Theo VOA-14.10.2015
Vậy là Việt Nam chính thức trở thành một trong 12 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP) khi quá trình đàm phán suốt 5 năm vừa kết thúc thành công tại Atlanta (Hoa Kỳ). Dư luận Việt Nam cũng như dư luận ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… đang rộ lên tranh cãi về vấn đề “vào TPP, lợi nhiều hay hại nhiều?”
Niềm vui trọn vẹn?
Một số ngành trở nên phấn khởi hơn khi các đại diện thương mại 12 quốc gia đặt bút ký hiệp định TPP (dù còn phải chờ được các nhà lập pháp của cả 12 quốc gia thành viên phê chuẩn). Điển hình như ở Việt Nam, ngành thuỷ sản, gỗ và dệt may sẽ có cơ hội thâm nhập và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với mức giá cạnh tranh nhờ rào cản thuế quan bị dở bỏ đáng kể. Thậm chí trong dài hạn, thuế quan có xu hướng sụt xuống mức zero nhằm tự do hoá hoàn toàn thị trường xuất khẩu giữa các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, đây chỉ là về mặt lý thuyết. Để những lợi ích nêu trên trở thành hiện thực, Việt Nam còn phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm cả việc bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao phẩm chất và nắm bắt thông tin thị trường. Khó khăn nhất của Việt Nam có lẽ là phẩm chất hàng hoá.
Ngay như ngành thuỷ sản, để xuất khẩu được lượng thuỷ sản thật sự đạt phẩm chất và yêu cầu, tận dụng các ưu đãi về thuế… từ TPP thì cho đến nay, Việt Nam vẫn còn yếu thế. Yếu là vì khả năng dự trữ, chế biến, bảo quản của Việt Nam vẫn còn ở mức hạn chế. Yếu là vì quy trình chăn nuôi thuỷ hải sản vẫn còn nhiều bất cập, ví dụ như lượng hoá chất dư thừa vượt chuẩn trong nhiều lô hàng xuất khẩu. Yếu là vì đã vào TPP mà nông dân vẫn chưa biết quy trình và cách thức sản xuất hàng hoá đạt chuẩn xuất khẩu.
Hay như ngành dệt may. Hiện nay các nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu của Việt Nam dường như yếu hơn hẳn so với nước ngoài, điển hình là Trung Quốc. Việt Nam dường như chỉ mạnh ở khâu gia công, trong khi nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu. Không chủ động được nguyên liệu, trong khi hệ thống sản xuất, công nghệ sản xuất phát triển chậm, dần dần bị thay thế bởi các doanh nghiệp nước ngoài
Nên trong tương lai, một kịch bản có thể diễn ra (dù chưa xác định được là khả năng xảy ra bao nhiêu %) là người Việt làm công ngay trên đất nước mình cho người nước ngoài. Các hệ thống nhà máy nhuộm, sản xuất vải… của Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều tại Việt Nam đang gây ra nhiều khó khăn cho nước ta trong việc cạnh tranh trong thời gian tới.
Như vậy, điều quan trọng không chỉ là Việt Nam đã vào TPP, mà làm thế nào để đủ “sức khoẻ” để tham gia vào cuộc chơi chung với các quốc gia khác, những quốc gia có xu hướng “thuê ngoài” – chuyển công nghệ, quy trình sản xuất, nguồn nhân lực có tay nghề cao ra nước ngoài - để cân bằng lợi ích và khó khăn khi tham gia vào TPP.
Âu lo còn đó chưa giải quyết xong
Bên cạnh niềm vui của một số ngành, thì nỗi lo của nhiều ngành khác vẫn còn hiển hiện trên gương mặt của nhiều chủ doanh nghiệp. Ví dụ như ngành chăn nuôi. Làn sóng thịt, trứng, sữa từ những nước sản xuất lớn như Úc, New Zealand,…sẽ theo đường TPP tràn vào Việt Nam.
Với mức giá cạnh tranh khốc liệt và phẩm chất vượt trội so với mặt hàng chăn nuôi của người Việt (tính tới thời điểm hiện tại), hàng ngoại có khả năng thay thế hàng Việt trên các mâm cơm gia đình.
Chúng ta có quyền kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, tuy nhiên, lý thuyết kinh tế học cho thấy bài học đơn giản nhưng hiện thực là “khi nguồn lực khan hiếm, con người có xu hướng chọn cái gì có lợi nhất cho họ”; nghĩa là người ta dù có yêu hàng Việt đến đâu, vẫn sẽ có xu hướng chuyển qua dùng hàng ngoại nếu bảo đảm giá cả, phẩm chất lượng và an toàn cho sức khoẻ. Thế nên, ngành chăn nuôi Việt Nam, nếu không bắt kịp các giá trị công nghệ thì nông dân Việt sẽ khổ.
Hay như ngành mía đường của Việt Nam. Còn nhớ cách đây 2-3 năm về trước, khi ông Bầu Đức sang Lào làm nông dân, trồng mía đường và nhập khẩu ngược về Việt Nam với mức giá thấp “choáng váng”, không ít doanh nghiệp mía đường nội địa đã phải la làng, kêu cứu.
Ưu thế về đất đai, kỹ thuật canh tác giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất ngành mía đường, và khi vào Việt Nam, đường ngoại nhập trở thành ưu thế. Cũng tương tự như câu chuyện thịt, trứng, sữa, người tiêu dùng sẽ chọn đường ngoại nhập bởi phẩm chất tốt hơn (thậm chí chỉ cần ngang bằng đường nội) nhưng giá cả cạnh tranh hơn rất nhiều, có khi rẻ hơn 10-20% giá cả nội địa.
Tâm thế chưa sẵn sàng
Bên cạnh các nỗi lo về cạnh tranh, thì tâm thế sẵn sàng mới chính là điều đáng quan ngại với doanh nghiệp Việt Nam. Cần nhớ rằng, để tận dụng được các hiệp định thương mại tự do như TPP, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn lực, nguồn nguyên liệu, chiến lược mở rộng và đa dạng hoá thị trường, chiến dịch tiếp thị và quảng bá, và quan trọng hơn nữa là chiến lược liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp khác (khi cần thiết) để tránh bị cô lập và suy sụp.
Tuy nhiên cho đến lúc này, doanh nghiệp Việt vẫn chưa biết gì về cả TPP lẫn cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC 2015). Các khoá phổ cập kiến thức về TPP được khẩn trương tổ chức khi TPP hoàn tất. Các khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy dưới 30% các doanh nghiệp hiểu về TPP, càng hiếm có doanh nghiệp biết đến tác động của TPP (hay AEC) khi cả hai đã được thỏa thuận trên bàn đàm phán.
Việc thiếu thông tin sẽ khiến doanh nghiệp chậm chân trong chuẩn bị, cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Vô hình chung, việc mở cửa vốn là để giúp doanh nghiệp nội phát triển, thì lại có nguy cơ trở thành đường một chiều cho doanh nghiệp ngoại ùa vào.
Việc mở cửa hội nhập là điều đáng mừng khi chính phủ Việt Nam chấp nhận các cải cách, bao gồm cả tính minh bạch, tái cấu trúc kinh tế, tự do hoá thị trường, giải quyết mạnh tay nạn tham nhũng…Tuy nhiên sự chậm chân và thiếu chủ động của không ít doanh nghiệp Việt Nam, trong tương lai không xa, có thể giết chết nền sản xuất nội địa. Hãy nhìn cách doanh nghiệp ngoại “diệt” nền kinh tế nội địa của Campuchia, người ta sẽ cảm nhận được sự nguy hiểm cực kỳ to lớn của quá trình hội nhập – vì quá trình này tuy rất có lợi, nhưng cũng rất khắc nghiệt.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment