Con đường chính vào giáo hộ Yên Lạc đã bị bịt năm 1987.
Chúng tôi đến với giáo họ Yên Lạc, giáo xứ Xuân Kiều trong một ngày mưa phùn lất phất của mùa thu, khí hậu đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ. Trong những ngày qua, khu vực giáo xứ Xuân Kiều được coi là một điểm nóng về Tôn giáo, chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
SỰ THẬT CỦA VẤN ĐỀ
Giáo họ Yên Lạc thuộc giáo xứ Xuân Kiều, được thành lập năm 1929 với số giáo dân ban đầu là 450 người. Do bối cảnh chính trị xã hội năm 1945 – 1960 nên số người giảm sút đáng kể. Đến năm 1982, cơn bão số 7 đã làm tốc mái và sụp đổ phần nóc của Nhà Thờ, chỉ còn lại 4 bức tường trơ trọi. Đến năm 1987, Hợp tác xã Kiều I do ông Trần Văn Mai làm chủ tịch đã cho xây bờ bao bịt ngang lối đi từ mặt tiền nhà thờ chạy thẳng ra đường liên xã.
Đến ngày 17/07/2015, giáo dân giáo họ Yên Lạc đã gửi đơn thư kiến nghị số ĐTKN-10/2015 lên UBND xã Nghi Kiều với nguyện vọng mở lại con đường cũ nêu trên. Đơn kiến nghị có sự chứng thực của Linh mục quản xứ Anton Lê Công Lượng, chữ ký ông Nguyễn Văn Lưu, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ giáo họ Yên Lạc và 23 hộ gia đình trong giáo họ.
Tuy nhiên, chính quyền xã Nghi Kiều đã không chấp nhận việc mở lại con đường cũ xưa và một mực cho rằng, không có con đường cũ chạy thẳng từ đường liên xã vào mặt tiền nhà thờ như trong đơn kiến nghị.
TỨC NƯỚC ẮT PHẢI VỠ BỜ
Đến ngày 05/10/2015, nhân dịp bà con trong giáo xứ Xuân Kiều đến giúp giáo dân họ Yên Lạc đào móng xây nhà mặc áo, hoàn thiện mái nhà phòng, san lấp và vệ sinh khuôn viên nhà thờ để chuản bị mừng Lễ Mẹ Mân Côi, quan thầy của Ca Đoàn trong giáo họ, nên bà con giáo dân trong giáo họ đã chủ động mở con đường cũ thay cho chính quyền địa phương.
Bà con trong giáo xứ đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào hai bên cao 1,2 mét, dài 81,5 mét và đường rộng 8 mét chạy từ đường liên xã vào thẳng mặt tiền Nhà Thờ giáo họ.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân phòng đến ngăn cản bà con trong giáo xứ tiến hành công việc.
TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC NÓI GÌ VỀ SỰ VIỆC
Sự việc được báo Nhân Dân miêu tả rằng cha Antôn Lê Công Lượng “huy động khoảng 500 giáo dân kéo đến khu vực trường mầm non Nghi Kiều dùng búa, xà-beng công khai đập phá hai phía bờ tường của trường mầm non và làm con đường rộng 8 m, dài 81,5 m đi thẳng vào nhà thờ, xuyên qua đất của trường mầm non. Tổng diện tích của nhà trường bị giáo họ lấn chiếm làm đường khoảng 700 m2. Quá trình phá bờ tường để làm đường, các đối tượng đã chặt phá 31 cây xanh của nhà trường…”
Còn báo Công an Nghệ An, Đài truyền hình Nghệ An nhận định, “hành vi đập phá tường rào, chặt phá cây của trường mầm non xã Nghi Kiều của linh mục Lê Công Lượng và các giáo dân là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143, Bộ luật Hình sự năm 1999.”
Điều đáng buồn là trong bản tin của Đài truyền hình Nghệ An vào tối ngày 07/10/2015 đưa tin, ông Võ Tá Hiển ở xóm 6, nguyên Chủ Tịch xã Nghi Kiều làm chứng không đúng sự thực rằng "không có con đường cũ vào nhà thờ giáo họ Yên Lạc".
BÀ CON GIÁO DÂN VÀ LINH MỤC QUẢN XỨ NÓI GÌ
Linh mục quản xứ Anton Lê Công Lượng cho biết: “Việc ông Trần Văn Mai lúc bấy giờ làm chủ nhiệm HTX Kiều I cho bịt ngang con đường thẳng từ đường liên xã vào Nhà Thờ đã gây trở ngại đến cho nhân dân nói chung và cách riêng là giáo họ Yên Lạc suốt thời gian qua trong các sinh hoạt tôn giáo cũng như đời thường. Vì thế đến ngày 17/7/2015 thì giáo dân giáo họ Yên Lạc đã gửi đơn thư kiến nghị số ĐTKN-10/2015 lên UBND xã Nghi Kiều với nguyện vọng chính đáng mở lại con đường cũ nêu trên.
Đơn thư kiến nghị này được gửi từ ngày 17/07/2015 nhưng mãi đến ngày 30/9/2015 thì UBND xã Nghi Kiều mới có giấy mời ông Nguyễn Văn Lưu lên trụ sở UBND xã Nghi Kiều làm việc. Điều phi lý là giấy mời ghi rõ 7g30' ngày 30/09/2015 thì họ bắt đầu cuộc họp nhưng mãi đến 8h ngày hôm đó mới được trao cho ông Nguyễn Văn Lưu. Dù vậy thì ông vẫn tôn trọng chính quyền cố gắng sắp xếp công việc gia đình và giáo họ để đến UBND xã để dự cuộc họp theo giấy mời. Nhưng trong cuộc họp đó chính quyền xã Nghi Kiều vẫn không đưa ra được bằng chứng xác thực về vấn đề liên quan vì thế ông đã không ký biên bản của cuộc họp này.
Chính cái cách giải quyết chậm trễ không hợp pháp này của UBND xã dù đã khiến cho bà con giáo dân Xuân Kiều bức xúc, tức nước thì vỡ bờ. Vì thế ngày 5/10/2015 nhân dịp giáo dân Xuân Kiều được Cha Xứ mời gọi sang giúp giáo dân họ Yên Lạc để đào móng xây nhà mặc áo, hoàn thiện phần mái nhà phòng còn đang giang dở, sang lấp vệ sinh khuôn viên nhà thờ dọn mừng lễ Mẹ Mân Côi quan thầy của ca đoàn giáo họ này vào ngày 7/10/2015 vừa qua.
Nhân dân đã chủ động mở lại con đường cũ thay cho chính quyền địa phương. Sự việc chính đáng như thế thì đài báo Nghệ An đã cố ý bóp méo sự thật bằng những thông tin sai lệch nhằm vu khống Linh Mục quản xứ và hội đồng mục vụ giáo họ Yên Lạc, bà con giáo dân Xuân Kiều và đánh lừa dư luận quần chúng nữa. Đối với tôi thì đây là việc làm chính đáng, vì đường sá thì nó có từ lâu đời và đó là quyền lợi của người dân”.
Có hơn 50 cụ ông, cụ bà đã ký tên, điểm chỉ làm chứng trước năm 1987 đã có sự hiện hữu của con đường chạy thẳng từ mặt tiền Nhà Thờ ra đường liên xã. Nhưng đến năm 1987, ông Trần Văn Mai, chủ tịch Hợp Tác Xã lúc bấy giờ đã cho bịt con đường lại không rõ vì lý do gì.
Được biết, trường mần non Nghi Kiều I được xây cất vào năm 2002 có bờ rào song sắt xây kiên cố, bên còn lại giáp với một phần đất trống – trước đây là kho vật tư cũ của HTX- được rào bởi tường đá ong cũ, bỏ hoang và được trồng các loại cây như tràm, keo và cỏ mọc um tùm.
Phía đại diện chính quyền, ông Hoàng Đình Phương, chủ tịch xã Nghi Kiều cho biết, khi kiểm tra bản đồ số 299 thì không có con đường cũ nói trên và một mực thông báo phần đất trên thuộc về sự quản lý của Trường Mầm Non Nghi Kiều I. Nhưng đến thời điểm hiện giờ, chính quyền xã Nghi Kiều không đưa ra được bằng chứng chứng minh phần đất trên đã được quy hoạch cho Trường Mầm Non Kiều I.
Giáo phận Vinh luôn được coi là một điểm nóng về tình hình chính trị, tôn giáo. Không chỉ riêng giáo xứ Xuân Kiều mà nơi đây luôn tồn tại những bất công, luôn bị chính quyền chèn ép về tự do tôn giáo. Bà con giáo dân hạt Nhân Hòa không quên sự việc xảy ra ở giáo xứ Mỹ Yên vào cuối năm 2013, giáo xứ Thuận Nghĩa – huyện Quỳnh Lưu năm 2014, giáo xứ Tam Tòa năm 2010,…
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc!
Công Nguyễn
Danh sách những người làm chứng về việc tồn tại con đường vào giáo họ Yên Lạc trước đây.
Bà con giáo dân hợp sức chỉnh trang lại con đường chính cũ để tiện lối đi chính đến nhà thờ.
13/10/2015
13/10/2015
No comments:
Post a Comment