CA thường phục bóp cổ, bẻ tay, đánh và bắt em trai của tử tù Lê Văn Mạnh, sáng 25/10/2015. Ảnh: Lê Hoàng
Đoan Trang - Trưa 26/10, trang FB của một tờ báo điện tử lớn đăng một status về vụ án Lê Văn Mạnh: “Với từng này tội ác mà còn kháng án để tránh tử hình thì cũng bó tay...”.
Ngoài admin của trang FB này, còn rất nhiều người khác, nhất là các bạn trẻ, không quan tâm gì đến vụ án có dấu hiệu oan sai, gây chấn động dư luận này. Các bạn có quyền không quan tâm. Tuy nhiên, khi đã không quan tâm - nghĩa là không tìm hiểu, không biết, không có thông tin - thì đừng nên phán xét như vậy, nhất là về một việc liên quan đến sinh mạng con người. Như thế là vô đạo đức.
* * *
Còn dưới đây là một vài dòng mô tả để bạn hình dung về vụ án:
Bạn có một người thân đột nhiên nhận lời mời của CA lên UBND xã/phường làm việc.
Trên đường đến UBND, thân nhân của bạn bị một xe công an chặn lại đưa về đồn.
Sau đó bạn được thông báo là thân nhân đã bị bắt vì phạm tội hiếp dâm và giết người.
Hơn nửa năm sau bạn mới được gặp thân nhân lần đầu, trong trại giam, trước mặt CA.
Một năm sau thân nhân của bạn bị đưa ra tòa, kết án tử hình về tội giết người, bất chấp việc họ một mực kêu oan và thậm chí còn khóc rằng họ bị tra tấn nên mới phải nhận tội.
Quá trình kêu gào đòi công lý cho thân nhân của bạn bắt đầu, bạn lê lết đi hết cơ quan này tới cơ quan kia, gặp hết người này đến người kia, theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”.
Nhiều lần, bạn hy vọng rồi lại thất vọng, thất vọng rồi lại hy vọng, rồi lại thất vọng.
Cứ thế 10 năm trời.
Rồi một ngày bạn nhận thông báo từ tòa án về việc thi hành án tử hình với thân nhân của bạn. Tòa bảo bạn làm đơn xin nhận tử thi, nhớ “cam kết đảm bảo về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, tự chịu chi phí...”.
Tòa cũng bảo bạn phải làm đơn xin tử thi trước ngày đó tháng đó, để hội đồng thi hành án còn “có kế hoạch giải quyết”. Tính ra bạn chỉ còn 9 ngày.
Bạn hộc tốc chạy về Hà Nội, gọi là “lên trung ương”.
Bạn đến Văn phòng Quốc hội, họ bảo bạn “đi ra Văn phòng tiếp dân ở Ngô Thì Nhậm mà hỏi”.
Bạn đến Văn phòng tiếp dân ở số 1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội), họ bảo bạn “đi ra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mà hỏi”.
Bạn đến Viện Kiểm sát, họ kêu không biết.
Bạn chạy tới chỗ dân oan, cùng họ tổ chức biểu tình đòi tha mạng cho thân nhân của mình. Công an đánh bạn, bóp cổ, đấm đá, quẳng bạn lên xe mang về đồn, giữ đến tối mới thả.
Bạn đến nhà thờ cầu nguyện, an ninh chìm nổi dí máy quay vào tận mặt bạn.
Chẳng một cơ quan nhà nước, một cán bộ nhà nước nào hỏi bạn được một câu hay thậm chí là đồng ý tiếp bạn.
Đêm về, bạn thấy Tuổi Trẻ đưa tin, ông Chánh án tòa địa phương bảo đã xem xét dừng lại việc thi hành án.
Chưa kịp mừng tới nửa ngày thì trưa hôm sau, bạn thấy tờ báo mạng nọ đưa tin “chưa hoãn kế hoạch tử hình”. Rồi trang FB của tờ báo ấy bảo thân nhân của bạn “Với từng này tội ác mà còn kháng án để tránh tử hình thì cũng bó tay...”.
Đó là thân phận người dân nghèo, thấp cổ bé họng, trong xã hội Việt Nam ngày nay.
No comments:
Post a Comment