Wednesday, October 28, 2015

Trung Quốc giận dữ, đồng minh hoan nghênh, Việt Nam im lặng

BẮC KINH (NV) - Ðó là những biểu hiện đáng chú ý sau khi khu trục hạm USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Subi và Vành Khăn, hai bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Hoa Kỳ đã khởi động chiến dịch “Tự do hàng hải” với mục tiêu chính là thực hiện các cuộc tuần tra tại biển Ðông, kể cả điều động chiến đấu cơ, chiến hạm vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo và đang xây dựng để biến những đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự ở biển Ðông, nhằm phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông, khẳng định tư do lưu thông theo luật pháp quốc tế là điều bất khả tiếm đoạt.


Khu trục hạm USS Lassen của Hải Quân Hoa Kỳ tuần tra trên biển Ðông. (Hình chụp qua Youtube)

Ngay sau đó, ông Lục Kháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khẳng định, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Cũng vì vậy, Trung Quốc phản đối bất cứ quốc gia nào viện dẫn quyền tự do lưu thông xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc, lập tức sửa sai, không tiếp tục những hoạt động gây tổn hại cho quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ cũng như hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Tin tức cũng cho hay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đến để phản đối chính thức.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn nín lặng dù sự việc xảy ra ngay tại nơi Việt Nam luôn tuyên bố có chủ quyền.

Một số báo điện tử chính thống của nhà cầm quyền CSVN nhanh chóng đưa tin chiến hạm Mỹ tiến gần các đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn rồi sau đó các bản tin về phản ứng tức giận của Bắc Kinh và các nước khu vực. Không thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam ở đâu.

Một số báo như Thanh Niên, VNExpress cho độc giả bình luận nhưng được sàng lọc để thấy những ý kiến rất chừng mực. Ðộc giả của báo Tuổi Trẻ có vẻ được thả lỏng hơn nên thấy có những độc giả viết như “Chú Ba chỉ to còi, ăn hiếp mấy nước nhỏ trong khu vực chứ thử đụng đến khu trục hạm Mỹ thử xem. No đòn liền...” Hoặc “Ðược đó anh hai Huê Kỳ! Tới luôn bác tài, đừng cho số de.”

Trên đài BBC, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên Giới của chế độ Hà Nội nói rằng, “Ðây là thông tin rất đáng hoan nghênh vì người Mỹ đã nói là làm, đúng với luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.”
Khi khu trục hạm USS Lassen đi tuần tra gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa hôm Thứ Ba, một số tàu chiến Trung Quốc gồm cả khu trực hạm, hộ tống hạm và tàu đổ bộ đã bám theo, theo tờ Navy Times của Hải Quân Hoa Kỳ.
Ngoài phản ứng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, báo giới Trung Quốc cũng đã gia tăng mức độ chỉ trích kế hoạch “Tự do hàng hải” của Hoa Kỳ. Tân Hoa Xã gọi cuộc tuần tra của USS Lassen là một “hành động xâm lăng” và nhận định Hoa Kỳ đang chơi một “trò chơi nguy hiểm,” cố tình khiêu khích Trung Quốc.

Cùng lúc với các tuyên bố của Trung Quốc, còn có những tuyên bố khác của Ðài Loan, Philippines, Úc, Nhật.
Bà Eleanor Wang, Phát ngôn viên của chính quyền Ðài Loan - cũng đang có tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông với những quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, nhấn mạnh rằng Ðài Loan mong muốn thấy tất cả các bên có liên quan ứng xử theo hướng đóng góp cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Cần nói thêm rằng, luật pháp quốc tế chỉ thừa nhận vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh cáo đảo thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu đảo đó nếu đó là đảo tự nhiên, không phải đảo nhân tạo.

Ngược với sự ủng hộ nhẹ nhàng, kín đáo của Ðài Loan, ông Benigno Aquino, tổng thống Philippines tuyên bố, ông tin tất cả mọi người đều hoan nghênh một sự cân bằng quyền lực. Khi một chiến hạm của Hoa Kỳ thực hiện cuộc tuần tra theo đúng luật pháp quốc tế thì chẳng có gì để làm ầm ĩ. Ông Aquino nói thêm, nếu đã tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn cản tàu thuyền đi ngang, không gây ngại thì đó là một hành động mâu thuẫn, không phù hợp.

Ngay sau sự kiện USS Lassen tuần tra tại biển Ðông, Bộ Quốc Phòng Úc phát hành một thông cáo, khẳng định, theo luật pháp quốc tế, tất cả quốc gia đều có quyền tự do lưu thông trong lĩnh vực hàng hải và hàng không, kể cả tại biển Ðông và Úc mạnh mẽ ủng hộ việc thực thi các quyền đó. Thông cáo vừa kể nói thêm, tuy Úc không tham gia chiến dịch “Tự do hàng hải” cùng với Hoa Kỳ nhưng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực để bảo vệ an ninh hàng hải.

Ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng chính phủ Nhật, nhận định, điều vô cùng quan trọng là cộng đồng quốc tế đã cùng ngồi lại với nhau để bảo vệ một đại dương rộng mở, tự do và yên bình.

Reuters dẫn lời của một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu ẩn danh cho biết, cuộc tuần tra của USS Lassen chỉ là bước khởi đầu cho một kế hoạch tuần tra dài hạn. Sắp tới, Hải Quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho những cuộc tuần tra khác và mục tiêu có thể sẽ là quanh các đảo, bãi đá mà Việt Nam, Philippines đang trấn đóng tại quần đảo Trường Sa. (G.Ð)
10-27-2015 2:35:16 PM 

No comments:

Post a Comment