NGHỆ AN (NV) - Do cả lớp còn một em học sinh nghèo đóng chưa đủ 300,000 đồng tiền “xã hội hóa” được cho là tự nguyện “tùy theo khả năng,” cô giáo chủ nhiệm đã viết thư đòi phụ huynh nộp đủ.
Ngày 27 tháng 10, VNxpress dẫn lời phản ánh của bà Nguyễn Thị Chính (64 tuổi), ở xã Nghi Ðồng, huyện Nghi Lộc cho biết, bà vừa nhận được lá thư của cô giáo chủ nhiệm của cháu trai mình là em Nguyễn Hoài Thiên Ðức. Thư do cô Nguyễn Thị Bích Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, trường tiểu học xã Nghi Ðồng, đòi bà đóng đủ tiền “xã hội hóa” là 300,000, khoản tiền được nhà trường thông báo là tự nguyện “tùy theo khả năng.”
Trường Tiểu Học Nghi Ðồng, nơi đòi tiền “xã hội hóa” học sinh nghèo. (Hình: VNExpress) |
Bức thư có đoạn: “Hôm họp phụ huynh bà không đi... Tiền ‘xã hội hóa’ tối thiểu mỗi em 300,000 đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học trong nhà trường đã được hội phụ huynh cả lớp đã đồng ý. Nay chỉ còn một mình em Ðức chưa đóng đủ số tiền trên. Vì thế, tôi mong bà hãy tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành công tác chủ nhiệm lớp, vì học sinh nào cũng nộp đủ mà mỗi mình em Ðức đóng 100,000 đồng thì ảnh hưởng rất lớn đến điểm thi đua của lớp. Vậy tôi mong bà hãy đóng đủ số tiền trên...”
Bà Chính cho biết, sở dĩ bà chỉ đóng tiền “xã hội hóa” có 100,000 đồng vì hoàn cảnh gia đình bà thuộc hộ nghèo. Em Ðức được bà nuôi ăn học, còn bố mẹ cháu hoàn cảnh khó khăn nên đã đi làm ăn xa.
“Thực tình tôi không biết chữ nên sau khi nhận được thư thì mang tới trường trả lại cho cô giáo,” bà Chính nói và cho biết hiện đã nộp đủ 300,000 tiền “xã hội hóa,” nhưng sau đó cô giáo chủ nhiệm lại bớt cho 100,000 đồng.
Ngày 27 tháng 10, nói với VNExpress, bà Nguyễn Thị Hạnh, hiệu trưởng trường Tiểu Học Nghi Ðồng thừa nhận với nội dung bức thư như vậy thì đã sai, song có ý đổ lỗi cho cấp dưới: “Tôi rất bất ngờ về việc này. Cô Lan trình bày mục đích viết thư chỉ là động viên gia đình đóng tiền chứ không có ý định ép buộc, đe dọa hay trù dập học sinh. Sắp tới sẽ yêu cầu cô Lan viết bản tường trình về sự việc để có hình thức xử lý,” bà Hạnh nói.
Về việc tiền “xã hội hóa” của nhà trường được định mức 300,000 đồng cho mỗi phụ huynh, bà Hạnh cho rằng, đó là hiểu nhầm trong cách truyền đạt thông tin của giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường có 300 em, việc giáo viên vận động những phụ huynh có điều kiện để đóng tiền xã hội hóa cao hơn gia đình khó khăn, hộ nghèo là có.
Như vậy với 300 học sinh, mỗi em nộp 300,000 đồng tiền “xã hội hóa,” chưa kể có những em học sinh có gia đình khá giả đóng nhiều hơn để “tạo thế cho con,” trường Tiểu Học Nghi Ðồng đã thu về cả trăm triệu đồng, một số tiền không nhỏ. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment