Friday, October 2, 2015

‘’Hoài nghi Mỹ’’: Giới lãnh đạo VN đã làm gì để được người khác tin?

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

‘’Sự án binh bất động của Hoa Kỳ trên Biển Đông đã là thành công lớn của Tập Cận Bình trong chuyến đi này’’ -ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ vừa nêu ra một số nhận định đáng chú ý trong bài Biển Đông và quan hệ Mỹ-Việt-Trung sau khi Tập Cận Bình thăm Mỹ trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Là một quan chức đảng và trong thời gian qua đóng vai trò như một trong số ít chuyên gia nhà nước xuất hiện khá dày trên truyền thông, có những nhận định của ông Trần Công Trục phản ánh phần nào hệ tư tưởng đa chiều, đa hướng lẫn đu dây chưa dứt trong nội bộ giới lãnh đạo đảng Cộng sản VN hiện thời.

‘’Với Việt Nam, hoài nghi lo ngại tăng lên sau khi Tập Cận Bình đi Mỹ và có những tuyên bố công khai thách thức chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, né tránh Hoàng Sa và tìm cách thỏa hiệp, bắt tay với Mỹ, đó là mối quan tâm, cũng là lo ngại hàng đầu của người Việt về Biển Đông hiện nay’’ – một nhận định của ông Trục.

Nhận định trên phản ánh nỗi lo lắng khôn nguôi của một bộ phận (chứ không phải tất cả) giới lãnh đạo VN khi luôn đặt ra kịch bản giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra chuyện ‘’đi đêm’’, đặc biệt thỏa thuận ngầm chia lợi ích ở Biển Đông, và đây chính là kịch bản xấu nhất mà VN sẽ bị kẹt ở giữa mà không biết phải ứng phó như thế nào.

Tuy nhiên, rất may là cuộc đối thoại giữa Obama và Tập Cận Bình không theo chiều hướng như thế. Một bộ phận trong Bộ chính trị Hà Nội đã có thể thở phào.

‘’Nhưng một khi ai đó bất chấp tất cả, dùng sức mạnh quân sự uy hiếp độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa chiến tranh với Việt Nam như lo ngại của học giả Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ cảnh báo gần đây về khả năng xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì cá nhân tôi cho rằng lúc đó bắt buộc Việt Nam phải tìm mọi cách bảo vệ mình, kể cả phải tính đến việc liên minh với Mỹ’’ – một nhận định khác của ông Trần Công Trục.

Nhận định trên cũng phản ánh thực trạng ngày càng nhiều, và có thể hiện thời đang chiếm đa số nhỉnh hơn, giới lãnh đạo VN nghiêng về khả năng ‘’liên minh với Mỹ’’, tuy trong thực tế xu thế này vẫn chưa thể coi là bền vững và Hà Nội vẫn có thể quay ngoắt sang Bắc Kinh như đã từng nhiều lần trong quá khứ.

Chính thủ thuật đu dây thấy gần không thấy xa của giới lãnh đạo VN đã khiến ông Trần Công Trục phải nêu ra một nhận định ‘’Tôi nhận thấy người Mỹ vẫn còn hoài nghi về thiện chí của Việt Nam cũng như chính sách đối ngoại của người Việt’’.

Đã đến lúc những người muốn ngả sang Mỹ, chơi với Mỹ và được đi Mỹ phải tự tìm chỗ đứng cho chính kiến của họ: trong khi hoài nghi Mỹ, hãy tự hỏi họ đã làm gì từ tháng 5/2014 khi Trung Quốc tấn công lãnh hải VN bằng giàn khoan HD 981; họ đã làm gì khi vẫn siết bức dân chủ và nhân quyền song lại muốn được tất cả - TPP, vũ khí sát thương, được Mỹ bảo vệ cho ‘’Tổ quốc’’ và lợi ích cá nhân của họ?


Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment