Wednesday, October 28, 2015

Triều cường, người Sài Gòn bì bõm lội nước về nhà

H.TRÂM-L.TRINH-L.THOA-H.PHƯỢNG-NG.TRÀ-N.TÂN - Thứ Tư, ngày 28/10/2015 - 18:46
(PLO)- Chiều 28-10, mực nước trên các sông tại khu vực TP.HCM dâng cao do triều cường đã khiến nhiều con đường biến thành sông. Người dân Sài Gòn phải bì bõm lội nước sau giờ tan ca.
Khoảng 17 giờ, nước đã bắt đầu ngập các con đường như Hồ Ngọc Lãm (quận 8), Bến Phú Định (quận 8), An Dương Vương (quận 5), Trần Não (quận 2)… Chỉ sau 30 phút, mặt đường phút chốc biến thành sông lênh láng nước. Có nơi nước ngập hơn 1 m. Trong đó, hẻm 403 (đường Bến Phú Định, phường 6, quận 8) là một trong những địa điểm ngập sâu nhất.
Vì nước dâng cao trùng vào giờ tan ca nên nhiều phương tiện di chuyển qua các tuyến đường ngập bị chết máy. Bà con phải dắt xe lội bộ. Các tiệm sửa xe ven đường đông đúc hơn ngày thường. Một số người dân đã phải đem cành cây, biển hiệu ra cắm tại khu vực nước sâu, nơi có ổ voi, hố ga... để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.
Bà Nguyễn Hoài Anh (65 tuổi, ngụ đường Bến Phú Định) cho biết: “Cứ mỗi lần triều cường là nước lại ngập lênh láng như thế này. Nước ngập cả vào nhà. Người dân chúng tôi khổ lắm khi quanh năm cứ phải lội nước”.
Theo ý kiến của một số người dân, một số nắp cống tại khu vực đường Hồ Ngọc Lãm và đường Bến Phú Định (quận 8) bị mất nắp nên mới khiến nước dâng cao và nhanh như vậy.
 
Tại quận 6, từ các cống thoát, nước tràn lên nhiền con đường trũng thấp trên địa bàn. Các tuyến đường bị ngập không nằm trên cung đường giao thông trọng yếu, không gây ùn tắc giao thông cục bộ nhưng ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. 
Tại đường  Sin Co (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) triều cường dâng lên chừng 0.3 m, nước triều mấp mé nhà dân hai bên đường, mỗi khi có xe cộ chạy nhanh, nước triều lại tạt cả vào nhà, khiến người dân khổ sở. Ngoài ra, nhiều xe chết máy, người dân phải lội trong nước sông đen ngòm.
Ngán ngẩm với cảnh triều cường từ nhiều năm nay, chú Nguyễn Khương Đại (bán bánh xèo) cho hay: “Năm nào người dân sống trong khu vực này cũng phải chịu cảnh triều cường hôi thối, ngứa ngáy, buôn bán ế ẩm. Tháng này, triều cường mới lên được hai ngày, phải đến hết tuần mới rút hẳn; mỗi ngày triều cường lên lúc 2,3g và đến 7, 8 tối mới rút; từ hôm qua tới giờ bánh xèo chả có ai mua, cứ thế này thì dân khổ lắm”.
Tại quận 7, gần 17 giờ triều cường bắt đầu dâng cao, gây ngập nhiều con đường trên địa bàn Quận 7. Mực nước xấp xỉ 30-40cm và còn tiếp tục dâng cao hơn trong những giờ sau đó. 
Ông Nguyễn Văn Thanh làm nghề xe ôm sống ở đây đã gần 50 năm nay. Ông cho biết, cứ vào tháng 9, tháng 10 (tức tháng 10, tháng 11 dương) nhiều tuyến đường ở Sài Gòn lại chìm trong biển nước. Ở Quận 7, đoạn đường ngập nặng nhất là đường Huỳnh Tấn Phát, trong đó có hai điểm: cây xăng đôi ( từ đường Gò Ô Môi chạy xuống tầm 100m) và ngã 4 đường Phú Thuận giao cắt Huỳnh Tấn Phát.
Ông chia sẻ: “Xe tôi tốt nên ngập vẫn qua được, chứ nhiều xe không tốt, bị ngập là chết máy giữa đường, phải đẩy bộ cực lắm. Nhiều người dân chấp nhận đi đường vòng qua đường Phú Mĩ Hưng, xa chút nhưng không bị ngập”.
Tại quận Bình Thạnh, khu vực  dọc sông nước dâng tràn vào nhà dân, người dân phải vất vả chống ngập bằng nhiều biện pháp như bơm, tát nước; nhiều người huy động nhân lực dùng bao cát để ngăn nước vào nhà. Theo người dân, mức triều dâng lên theo từng năm, người nào có điều kiện thì tôn nền, ngăn nước, người không đủ điều kiện thì đành chấp nhận sống chung với nước.
Ông Nguyễn Vọng Các, phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, nước ngập vào nhà ai thì nhà đó tự lo. “Tui phải sắm máy bơm, xây  tường cao ngăn nước,  nhưng không ăn thua vì nước vẫn tràn vào. Tình trạng này năm nào cũng lặp lại” – ông nói.
Cô Trần Thị Trang, phường 25, quận Bình Thạnh bán bún ở con đường dọc sông Sài Gòn cho biết, mấy hôm triều cường lên việc buôn bán rất khó khăn, tình trạng triều cường diễn ra thường xuyên hằng năm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. “Rất mong nhận được sự giúp đỡ định hướng của các cơ quan chức năng để đời sống nhân dân ổn định hơn” – cô nói.

No comments:

Post a Comment