Theo BBC-7 giờ trước
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói vai trò của chính phủ là để tạo điều kiện cho các công ty phát triển chứ không phải để kinh doanh lấy lời.
Trả lời BBC, ông Thành nói ông không ngạc nhiên về quyết định thoái vốn nhà nước tại 10 công ty theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và rằng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) “có lối suy nghĩ tư nhân”.
“Vấn đề thoái vốn này đã nói nhiều rồi và kế hoạch cổ phần hóa đã nói cả 10 năm nay rồi mà vẫn cứ chần chừ làm không tới nơi tới chốn.
“Nhà nước nên đầu tư vào những lĩnh vực nào mà nhà nước cần phải đầu tư mà tư nhân chưa làm được, còn nếu tư nhân làm được rồi thì nhà nước rút ra, đó là nguyên tắc của một nền kinh tế thị trường. Và khi nhà nước rút ra thì đó cũng là để tạo điều kiện cho cả các công ty khác phát triển nữa,” ông Thành nói.
Văn bản của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về đề án tái cơ cấu SCIC ngày 8/10/2015 nói SCIC "chọn thời gian thích hợp", báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thoái vốn tại Vinamilk và 9 doanh nghiệp khác phải "đạt được lợi ích cao nhất".
'Tư duy lạc hậu'
Hiện có câu ý kiến cho rằng SCIC muốn giữ cổ phần nhiều tại một số công ty như Vinamilk vì đây là “con bò sữa” giúp SCIC có lãi hàng ngàn tỉ đồng hàng năm.
Ông Thành cho rằng SCIC nên giải quyết và giúp doanh nghiệp khi có khó khăn thay vì đóng vai trò kinh doanh lấy lời bấy lâu nay của mình.
“SCIC muốn giữ cổ phần của công ty nào đó là vì ông ấy nghĩ là ông ấy có lời nhiều trong công ty đấy. Suy nghĩ như như vậy là lối suy nghĩ tư nhân chứ không phải tư duy quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước không phải là để lấy lời.
“Đây là vấn đề về tư duy của mấy anh lãnh đạo nhà nước và mấy anh SCIC. Phải quan niệm là nhà nước không có vai trò làm kinh doanh lấy lời. Nếu mà không tư duy như thế thì anh còn lạc hậu.
"Anh cứ khư khư giữ để làm lợi thì đó là cái gì? Để anh được thưởng cuối năm hay thế nào đấy thì cái đó không phải là mục đích của quản lý nhà nước.
“Khi doanh nghiệp làm ăn tốt rồi thì SCIC nên rút ra để doanh nghiệp làm việc được tốt. Theo tôi nên thoái vốn càng sớm càng tốt,” ông Bùi Kiến Thành nói.
SCIC, tập đoàn thành lập năm 2005 theo một quyết định của Thủ tướng, mô tả về " sứ mệnh" của họ là “thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tập trung đầu tư kinh doanh vốn vào các lĩnh vực then chốt, trọng yếu nhà nước cần nắm giữ chi phối, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước; đồng thời phải đảm bảo hiệu quả theo nguyên tắc thị trường.”
Thành phần ban lãnh đạo SCIC khá đa dạng; nhân sự có người từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, có người từng làm tại VNA, EVN... một số được đào tạo ở nước ngoài và có cả những người từng giữ ghế cấp lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh.
Một số người trong ban lãnh đạo SCIC hiện kiêm nhiệm ghế hội đồng quản trị tại các công ty bảo hiểm, tài chính, chứng khoán, bất động sản, dược, xây dựng, du lịch... trên toàn quốc.
Thực trạng này đặt ra câu hỏi về khả năng xung đột lợi ích theo đó dùng vốn nhà nước và thông tin nội bộ nhằm mục đích sinh lời cho công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần mà báo chí trong nước gọi là doanh nghiệp "sân sau" nơi họ ăn lương, nắm cổ phần và nhận cổ tức.
'Giá ảo'
Trong khi đó một nhà quan sát tại Việt nam muốn ẩn danh mô tả lý do chính của đợt thoái vốn là vì chính phủ cần tiền trong bối cảnh nợ công tăng cao.
“Việc liên tục phát hành trái phiếu, cả trong nước hiện thu chỉ được phân nửa chỉ tiêu, đề xuất phát hành trái phiếu ra quốc tế, hay Bộ Tài Chính phải đi vay Ngân hàng Ngoại thương chứng tỏ là ngân sách nhà nước đang rất căng.
“Ngoài ra không thể không tính đến yếu tố TPP. Nếu TPP được chuẩn thuận vào năm sau thì sẽ tạo áp lực về hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước. Không bán [cổ phần] bây giờ đến năm sau chắc gì đã bán hết được,” người này nói.
Độc giả BBC facebook cảnh báo về thực trạng “giá ảo” của cổ phiếu các công ty trong doanh sách được nhà nước thoái vốn.
Tung Nguyen viết: “Giá đang tăng nhanh và rất ảo vì chứng khoán Việt nam đang bị thao túng, nói thật ai dại mà mua giá cao? đợi nó về giá thật thì chỉ có khóc.”
Trung Nguyễn nhận định: “Khi vào TPP các doanh nghiệp này không cạnh tranh được rồi thua trên sân nhà. Do đó giá [cổ phiếu] sẽ giảm, thậm chí giảm rất sâu.”
Và bạn đọc Huy Lê viết: “Thoái hết vốn ở Petrolimex và EVN là dân khoái nhất.”
Thời báo Kinh tế Sài Gòn nói Chính phủ Việt Nam có thể thu được 4 tỉ đôla sau khi SCIC thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp nêu trên.
Tờ này cho rằng: “Đây là nguồn thu khổng lồ đủ sức bù đắp bội chi ngân sách năm nay, đồng thời giúp Chính phủ có nguồn để cơ cấu một số khoản nợ trong nước khoảng 2 tỉ đôla Mỹ sắp tới hạn.”
No comments:
Post a Comment