lãnh đạo và các cố vấn thân cận được dự tiệc. Những đòi hỏi lãnh hải của Trung Cộng là một trong những trọng tâm mà Tổng thống Obama muốn đàm đạo trong buổi gặp gỡ ăn tối này.

Tạo ra đảo nhân tạo tại vùng biển còn đang tranh chấp đã gây ra nhiều căng thẳng huống hồ gì Bắc Kinh lại còn làm tăng thêm sự căng thẳng khi cho xây căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo này. Trong buổi ăn tối đó, Obama đề cập đến vấn đề nà rất chi tiết, cặn kẽ và hối thúc ông Tập ngừng mọi xúc tiến xây dựng căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo này. Theo nguồn tin chính phủ, Tổng Thống Obama không đạt được một thỏa thuận nào cả, ông Tập cứ trơ mặt ra như gổ trước sự cố gắng thuyết phục của Obama.

Phút giây quyết định

Ngay sau buổi ăn tối đó, Obama bực bội gọi điện đàm với Harry Harris, chỉ huy toàn bộ lực lượng Hải quân của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (bao gồm Hạm Đội Ba và Hạm Đội Bảy) . Sau cuộc điện đàm đó, Tổng Thống Obama ra lệnh cho Hải quân tiến thẳng vào Trường Sa (nơi Trung Cộng xây đảo nhân tạo) tiến hành tuần tiểu.

Kế hoạch đề ra là Hoa Kỳ sẽ đưa chiến hạm tuần tra tiến sâu vào Trường Sa cách đảo nhân tạo trong vòng 12 hải lý, tức khoảng 22 km. Theo luật biển quốc tế, lãnh hải của một quốc gia sẽ từ bờ biển ra đến 12 hải lý. Như vậy, quyết định tuần tiểu sâu vào trong vòng 12 hải lý cho thấy Hoa Kỳ muốn nói với Bắc Kinh và các nước trong vùng là Hoa Kỳ không công nhận lãnh hải nơi này là của Trung Cộng (như Trung Cộng tuyên bố trước đó.)

Giới chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ đã có kế hoạch này trong tay từ hồi tháng Bảy. Giới quân nhân muốn hành động ngay kế hoạch này nhưng Obama đã đình chỉ không cho tiến hành. Tổng thống hy vọng rằng cuộc đàm đạo mặt đối mặt sẽ thuyết phục được họ Tập và khiến kế hoạch quân sự này không còn cần thiết nữa.

“Tuy nhiên, Obama đã nhận ra rằng nỗ lực hòa giải đối thoại đã khiến Bắc Kinh lờn mặt không cộng tác,” theo Edward Luttwak. một chiến lược gia quân sự khét tiếng, tiết lộ. Kế hoạch tuần tiểu 12 hải lý này đánh dấu sự thay đổi sách lược của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng. 

"Trong vụ này, Bắc Kinh tự đào cái hố chôn mình thì biết làm sao hơn" , ông Luttwak thừa nhận.

Tác động trong vùng:

Quyết định của Tổng thống Obama đương nhiên tạo ra nhiều dao động trong vùng, trong đó có Nhật Bản.

Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, từ lâu, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã thúc giục Hoa Thịnh Đốn cho tàu chiến tuần tiểu vùng biển tranh chấp. Đối với các quốc gia trong vùng, hòa bình và ổn định chỉ có thể có khi đối mặt, thách thức sức mạnh quân sự mà Trung Cộng đang sử dụng để lấn hiếp và gây căng thẳng bấy lâu nay.

Nếu đứng trên quan điểm này thì rõ ràng Tokyo mừng rỡ và ủng hộ quyết định của Obama.Tuy nhiên kế hoạch tuần tiều 12 hải lý này ẩn chứa hung hiểm: nếu Trung Cộng quyết tâm chận đầu ngăn cản tàu chiến Hoa Kỳ tuần tiểu trong vòng 12 hải lý thì xung đột sẽ bùng phát leo thang dù hai bên không muốn.

Nhật Bản cần suy xét phải ứng phó như thế nào khi tình huống đó xảy ra. Hiện nay, điều này lại càng vô cùng quan trọng khi mà Quốc Hội Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép quân đội được quyền tác chiến trợ giúp Đồng Minh nếu Đồng Minh bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.

Thận trọng:

Nỗ lực của Tống thống Obama sẵn sàng thỏa thuận ngay cả với kẻ thù không đội trời chung dẫn đến thỏa hiệp hạch tâm với Ba Tư (Iran) và phục hồi quan hệ với Cuba. Tổng thống Obama dường như không bao giờ từ bỏ đường lối thảo thuận thương thào một cách vội vã nếu ông thấy còn có cơ hội thương thào.

Obama chỉ còn làm tổng thống thêm một năm nữa mà thôi. Giới hữu trách của tòa Bạch Ốc ủng hộ kế hoạch tiếp tục gia tăng sức ép để ngăn cản tham vọng độc chiếm lãnh hải của Trung Cộng, đồng thời vẫn muốn làm việc chung với Bắc Kinh trên các vấn đề như biến đổi khí hậu, tái thiết Afghanistan.

Rất khó mà đoán biết được chắc các siêu cường đang tính toán điều gì, họ có thể cãi vã nhau dữ dội bên ngoài mặt nhưng lại bắt tay nhau trong bí mật. Về phần mình, chính phủ Nhật Bản cần phải theo dõi chặt chẽ mối liên hệ Hoa Thịnh Đốn- Bắc Kinh đề điều chỉnh chính sách bang giao đối với Trung Cộng cho thích hợp- lúc nào cũng phải hành động một cách cẩn thận phối hợp nhịp nhàng giữa thương thảo và thách thức.


11/11/2015


(Ghi chú: Phối hợp nhịp nhàng giữa thương thảo và thách thức khác với đường lối vừa quy lụy, vừa năn nỉ hiện nay của Cộng Sản Hà Nội. Năn nỉ một "niềm tin chính trị" từ phía Trung Cộng để rồi lại bị Tập Cận Bình lừa đảo một lần nữa trong tháng này.)

No comments:

Post a Comment