Friday, October 2, 2015

Cam Bốt bị chỉ trích cưỡng bức người Thượng về Việt Nam.

Đức Tâm Đăng
Theo RFI-ngày 02-10-2015
media
Một nhóm người Thượng ở tỉnh Ratanakiri, đông bắc Cam Bốt, ngày 22/07/2004.DR

Hơn một chục tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, tị nạn, trong đó có Amnesty International, Human Rights Watch, ngày 24/09/2015, đã cùng ký một thông cáo kêu gọi chính quyền Cam Bốt không cưỡng bức trao trả về Việt Nam khoảng 100 người Thượng xin tị nạn và đề nghị Phnom Penh chấm dứt những hành vi tương tự.

Theo bản thông cáo, hiện nay, có ít nhất 100 người Thượng Việt Nam đang xin tị nạn tại Cam Bốt. Nhiều người trong họ theo một số hệ phái Tin Lành, bị chính quyền Việt Nam cấm đoán, và xin tị nạn vì lý do truy bức tôn giáo

Sau khi chấp nhận cấp quy chế tị nạn cho 13 người, chính quyền Phnom Penh đã từ chối nhận đơn xin của ít nhất 100 người khác. Theo giới bảo vệ nhân quyền, trích dẫn nguồn tin của báo Cambodia Daily, đầu tháng Chín vừa qua, đại diện Bộ Nội vụ Cam Bốt đã đề nghị Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR), đưa nhóm 13 người Thượng tị nạn đi tái định cư tại một nước thứ ba, đồng thời giúp đỡ Phnom Penh trao trả số người Thượng còn lại cho Việt Nam.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng chính quyền Cam Bốt đã không tuân thủ Công ước Geneve về người tị nạn, khi đưa ra hai đề nghị nói trên. Mặt khác, Phnom Penh lại ký kết một thỏa thuận đón tiếp người tị nạn để nhận được 40 triệu từ phía Canberra. Hành động này của Úc, theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, là vi phạm Công ước Geneve về người tị nạn. Thông cáo còn nhắc lại là hồi tháng 02/2015, có ít nhất 45 người Thượng đã bị cưỡng bức trao trả cho chính quyền Việt Nam.

Do vậy, các tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu gọi Cam Bốt chấm dứt các hành động vi phạm trắng trợn Công ước Geneve về người tị nạn và luật pháp quốc tế liên quan đến các quyền con người.

Theo giới bảo vệ nhân quyền, Phnom Penh cần thực hiện các quy trình xác định quy chế tị nạn đối với những người Thượng xin tị nạn tại Cam Bốt và tôn trọng các quyền của 13 người Thượng đã được cấp quy chế tị nạn. Đồng thời, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt truy bức những người Thượng.

No comments:

Post a Comment